Có nhiều dấu ấn trong nông nghiệp
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, các tổ KNCĐ ở Đắk Nông đã tạo nên những dấu ấn tích cực. Trong đó, đáng chú ý là việc tư vấn, hỗ trợ người dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp thực hiện các quy trình sản xuất đạt hiệu quả.
Các thành viên các tổ KNCĐ của tỉnh đã tích cực vận động nông dân tham gia lớp tập huấn, tiếp cận công nghệ, quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện và nhu cầu sản xuất tại địa phương. Vì vậy, nhiều mô hình nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường hình thành ở các vùng sản xuất.
Từ kết quả 2 mô hình thí điểm tổ KNCĐ xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa và xã Nam Bình, huyện Đắk Song, Đắk Nông đã nhân rộng được 52 tổ, với 586 thành viên tham gia.
Tại xã Nam Bình, tổ KNCĐ đã liên kết với Công ty Cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (CAFECONTROL) hỗ trợ 3 lớp tập huấn sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C cho thành viên HTX.
Công ty CAFECONTROL cũng tư vấn, hỗ trợ HTX Đoàn Kết sản xuất hơn 70 tấn cà phê bột chất lượng cao. Sản phẩm được Công ty TNHH MTV Quang Vinh, huyện Đắk Song, ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ.
Còn Tổ KNCĐ xã Nam Đà, huyện Krông Nô đã chủ trì tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và thu hút gần 1.000 lượt người tham gia.
Ông Phan Văn Minh, Tổ trưởng Tổ KNCĐ xã Nam Đà cho biết, nội dung đào tạo tập trung vào sản xuất cà phê, tiêu, kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt.
Đến nay, Tổ KNCĐ xã đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: Tổ hợp tác trồng hoa thôn Nam Hà; tổ hợp tác chăn nuôi; nhóm hộ sản xuất cà phê hữu cơ…
Theo ông Lê Đình Khánh, Tổ trưởng Tổ KNCĐ xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, các thành viên trong tổ luôn bám sát, động viên nông dân tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP.
Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết, việc gắn kết các tổ KNCĐ với vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn sẽ giúp nâng cao chất lượng cà phê tại các địa phương.
Ông Chương cho hay: “Các tổ KNCĐ không chỉ hỗ trợ, định hướng cho các HTX, người dân nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm mà còn tạo sự ổn định, nâng cao thu nhập trong sản xuất”.
Chưa được quan tâm đúng mức
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, các tổ KNCĐ chưa nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ trong quá trình hoạt động. Nhất là đối với công tác quản lý, chỉ đạo về chuyên môn đối với các tổ KNCĐ chưa được xuyên suốt. Trong đó, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan chuyên môn.
Vì vậy, hoạt động của các tổ KNCĐ ở Đắk Nông vẫn chưa có định hướng cụ thể. Do đó, việc kiện toàn các tổ KNCĐ còn gặp nhiều khó khăn. Các tổ KNCĐ hiện nay chủ yếu hoạt động tự phát.
Thời gian qua, Sở NN – PTNN tỉnh Đắk Nông đã tham mưu xây dựng nghị quyết về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Trong đó, nghị quyết đưa ra một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các tổ KNCĐ. Tuy nhiên, nghị quyết vẫn đang còn ở dạng dự thảo.
“Các thành viên của các tổ KNCĐ đang hoạt động trên tinh thần tự nguyện, chưa nhận được sự hỗ trợ về kinh phí và trang thiết bị phục vụ công việc chuyên môn”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông Nguyễn Văn Chương cho biết thêm.
Nguồn: https://baodaknong.vn/can-them-tro-luc-cho-khuyen-nong-cong-dong-dak-nong-229595.html