Ngày 26/9, Sở KH-CN Đắk Nông tổ chức công bố kết quả nghiên cứu về việc ứng dụng công nghệ lên men nhằm tăng cường hiệu quả chiết xuất dầu từ quả bơ.
Nhóm nghiên cứu đã phân lập thành công 31 chủng vi khuẩn lactic, trong đó có 6 chủng thuần và 1 chủng nấm men có khả năng sinh acid lactic.
Những chủng này cũng thể hiện hoạt tính enzyme amylase và cellulase, rất quan trọng trong quá trình lên men bơ. Đặc biệt, một chủng vi khuẩn lactic đã được định danh, tạo điều kiện cho việc ứng dụng vào sản xuất thực tiễn.
Nghiên cứu đã xác định điều kiện tối ưu để lên men bơ, với pH đạt 6.5, thời gian lên men 48 giờ và nhiệt độ 37°C. Quy trình này được thực hiện trên quy mô 20kg mỗi mẻ, cho phép thu nhận dầu bơ với các thông số sinh học tích cực.
Các sản phẩm được tạo ra bao gồm: sáp dưỡng ẩm chống khô da, mặt nạ làm sáng da, lotion kích thích mọc tóc và son dưỡng môi chứa dầu bơ lên men. Những sản phẩm này đạt tiêu chuẩn về đặc tính hóa lý, tính an toàn và độ ổn định.
Đánh giá độ ổn định của dầu bơ chiết xuất từ quá trình lên men là một yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Mô hình lên men quả bơ đã được triển khai nhằm thu nhận dầu. Từ đó đánh giá hiệu quả thực tiễn và chuyển giao mô hình cho các cơ sở sản xuất.
Việc ứng dụng công nghệ lên men trong sản xuất mỹ phẩm từ quả bơ Đắk Nông không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú, mà còn tạo ra những sản phẩm an toàn và hiệu quả cho người tiêu dùng.
Điều này mở ra hướng đi mới cho việc kết hợp khoa học công nghệ với tiềm năng thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững.
Nguồn: https://baodaknong.vn/phat-trien-my-pham-tu-qua-bo-dak-nong-230269.html