Trước thực trạng một số hội viên phụ nữ xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) bị lừa đảo qua mạng, có người bị lừa với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, chị Bùi Thị Vân-Chủ tịch Hội LHPN xã luôn trăn trở tìm giải pháp để hội viên nâng cao cảnh giác, không dính vào “bẫy lừa”.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị nảy ra ý tưởng lấy chính nạn nhân trong các vụ lừa đảo để thực hiện sản phẩm truyền thông “Sử dụng mạng Facebook an toàn”. Sản phẩm đã xuất sắc giành giải nhất cá nhân cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Chị Vân chia sẻ: “Mạng xã hội đã trở nên phổ biến trong đời sống phụ nữ. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo. Cá nhân tôi biết 7-8 hội viên bị lừa đảo, thậm chí có cả chi hội trưởng phụ nữ. Do vậy, tôi lên ý tưởng làm sản phẩm tuyên truyền về vấn đề này.
Chị em bị lừa có tâm lý e ngại, giấu mọi người nên tôi phải thuyết phục thì các chị mới cho ghi hình giấu mặt làm sản phẩm dự thi. Trong số 2 trường hợp ghi hình, 1 chị bị lừa mất số tiền 78 triệu đồng, 1 chị trong 2 ngày mất 120 triệu đồng.
Đó là những vụ việc điển hình cho phương thức lừa đảo qua mạng như: tạo cơ hội việc làm lương cao tại nhà cho mẹ bỉm sữa, trúng thưởng những món quà giá trị và nộp tiền lệ phí…
Tôi hy vọng, thông qua sản phẩm truyền thông này, chị em phụ nữ nhận diện được chiêu trò lừa đảo để phòng tránh. Nếu bị lừa thì trình báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ”.
Sản phẩm được dùng để tuyên truyền cho tất cả các chi hội phụ nữ của xã thông qua Zalo, Facebook, YouTube. Chị Vân cho biết, trang Facebook của Hội LHPN xã Chư A Thai hiện có gần 1 ngàn thành viên. Đây là kênh thông tin tuyên truyền rất hữu ích.
“Mạng xã hội hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc thông tin, tuyên truyền kịp thời đến hội viên. Trước đây, phải đi từng thôn họp, vận động, tuyên truyền, còn bây giờ chỉ tuyên truyền ở 1 thôn thì các thôn, làng khác đều nắm bắt thông tin. Theo dõi trang còn có cả nam giới, vì thế hoạt động Hội thêm lan tỏa, đồng hành với cả 2 giới”-chị Vân nói.
Là tập thể đạt giải nhất cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội”, Hội LHPN phường Chi Lăng (TP. Pleiku) cũng lấy vấn đề từ thực tế cuộc sống đưa vào nội dung sản phẩm truyền thông mang tên: “Giải pháp triển khai hiệu quả phong trào hộ hội viên dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu, vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Mở đầu video là câu chuyện thường gặp ở các chi hội phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là hình ảnh chi hội trưởng đến tận nhà gọi hội viên đi họp, nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu với lý do phải đỡ đẻ cho heo.
Chị Trần Thị Sen-Chủ tịch Hội LHPN phường-cho biết: “Phường có 9 chi hội phụ nữ, trong đó có 3 chi hội làng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đời sống còn nhiều khó khăn nên chị em rất ít quan tâm hoạt động của Hội. Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới hình thức sinh hoạt Hội là yêu cầu cấp thiết để thu hút hội viên.
Hiện nay, hầu hết báo cáo của Hội LHPN phường đã sử dụng phần mềm Powerpoint với hình ảnh trực quan. Cũng từ đó, cán bộ Hội còn sáng tạo ra trò chơi hỏi đáp, lồng ghép câu đố liên quan vấn đề “tín dụng đen”, hôn nhân cận huyết thống, tiết kiệm trong chi tiêu…
Mỗi câu trả lời đúng, chị em nhận phần quà nhỏ khích lệ nên rất hào hứng tham gia. Với phương pháp này, thông tin tuyên truyền cô đọng, kèm theo hình ảnh trực quan nên dễ tiếp cận với hội viên, giúp buổi sinh hoạt sôi động hơn, hội viên tham gia tích cực hơn”.
Cuộc thi đã thu hút 52 sản phẩm của 31 tập thể và 21 cá nhân tham gia. Ban tổ chức chọn những sản phẩm truyền thông có giải pháp hay, sáng tạo và dễ áp dụng để nhân rộng nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội.
Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa khâu đột phá của nhiệm kỳ 2021-2026 “Ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng xã hội an toàn trong hoạt động Hội” và chủ đề năm 2024.
Bắt nhịp quá trình chuyển đổi số
Bà Phạm Thị Hoa-Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh-cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội đang là xu thế tất yếu của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài cuộc thi, Hội LHPN còn triển khai nhiều hoạt động để thực hiện chủ đề của năm. Hội thành lập thí điểm mô hình “Phụ nữ tự tin, hội nhập trên không gian mạng” để tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ không có điều kiện tham gia sinh hoạt Hội trực tiếp.
Hầu hết tài liệu các cuộc họp của Hội đều cung cấp qua hình thức quét mã QR. Một số hội nghị, tập huấn được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, qua Zoom, E-learning… để tiết kiệm chi phí đi lại, in ấn tài liệu.
Thực hiện chủ đề năm, toàn tỉnh đã thành lập 65 mô hình “Tổ phụ nữ ứng dụng công nghệ 4.0”, “Phụ nữ chuyển đổi số” với 1.553 thành viên. Các cấp Hội thành lập và duy trì hơn 1.366 nhóm Zalo, 486 nhóm Facebook, hàng chục nhóm TikTok, trang YouTube giúp hội viên phụ nữ tiếp cận thông tin hoạt động và các phong trào Hội nhanh chóng, kịp thời.
Tại lễ tổng kết thực hiện chủ đề năm “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh đánh giá: “Cán bộ, hội viên phụ nữ đã dần bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác Hội.
Đội ngũ cán bộ Hội được nâng cao kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản giúp việc truyền tải nội dung các phong trào, nhiệm vụ công tác Hội thuận lợi, kịp thời.
Hội viên phụ nữ tiếp cận quá trình chuyển đổi số, nâng cao nhận thức ứng dụng công nghệ thông tin trên nhiều lĩnh vực, nhận diện được thông tin xấu độc.
Nhiều hội viên ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh, quảng bá sản phẩm, từ đó góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Nguồn: https://baodaknong.vn/phu-nu-gia-lai-bat-nhip-voi-chuyen-doi-so-231114.html