Tình trạng thời tiết trở nên bất thường hơn, với những trận mưa kéo dài đi kèm theo có thể là dông lốc, mưa đá gây gãy đổ, hư hại cây cối, vật nuôi, nhà cửa của nông dân. Bên cạnh đó, hạn hán cũng diễn ra thường xuyên hơn, gây khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp.
Gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng, thôn Tân Phương, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa có hơn 1ha sầu riêng trong thời kỳ thu hoạch.
Đợt mưa lớn, kèm lốc vào đầu tháng 6/2024, toàn bộ vườn sầu riêng của ông bị rụng trái trên 50%, ước thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
“Gia đình tôi đã sinh sống, trồng cây nông nghiệp tại địa phương hơn 20 năm nay và nhận thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan với mức độ lớn, gây hậu quả nặng nề ngày càng nhiều”, ông Hùng rút kinh nghiệm.
Ngoài ông Hùng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đắk R’moan bị thiệt hại do gió lốc làm sầu riêng rụng trái, gãy cành, bật gốc trong đợt dông, lốc trên.
Theo thống kê từ Sở NN – PTNT, diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, hạn hán hàng năm của tỉnh là rất lớn. Thiệt hại lớn gây ra không chỉ đối với cây ngắn ngày mà nhiều hơn với cây lâu năm, dài ngày, trong đó có các loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng.
Cụ thể, năm 2023, ngoài hàng trăm ngôi nhà của nông dân bị tốc mái, hư hại thì toàn tỉnh có trên 1.100ha cây trồng các loại bị ngập úng; trên 1.000 con gia súc, gia cầm bị chết; nhiều công trình hạ tầng nông thôn như cầu, đường bị sạt lở, hư hỏng. Ước tổng thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2024, qua thống kê của cơ quan chức năng, có gần 8.900ha cây trồng các loại ở Đắk Nông bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước. Nhiều diện tích sầu riêng của người dân ở các địa bàn như Đắk Mil, Đắk Song, TP. Gia Nghĩa… bị lốc xoáy gây rụng quả, gãy cành, bật gốc. 600 hộ dân tại các huyện Krông Nô, Đắk Mil, Cư Jút, Tuy Đức thiếu nước sinh hoạt. Ước tổng các thiệt hại trên 50 tỷ đồng.
Thiệt hại do thiên tai đã làm tăng thêm khó khăn cho nhà nông trong bảo đảm đời sống, sinh kế ổn định, bền vững. Nông dân phải đối mặt với việc tăng chi phí sản xuất, khi phải đầu tư thêm bón phân, tưới nước, hay sửa chữa các công trình thủy lợi, tưới tiêu như ao hồ bị hư hại.
Việc hỗ trợ nông dân trong việc ứng phó với thiên tai được nhiều cấp, ngành ở Đắk Nông chú trọng. Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, ngành Nông nghiệp đang triển khai tổng hợp nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài để giúp nông dân bớt chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Với nhóm giải pháp trước mắt, ngành Nông nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho bà con về các biện pháp, kỹ thuật, giống để phòng, chống đối với từng loại hình thiên tai. Sau thiên tai, ngành Nông nghiệp hướng dẫn các biện pháp cụ thể để khắc phục.
Về lâu dài, các giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sản xuất được ngành Nông nghiệp và các địa phương tính toán kỹ hơn, bảo đảm an toàn cho sản xuất phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả.
Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh các hoạt động về chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp địa hình, khí hậu; ứng dụng tổng hợp các biện pháp tự nhiên, khoa học công nghệ để nâng cao sức chống chịu của cây trồng, vật nuôi đối với thiên tai.
Ngành từng bước giúp nhà nông tìm hướng phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khốc liệt như hiện nay.
Nguồn: https://baodaknong.vn/thien-tai-ganh-nang-cua-nong-dan-dak-nong-230625.html