Tích cực thực hiện Tiểu dự án 1
Đắk Nông đang thực hiện Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Những năm qua, Đắk Nông tích cực thực hiện Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 4 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc CTMTQG quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tiểu dự án được thực hiện theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ). Mục tiêu của dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo.
Dự án hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân có huyện nghèo trong tỉnh. Dự án gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tiểu dự án 1 là hỗ trợ học nghề cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp; hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông
“Các mô hình gắn kết đào tạo nghề với các doanh nghiệp, hợp tác xã và hỗ trợ các địa phương cũng được hỗ trợ phát triển đẩy mạnh công tác khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, truyền thông về giáo dục nghề nghiệp”, ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông thông tin.
Mục tiêu đến hết năm 2025 Đắk Nông có 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập.
Tỉnh phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.
100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%. Trong đó, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%.
Từ năm 2022 – 2023, Đắk Nông hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 4.332 lao động, trong đó khoảng 2.000 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng Tiểu dự án 1.
100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
Nguồn vốn phân bổ về cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 4, giai đoạn 2022-2024 gần 137 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển khoảng 47 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoảng 90 tỷ đồng.
“Đa số người dân sau khi học nghề mạnh dạn, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống”, ông Nam đánh giá.
Năm 2024, Đắk Nông dự kiến đào tạo nghề cho khoảng 2.390 lao động thuộc 3 CTMTQG theo Kế hoạch số 175/KH-UBND tỉnh ngày 20/3/2024 của UBND tỉnh.
Còn những khó khăn, vướng mắc
Hiện nay, việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 đang gặp những khó khăn về cơ chế, các quy định chung cần kịp thời tháo gỡ.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB-XH; Điểm a, Khoản 4, Mục III, Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ thì đối tượng được thụ hưởng các nội dung hỗ trợ nêu trên là những “cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.
Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 2, Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT ngày 06/01/2023 của Bộ GD-ĐT về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên quy định: “Trung tâm là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng”. Quy định này khiến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thể được thụ hưởng các chính sách nêu trên.
Ông Hoàng Viết Nam chia sẻ: “Vướng mắc nêu trên dẫn tới địa phương không thể đầu tư nâng cấp, xây dựng một số hạng mục và mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện. Vì các trung tâm không thuộc đối tượng thụ hưởng từ chương trình để bảo đảm phát huy công năng đào tạo đạt chỉ tiêu về trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng”.
Một vướng mắc khác là Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp là đối tượng thụ hưởng thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nên địa phương chưa thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng này.
Đồng thời, các tiểu dự án, nội dung thành phần thực hiện về giáo dục nghề nghiệp thuộc 3 CTMTQG có nhiều nội dung tương đồng và chồng chéo giữa các cấp thực hiện.
Từ những nguyên nhân nêu trên, việc giải ngân nguồn vốn Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 4, giai đoạn 2022-2024có tỷ lệ rất thấp, đạt 25,5% (35/137 tỷ).
Về hướng tháo gỡ, ông Hoàng Viết Nam, cho biết, các đơn vị, địa phương đã đề xuất điều chỉnh hơn 30 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 4 sang thực hiện các dự án, tiểu dự án khác và đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 16/2024/NQ-HĐND.
Hiện nay, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 23/NQ-HĐND để bổ sung vốn đầu tư trung hạn về Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông với kinh phí khoảng 27 tỷ đồng”.
Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập duy nhất của Đắk Nông được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB-XH cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 22 mã ngành nghề.
Hiện tại, nhà trường đang đào tạo 30 lớp, trong đó: 22 lớp trung cấp, 8 lớp cao đẳng với tổng số 849 học sinh, sinh viên.
Dự kiến Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông được đầu tư, mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề từ nguồn kinh phí Tiểu dự án 1 sẽ nâng cao chất lượng đào tạo nghề, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh”.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-tich-cuc-giao-duc-nghe-nghiep-cho-vung-ngheo-vung-kho-khan-233237.html