Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông đã chủ trì hỗ trợ nông dân đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến cà phê. Nhờ đó, năng suất và chất lượng cà phê của tỉnh đang dần được nâng cao.
Đơn cử, từ nguồn vốn của Dự án khuyến nông Trung ương, ngành Khuyến nông Đắk Nông đã xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị.
Dự án được triển khai trong 3 năm (2021-2023), với quy mô 10ha, 10 hộ tham gia, địa điểm triển khai tại xã Tân Thành, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô.
Kết quả triển khai dự án cho thấy, có 8 trong số 10ha cà phê được cấp chứng nhận hữu cơ Việt Nam, năng suất trung bình đạt 3,2 tấn/ha. Lợi nhuận của vườn cà phê tham gia dự án đạt trên 167 triệu đồng/ha, tăng hơn 38 triệu đồng so với sản xuất đại trà.
Ông Y Thuân ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô (Đắk Nông) cho biết: “Khi tham gia dự án, chúng tôi nhận thức được lợi ích của việc canh tác cà phê theo hướng hữu cơ. Từ đó, chúng tôi đã thay đổi phương pháp canh tác để nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Đối với Chương trình Khuyến nông địa phương, từ năm 2022, ngành Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình tái canh cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Đắk R’lấp và TP. Gia Nghĩa.
Mô hình có quy mô 2ha, gồm 4 hộ tham gia. Toàn bộ diện tích cà phê trong mô hình đều lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước.
Qua đánh giá của nông hộ, việc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm đã giảm được 30% lượng nước tưới và 70% công lao động cho việc tưới nước/ha cà phê.
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông triển khai mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên cây cà phê.
Mô hình có quy mô 14ha, với 16 hộ tham gia tại huyện Tuy, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil. Mô hình đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu…
Ngoài ra, trung tâm còn triển khai nhiều chương trình như: sản xuất cà phê bền vững được thực hiện trong năm 2019 – 2020; mô hình tái canh cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; chương trình phối hợp với Tổ chức Diễn đàn cà phê Toàn cầu (GCP); Dự án SACCR, Dự án VNSAT…
Thạc sĩ Đào Thị Lan Hoa, Phòng Kế hoạch Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Kỹ nông – lâm nghiệp Tây Nguyên cho hay, lực lượng khuyến nông đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành hàng cà phê của Đắk Nông.
Chỉ tính riêng việc triển khai các mô hình canh tác cà phê theo hướng hữu cơ, tưới nước tiết kiệm, cà phê đặc sản… đã giúp nhiều người dân thay đổi nhận thức về sản xuất. Từ đó, tạo nền tảng để từng bước nâng cao giá trị ngành hàng cà phê.
Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông cho rằng, với những kết quả đạt được, hệ thống khuyến nông đã khẳng định tốt vai trò, chức năng và nhiệm vụ được giao.
Để nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển ngành hàng cà phê bền vững, các sở, ngành, các huyện và thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của đội ngũ khuyến nông. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm, hỗ trợ đội ngũ khuyến nông nhiều hơn.
Đắk Nông hiện có có khoảng 142.000 ha cà phê, trong đó khoảng 131.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 360.000 tấn/vụ. Cà phê được trồng hầu hết trên địa bàn các huyện, thành phố, trong đó Đắk Mil là vùng trọng điểm.
Nguồn: https://baodaknong.vn/khuyen-nong-giup-nang-cao-gia-tri-ca-phe-dak-nong-233084.html