Rượu cần là thức uống không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Với người M’Nông cũng thế, rượu cần đã trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong các dịp lễ hội buôn làng, dòng tộc, tiếp khách quý và trong những đêm khan.
Tôi tìm về buôn làng dưới chân núi Lơm Bur, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng để được thưởng thức hương rượu cần nồng nàn và nghiêng ngả đêm rừng với men say đại ngàn của người M’Nông. “Rượu cần của dân tộc mình có từ khi nào?” – tôi hỏi. “Có lẽ không ai biết được, trong sử thi có nhắc. Lúc đầu người ta không biết hút, chỉ vắt thứ nước trắng đục từ men rừng để uống làm con người lâng lâng. Sau đó, thần nhím mới bày cho cách uống bằng ống tre. Vì thế, người Tây Nguyên nói chung và người M’Nông có tục lệ trước khi uống rượu cần đều mời Yàng, mời thần nhím uống trước”, già làng Cil Nếu ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông cho biết.
Theo già làng Cil Nếu, với người Tây Nguyên nói chung và người M’Nông nói riêng, nhà nào cũng có rượu cần trong nhà. Bởi, cùng với thức uống tâm linh, lễ vật, rượu cần còn dùng trong cưới hỏi, tang ma, tiếp khách và trong sinh hoạt gia đình, dòng tộc… Nhắc đến Tây Nguyên là nhớ văn hóa rượu cần, thứ men rừng độc đáo này luôn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt văn hóa-xã hội của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Rượu cần là lễ vật dâng cúng thần linh, rượu cần là chất men chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giao kết tình duyên… “Dù sử dụng trong dịp nào, tục uống rượu cần luôn là nét văn hóa trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”, già làng Cil Nếu khẳng định.
Để có ché rượu cần thơm nồng, dịu ngọt, uống vào nhẹ tênh cũng lắm công phu. Theo bà Bon Jrang K’Yem ở xã Đạ Tông, phụ nữ M’Nông ở đây phần đông đều biết làm rượu cần. Các loại gạo, nếp, sắn, bắp… đều làm được rượu. Nhưng rượu cần M’Nông có bí quyết riêng, đó chính là men rừng (từ một số loại lá, vỏ, rễ và một loài cây rừng đặc biệt) đã tạo ra mùi hương đặc trưng. “Rượu cần M’Nông uống vào khiến người ta lâng lâng mà rất tỉnh táo”, bà K’Yem nói.
Khi men rượu được ủ đủ ngày, đủ tháng sẽ được giã nhuyễn, rải đều và trộn cùng với một trong các loại nguyên liệu nêu trên, đã được nấu chín. Sau đó, các nguyên liệu đã phối trộn được cho vào ché để ủ. Gần miệng ché, người M’Nông lót các lớp lá dứa. Đây là phương pháp tạo thêm hương vị đặc trưng cho rượu, sau đó mới đậy nắp ché và quá trình lên men bắt đầu. “Ngày xưa làm rượu cần kỳ công lắm. Trước khi làm rượu phải kiêng “chuyện vợ chồng”, lúc nào thân thể khỏe mạnh, sạch sẽ mới làm. Người lạ không được vào nơi ủ rượu”, bà K’Yem cho biết.
Các ché rượu trong thời gian ủ được sắp xếp tại những nơi thoáng mát, khô ráo nhất trong nhà để tránh hương vị rượu bị ảnh hưởng. Tùy kích thước ché mà thời gian ủ rượu sẽ khác nhau. Rượu có thời gian ủ từ một năm trở lên sẽ cho hương vị đậm đà, thơm ngọt.
Người M’Nông tin rằng, mỗi ché rượu cần đều có vị thần coi giữ, nên họ rất kiêng việc làm vỡ ché trong khi uống. Bởi vậy, trong quá trình thưởng thức, ché rượu thường được buộc vào cái cột hoặc cọc gỗ. Trên đầu cọc có hoa văn truyền thống của tộc người và những tua ren trang trí. Cũng giống các tộc người khác ở Tây Nguyên, rượu cần M’Nông cũng có nhiều loại ché, tùy sự kiện, đối tượng khách và lượng người để chọn loại ché phù hợp, trong đó, ché mẹ là loại quý. Tuy nhiên, dù ché lớn hay bé, kiểu dáng khác nhau đi nữa, thì tục uống rượu cần ở vùng đất đại ngàn là một nghệ thuật, chịu sự chi phối của phong tục, tập quán của mỗi tộc người.
Trước khi uống rượu, chủ nhà hoặc chủ lễ đọc lời khấn xin phép Yàng để mọi người cùng thưởng thức. Già làng hoặc chủ lễ uống đầu tiên, sau đó đến những người tham dự theo thứ, bậc. Rượu cần ở buôn làng người M’Nông được làm thường xuyên, nhưng chủ yếu dùng vào những ngày có việc của buôn làng, hay gia đình, dòng tộc, nhất là trong những nghi lễ nông nghiệp và những ché rượu cần đã tạo nên tình thân trong cộng đồng. “Không có rượu cần thì không có lễ cưới xin, tang ma, sum họp cộng đồng… Phải có rượu cần thì mọi việc mới thông thuận, trôi chảy. Vì vậy, uống rượu cần trở thành phong tục không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của buôn làng”, già làng Cil Nếu chia sẻ.
Tôi may mắn được đến buôn làng người M’Nông mùa lễ hội, được thưởng thức men rừng ở xứ “mây ấp núi” và nghiêng ngả đêm rừng bên bếp lửa nồng nàn. Ngồi vít cần rượu cùng sơn nữ M’Nông, bỗng nhớ câu thơ của Giang Nam: “Ta vin cần uống núi rừng thiêng/ Em múc trăng vàng về tan đáy rượu/ Giọt mắt hòa vào men chuếnh choáng/ Tôi chìm trong hương tóc trăng em…” ■
Nguồn: https://baodaknong.vn/men-rung-m-nong-233063.html