Gia tăng giá trị kinh tế
Một trong những ví dụ điển hình cho mô hình chế biến sâu tại Đắk Nông là sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nấm Vàng và Hoa, TP. Gia Nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Nụ, Giám đốc Công ty chia sẻ, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo được tạo ra bởi công nghệ hiện đại từ lúc cấy giống, nuôi nấm và sấy thành phẩm. Cả quá trình đó liên tục được doanh nghiệp đầu tư, cải tiến máy móc, thiết bị để cho ra những lứa nấm chất lượng nhất.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đang đầu tư mở rộng nhà xưởng và mua sắm máy móc hiện đại; trong đó, có máy sấy thăng hoa với công suất lớn, nhằm cải thiện quy trình sản xuất.
Ngoài sản phẩm đông trùng tươi và sấy khô, công ty còn sản xuất rượu đông trùng, yến đông trùng, sâm đông trùng. Năm 2021, doanh nghiệp có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao.
Trong năm 2024, công ty phấn đấu nâng cấp cho các sản phẩm lên OCOP 4 sao và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bà Nụ cho biết: “Chúng tôi đã tiếp cận được khách hàng ở Mỹ và đang lên kế hoạch phát triển thị trường mạnh mẽ trên các kênh thương mại điện tử”.
Sản phẩm nấm linh chi của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Toàn, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp cũng được đánh giá cao về chất lượng. Bà Toàn cho biết, sản phẩm này dễ trồng, với nguồn nguyên liệu dồi dào, chủ yếu từ mùn cưa cây cao su, bột gạo và bột bắp.
“Chúng tôi hoàn toàn không sử dụng phụ gia, nên sản phẩm nấm linh chi của chúng tôi có chất lượng cao, dược tính tương đương nấm tự nhiên”, bà Toàn chia sẻ.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, cơ sở đã đầu tư mua sắm các máy móc hiện đại phục vụ sản xuất như: dây chuyền máy hấp, sấy tiệt trùng, máy thái lát, hút chân không.
Cơ sở đã hoàn thiện các phòng cấy, ươm sợi và nhà xưởng nuôi dưỡng, đáp ứng các điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm…
Bình quân mỗi năm, cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 2 tấn nấm linh chi tươi, tương ứng với gần 500kg nấm khô. Giá bán khoảng tầm 800.000 đồng/kg.
“Chế biến sâu đã giúp chúng tôi nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, nguồn thu nhập của gia đình cũng tăng lên đáng kể”, bà Toàn cho biết.
Tiếp sức để phát triển
Theo thông tin từ Sở Công thương, các hoạt động khuyến công đã kịp thời khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để chế biến sâu các sản phẩm hàng hóa.
Nguồn kinh phí này chủ yếu hỗ trợ các chủ thể đầu tư vào việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị máy móc… Điều này đã giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.
Trong giai đoạn 2022-2023, khuyến công quốc gia và địa phương đã hỗ trợ Đắk Nông thực hiện 22 đề án với tổng kinh phí hơn 10,3 tỷ đồng. Riêng trong năm 2024, kinh phí khuyến công địa phương đã dành 1,8 tỷ đồng để phát triển sản phẩm.
Sở Công thương Đắk Nông
Phát triển chế biến sâu đã trở thành xu hướng tất yếu. Chế biến sâu không chỉ đơn thuần là việc chế biến nông sản thành sản phẩm tiêu dùng mà còn bao gồm việc khai thác, tối ưu hóa giá trị của từng phần nguyên liệu. Điều này giúp giảm thiểu lãng phí và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản địa phương.
Việc phát triển chế biến sâu còn tạo ra những cơ hội việc làm bền vững cho người dân địa phương. Theo thống kê, mức thu nhập bình quân của người lao động trong ngành chế biến nông sản tại Đắk Nông đạt từ 4 – 6 triệu đồng/tháng.
Từ những nỗ lực trong việc phát triển chế biến sâu, Đắk Nông đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ nông sản Việt Nam. Với sự hỗ trợ của các chính sách, tương lai của ngành công nghiệp chế biến tại Đắk Nông hứa hẹn sẽ còn nhiều triển vọng hơn.
Nguồn: https://baodaknong.vn/giai-phap-ben-vung-cho-cong-nghiep-nong-thon-dak-nong-230499.html