Nội địa hóa chuỗi cung ứng
Cuối tháng 8 vừa qua, Đắk Nông tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án nhà máy sản xuất cồn Đức Giang cho Công ty Hóa chất Đức Giang – Đắk Nông.
Dự án được triển khai tại Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút, với diện tích 19,3ha. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 300 tỷ đồng.
Đây là dự án tập trung sản xuất cồn Ethanol, CO2 hóa lỏng và xăng E5, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp tại địa phương.
Dự án này được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ có quy mô 50.000 tấn cồn/năm. Giai đoạn này dự kiến hoàn thành thủ tục pháp lý và chính thức hoạt động vào cuối năm 2024.
Sự ra đời của dự án là một điểm sáng trong bức tranh thu hút đầu tư vào ngành Công nghiệp Đắk Nông. Điều này khẳng định tỉnh đã và đang tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để mời gọi các doanh nghiệp lớn.
Theo Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông Nguyễn Bá Út, các dự án công nghiệp hoạt động hiệu quả làm đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp của tỉnh.
Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo sự tăng trưởng bền vững cho ngành Công nghiệp và nền kinh tế tỉnh nhà. Đắk Nông đang được nhiều nhà đầu tư tiếp tục quan tâm khảo sát, tìm hiểu trên các lĩnh vực…
Đề án tái cơ cấu ngành Công thương Đắk Nông đã xác định rõ, phương hướng phát triển của các lĩnh vực ưu tiên, tập trung vào việc phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu.
Mục tiêu là tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn liền với bảo đảm các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Đắk Nông đang nỗ lực nội địa hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu.
Tỉnh cũng định hướng chuyển dịch cơ cấu từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn, công nghệ, phát triển công nghiệp xanh và các-bon thấp…
Chuyển dịch cơ cấu nội ngành
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đắk Nông là phát triển mạnh mẽ một số ngành công nghiệp nền tảng có tiềm năng, lợi thế, bảo đảm khả năng tự chủ và đáp ứng nhu cầu tư liệu sản xuất trong nước.
Các ngành Công nghiệp trọng điểm được chú trọng phát triển, bao gồm: luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất cơ bản, vật liệu xây dựng và công nghiệp phục vụ nông nghiệp…
Việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung thành các tổ hợp sản xuất chuyên môn hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Cơ cấu sản phẩm của ngành công nghiệp nền tảng sẽ được đa dạng hóa, góp phần bảo đảm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu như: nhôm, hóa chất cơ bản, và phân bón…
Đắk Nông đặc biệt chú trọng đến ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có lợi thế xuất khẩu và khuyến khích mở rộng quy mô phát triển ngành này.
Mục tiêu là khai thác tối đa tiềm năng thị trường, kết hợp với việc nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm cũng được xác định là một lĩnh vực chiến lược, nhất là việc phát triển các cụm ngành sản xuất gắn liền với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tỉnh sẽ tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp sản xuất vật tư, nguyên liệu và máy móc, thiết bị phục vụ cho ngành chế biến này.
Bên cạnh việc phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, Đắk Nông đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là các ngành liên quan đến luyện kim, cơ khí chế tạo, chế biến gỗ và nông nghiệp công nghệ cao.
Ngành Công nghiệp khai khoáng sẽ được phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại, bền vững và phù hợp với mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Đến năm 2030, Đắk Nông đạt tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp bình quân 7%/năm và chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), tăng bình quân 18,8%/năm.
Nguồn: https://baodaknong.vn/cong-nghiep-dak-nong-phat-trien-theo-chieu-sau-232060.html