Tết Nguyên đán cận kề, không khí trên các cánh đồng, vườn rau tại Đắk Nông trở nên nhộn nhịp và khẩn trương hơn bao giờ hết. Nông dân đang gấp rút xuống giống chăm sóc, chuẩn bị các loại rau củ để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp lễ lớn nhất trong năm.
Tại các vùng sản xuất rau trọng điểm của tỉnh, các hộ dân đang tất bật chăm sóc các luống rau, củ quả để bảo đảm cung cấp sản phẩm tươi ngon, an toàn đến tay người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hòa, ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) có 2.000m2 trồng rau. Bà Hòa cho biết, nguồn thu nhập của vợ chồng bà nhiều năm nay từ những luống rau này.
Trên diện tích đất này, bà Hòa trồng cải ngọt, cải xanh, cải thảo, các loại rau thơm. Bà trồng rau theo hình thức gối đầu để bán cho người tiêu dùng hàng ngày.
Để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới, bà Hòa trồng các loại rau như cải thảo, rau thơm. Rau ăn lá có nhiều loại nên phải tính toán để xuống giống vì có những loại rau trồng 1 tháng là có thể bán.
Tương tự, ông Đỗ Hoàng Hà, ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) trồng rau củ nhiều năm nay. Để chủ động phục vụ thị trường tết, ông Hà đã xuống giống 1ha cà rốt.
Đến nay, vườn cà rốt của ông đã được 30 ngày tuổi. Ngoài ra, ông trồng 1ha ớt và bắt đầu thu hoạch. Ông cung cấp ớt trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Ông Hà cho biết: “Để có được vụ rau mang lại hiệu quả kinh tế, tôi phải theo dõi thời tiết, lựa chọn giống tốt và chăm sóc rau thật kỹ để bảo đảm đủ nguồn hàng cung cấp trong dịp tết. Năm nay, gia đình tôi tập trung vào thị trường tết với diện tích lớn”.
Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, HTX Nông nghiệp Hà Khánh ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã chủ động sản xuất, xuống giống khoảng 10ha cà rốt, ớt, dự kiến cung cấp ra thị trường tết khoảng 100 tấn cà rốt, 10 tấn ớt.
Theo Sở NN – PTNT, các loại rau phổ biến trong dịp tết bao gồm cải ngọt, cải thìa, xà lách, su hào, cà rốt và bí đỏ được người dân chủ động trồng.
Nhu cầu rau an toàn ngày càng tăng khiến nông dân chú trọng hơn trong việc đầu tư số lượng lớn với quy trình sản xuất bài bản, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Những năm gần đây, người dân đã đẩy mạnh áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên các loại cây rau, củ, cây ngắn ngày.
Tết luôn là dịp tiêu dùng lớn nhất năm và nhiều nông dân đã nắm bắt nhu cầu này để tập trung sản xuất, mở rộng diện tích hoặc thay đổi lịch sản xuất để cung cấp số lượng hàng lớn ra thị trường dịp này.
Trong sản xuất rau, củ, nhiều nông dân đã áp dụng kỹ thuật trồng trọt tiên tiến nhằm ứng phó với sự biến đổi khí hậu và những thách thức như mưa trái mùa và sâu bệnh. Những biện pháp này giúp tăng cường năng suất và bảo đảm rau củ luôn đạt chuẩn chất lượng.
Tết Nguyên đán không chỉ là thời điểm bận rộn mà còn là cơ hội để nông dân kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Sản xuất rau, củ không chỉ đáp ứng nhu cầu của tỉnh Đắk Nông mà còn cung ứng cho các tỉnh thành lân cận, mở rộng thị trường theo các chuỗi liên kết tiêu thụ và tạo thêm nguồn thu ổn định cho người dân.
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 8.000ha rau, củ các loại, tập trung ở Đắk Song, Tuy Đức, Cư Jút, Krông Nô, Gia Nghĩa…
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-dan-dak-nong-tap-trung-rau-cu-phuc-vu-tet-234610.html