Theo kết quả khảo nghiệm của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), phương pháp canh tác đa cây đã và đang phát huy hiệu quả đối với sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Đắk Nông.
Biện pháp này đã giúp các hộ nông dân cải thiện độ phì cho đất, tăng năng suất cây trồng, duy trì vi sinh vật có ích, giúp cây chống chịu khô hạn và các điều kiện thời tiết bất lợi.
Gia đình ông Mai Văn Quyền ở xã Đắk D’rô, huyện Krông Nô có 2ha cà phê canh tác năm thứ 10. Để canh tác mang lại hiệu quả, ông Quyền khi áp dụng biện pháp trồng xen 2 hàng cà phê với 1 hàng tiêu, ước khoảng 400 trụ tiêu/ha.
Ông Quyền cho biết: “Năm vừa rồi, năng suất cà phê đạt trên 4 tấn/ha và tôi còn thu hoạch thêm 1,5 tấn tiêu. Từ đầu vụ đến khi thu hoạch, vườn cây phát triển khá ổn định. Bởi vườn xen canh giúp cây trồng cộng sinh phát triển nên rất ít sâu bệnh hại”.
Còn gia đình ông Lê Đăng Thế ở bon Đắk M’rê, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, có hơn 2ha cà phê kết hợp trồng xen hồ tiêu, cây ăn trái.
Ông Thế cho biết: “Trồng xen canh không những tăng hiệu quả kinh tế trên đất vườn mà còn hạn chế được côn trùng, sâu bọ gây hại cho cây trồng chính. Đặc biệt, hạn chế rủi ro ngay cả khi cây trồng chính bị thiệt hại hoặc không mang lại năng suất như mong đợi”.
Theo WASI, những năm gần đây, việc tuyên truyền biện pháp kỹ thuật trồng xen và chuyển giao các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao ngoài cà phê, diện tích trồng xen của tỉnh Đắk Nông tăng lên đáng kể, có nơi đạt tới 50% diện tích.
Kết quả điều tra của WASI đối với hộ trồng cà phê tại huyện Đắk Mil, Đắk Song, Krông Nô cho thấy, loại hình trồng xen phổ biến hiện nay là trồng xen đơn cây sầu riêng, cây hồ tiêu, bơ trong vườn cà phê chiếm trên 70% số hộ điều tra.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp Đắk Nông, việc trồng xen canh còn có tác dụng giúp hạn chế được hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất. Các xác bả thực vật từ lá, cành rụng của cây trồng xen cung cấp thêm từ 24 – 26% hàm lượng chất hữu cơ trong đất.
Ngoài ra, đa dạng hóa cây trồng còn góp phần cải thiện tình trạng hữu cơ của đất, giúp đất tơi xốp và làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón và nước. Biện pháp trồng xen trong vườn cà phê đã làm tăng hiệu quả sử dụng nước 17,7%.
Để sản xuất 1 tấn cà phê chỉ cần 500m3 nước, trong khi vườn cà phê trồng thuần cần tới 600m3 nước. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình suy giảm nguồn nước ngầm, thời tiết cực đoan hiện nay.
Vườn trồng xen giúp hạn chế, phân tán các loại sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Bà con nông dân nên chọn những loại cây trồng có tác dụng xua đuổi sâu bệnh hại, thu hút thiên địch.
Theo khuyến cáo, đối với cây trồng xen, bà con có thể sử dụng các loại cây trồng như: sầu riêng, bơ, cây có múi (cam, bưởi da xanh), hồ tiêu, mắc ca, các cây lấy gỗ có giá trị…
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN- PTNT Đắk Nông cho biết, tỉnh tập trung triển khai, nhân rộng các mô hình xen canh phù hợp và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đắk Nông thường xuyên triển khai các chính sách, dự án, chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bố trí cơ cấu mùa vụ, cây trồng phù hợp với lợi thế của địa phương.
Hiện nay, các mô hình trồng xen đã tạo ra sản phẩm đa dạng vừa có những tương hỗ sinh học tốt, chứng minh được tính bền vững về mặt kinh tế, thân thiện với môi trường hơn hẳn so với biện pháp trồng thuần trong điều kiện thời tiết có nhiều biến đổi bất lợi.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-da-dang-hoa-cay-trong-de-giam-thieu-rui-ro-230501.html