Đắk Nông đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch bô-xít, quy hoạch khoáng sản; vướng mắc trong cơ chế, chính sách khi triển khai các dự án lớn đầu tư vào tỉnh, kể cả các công trình, dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Đây là nguyên nhân chính cản trở động lực và mục tiêu tăng trưởng của địa phương trong thời gian qua.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội và thu ngân sách của Đắk Nông các năm vừa qua không đạt kế hoạch đề ra, dự báo sẽ tiếp tục không hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội 12 Đảng bộ tỉnh, nếu những “nút thắt” chưa được tháo gỡ. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn đạt khoảng 6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt 95.238 tỷ đồng trong cả giai đoạn, tăng bình quân 9%/năm (kế hoạch tăng 15%/năm); thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn đạt 15.461 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch.
Theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, bô-xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được quy hoạch thành 17 khu vực mỏ, chiếm khoảng 30% diện tích tự nhiên của tỉnh, tăng thêm 5% diện tích so với quy hoạch trước đây. Căn cứ theo quy hoạch, các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì lợi ích quốc gia, công cộng trên khu vực có khoáng sản được phép triển khai trên nguyên tắc phải thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tuân thủ quy định tại Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, thời gian qua, hầu hết các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, các dự án khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều phải tạm dừng, do chưa xác định được giải pháp tổ chức bảo vệ, thu hồi khoáng sản bô-xít có hiệu quả theo quy định; không thu hút được các dự án sản xuất, kinh doanh đầu tư vào tỉnh.
Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông yêu cầu phải có số lượng lớn đất đắp để thi công; nhất là công trình Quảng trường thành phố Gia Nghĩa hiện nay và thời gian tới là tuyến đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước). Tuy nhiên, phần lớn nguồn đất để xem xét cấp phép làm vật liệu san lấp đều nằm trong các khu vực các mỏ bô-xít đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng. Trong khi đó, hiện nay còn một số nội dung quan trọng các bộ, ngành liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Việc triển khai thực hiện dự án đầu tư thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nằm trong quy hoạch bô-xít và quy hoạch ba loại rừng; đồng thời, khó khăn trong việc xây dựng các nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 (chi thường xuyên) và dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia được chuyển sang năm 2024 theo quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội…
Từ thực tiễn khó khăn nêu trên, tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương xem xét sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục, chi phí thực hiện việc thu hồi, bảo vệ khoáng sản để địa phương, các chủ đầu tư dự án tổ chức triển khai thực hiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đầu tư các dự án công trình giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm dân sinh, an ninh trật tự, an ninh quốc phòng.
Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công thương sớm hướng dẫn địa phương về nội dung các loại đất có thể quy hoạch để xây dựng các dự án Tổ hợp nhà máy tuyển quặng bô-xít-alumin-nhôm; các thủ tục về đất đai, khoáng sản thực hiện xây dựng Tổ hợp nhà máy tuyển quặng bô-xít-alumin-nhôm; thống nhất chủ trương cho tỉnh Đắk Nông xây dựng chính sách miễn tiền sử dụng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ (trong hàng rào Khu công nghiệp) trong thời gian được giao và cho thuê đất đối với Dự án Nhà máy điện phân nhôm để tỉnh Đắk Nông làm cơ sở trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách miễn tiền thuê hạ tầng theo như hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 626/BKHĐT-KTCN ngày 26/1/2022. Hiện nay, Trung ương đã đồng ý hỗ trợ và bố trí vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nhân Cơ. Đây là một trong những điều kiện bảo đảm thực hiện dự án và trên cơ sở đó, Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông; thống nhất chỉ đạo thực hiện về cơ chế, chính sách áp dụng đối với Dự án theo Quyết định số 822/QĐ-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 11026/VPCP-CN ngày 3/12/2019 về đầu tư Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông.
Đối với chỉ tiêu diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp, Đắk Nông kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thống nhất điều chỉnh chỉ tiêu diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 là 273.390 ha (giảm 19.591 ha so với chỉ tiêu được phân bổ) để tỉnh tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội, bố trí quỹ đất phục vụ dân sinh, ổn định dân cư, nhất là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc điều chỉnh này vẫn bảo đảm quỹ đất lâm nghiệp phát triển rừng, hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng trên 42% vào năm 2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, nghiên cứu ban hành cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng công ích cho công ty lâm nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành các quy định đặc thù phù hợp tình hình thực tế trên địa bàn Tây Nguyên, để giải quyết dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm để sản xuất nông nghiệp tại các nông, lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên và các tổ chức có sử dụng đất lâm nghiệp ■
Nguồn: https://baodaknong.vn/go-nut-that-de-thuc-day-kinh-te-dak-nong-233065.html