Để phát triển du lịch chất lượng cao, du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng cần tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư các dự án du lịch có quy mô, đẳng cấp và hấp dẫn du khách.
Ngày 29/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết số 18, ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Phúc khẳng định, ngành du lịch tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế động lực, điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Sau giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh đã tập trung nguồn lực triển khai, phục hồi hoạt động du lịch theo hướng phát triển du lịch chất lượng cao, nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới được bổ sung.
Theo đánh giá, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của Tỉnh ủy, ngành du lịch Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu trên nhiều khía cạnh, phương diện, như lượng khách du lịch phục hồi, tăng trưởng trở lại với tốc độ cao; cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp; sản phẩm du lịch được đa dạng hoá với nhiều sản phẩm du lịch mới đáp ứng ngày càng cao nhu cầu trải nghiệm của du khách, như du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông, du lịch di sản văn hóa…
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, du lịch Lâm Đồng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có; chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu để đầu tư, phát triển các dự án du lịch quy mô lớn, loại hình mới lạ, cao cấp; chuyển đổi số trong ngành du lịch chưa mạnh mẽ, thiếu đồng bộ.
Hai năm qua, mặc dù lượt khách du lịch đến Đà Lạt-Lâm Đồng tăng trưởng bình quân mỗi năm gần 66%; lượng khách đăng ký lưu trú tăng trưởng bình quân 58,4%, vượt chỉ tiêu đề ra tại nghị quyết. Tuy nhiên, tỷ lệ khách quốc tế đăng ký qua lưu trú đạt thấp so với mục tiêu đề ra (khách quốc tế chiếm 5,8% tổng lượng khách qua lưu trú, thấp hơn 6,2% so với chỉ tiêu đề ra tại nghị quyết; ngày lưu trú bình quân đạt 2,4 ngày, đạt 96% chỉ tiêu đề ra.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng của ngành du lịch tuy có bước phát triển, song hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao còn chiếm tỷ lệ thấp. Số phòng nghỉ đạt chuẩn cao cấp 4.882 phòng, chiếm hơn 12% tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và 36,8% tổng số phòng đạt chuẩn từ 1 đến 5 sao trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện ngành du lịch Lâm Đồng khái quát các kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 18 của Tỉnh ủy trong 2 năm qua. Đại diện sở ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh trình bày một số tham luận nêu rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng chất lượng cao.
Để phát triển du lịch chất lượng cao; nâng cao vai trò, vị trí của ngành du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng trong tình hình mới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Phúc yêu cầu, cần tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới chất lượng cao; phát triển hệ thống khu, điểm du lịch theo các cụm không gian du lịch, hành lang kinh tế; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế… Qua đó, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng ở trong nước và quốc tế.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, cần tập trung khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch. Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư; chú ý các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch đều phải theo hướng chất lượng cao; thu hút đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp và hấp dẫn du khách.
Nguồn: https://baodaknong.vn/du-lich-da-lat-lam-dong-can-thu-hut-cac-du-an-quy-mo-lon-va-dang-cap-232954.html