Đoạn đường cao tốc Liên Khương-Prenn trên địa bàn Lâm Đồng sẽ kết nối tuyến đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương. |
Trên địa bàn Lâm Đồng có ba dự án xây dựng đường bộ cao tốc, gồm đường cao tốc Nha Trang-Đà Lạt thuộc tuyến cao tốc Nha Trang-Liên Khương, đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và hai dự án Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương trong tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong quá trình triển khai, các dự án đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Kích hoạt tiềm năng
Mới đây, tại thành phố Đà Lạt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và các đơn vị liên quan về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai)-Bảo Lộc (Lâm Đồng), Bảo Lộc-Liên Khương (Lâm Đồng) và Nha Trang (Khánh Hòa)-Đà Lạt (Lâm Đồng).
Với dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương, hiện đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho biết, việc hoàn thành hai tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tạo ra trục giao thông quan trọng, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú-Bảo Lộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2022. Tuyến đường dài 66 km (đoạn qua Lâm Đồng 55km), quy mô bốn làn xe ô-tô; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17,2 nghìn tỷ đồng. Đoạn Bảo Lộc-Liên Khương được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2022 và 2024. Tuyến đường dài khoảng 73,6 km, kết nối với tuyến Tân Phú-Bảo Lộc, sau khi hoàn thành sẽ kết nối vào tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương. Tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 19,5 nghìn tỷ đồng. Cả hai đoạn tuyến dự án đều thực hiện theo phương thức đối tác công tư PPP. “Hai dự án cao tốc này rất cần thiết, rất cấp bách đối với địa phương và mang tính khả thi, hiệu quả cao. Địa phương kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, nhiệt huyết tham gia đầu tư và đồng hành cùng Lâm Đồng thúc đẩy triển khai dự án”, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học mong muốn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa thông tin cơ bản về dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Nha Trang-Đà Lạt. Đây là dự án trong tổng thể tuyến đường cao tốc Nha Trang-Liên Khương dài khoảng 99 km. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam cho biết: “Dự án đường cao tốc Nha Trang-Đà Lạt đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2024-2028. Thời gian qua, hai địa phương Lâm Đồng và Khánh Hòa đã làm việc, trao đổi và tiến tới thống nhất kiến nghị triển khai tuyến cao tốc này. Dự án sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa danh du lịch nổi tiếng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực”.
Dự án đường cao tốc Nha Trang-Đà Lạt có chiều dài 80,8 km, trong đó đoạn qua tỉnh Khánh Hòa khoảng 44 km; quy mô bốn làn xe ô-tô, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25 nghìn tỷ đồng. Sau khi đầu tư xây dựng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Nha Trang – Đà Lạt còn khoảng 1,5 đến 2 giờ (hiện tại khoảng 3,5 đến 4 giờ), tạo động lực thu hút du khách tham gia các tour du lịch kết nối biển và núi rừng, thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng. “Đường cao tốc Nha Trang-Đà Lạt hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án cao tốc đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải logistics”, ông Trần Hòa Nam thông tin.
Tháo gỡ mọi khó khăn
Với tuyến cao tốc Nha Trang-Đà Lạt, nhằm sớm hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án, tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án trước năm 2030, chấp thuận phương án vốn nhà nước tham gia dự án 70% để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Đồng thời, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá: “Đây là dự án cần thiết và đề nghị hai tỉnh trước mắt cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ kế hoạch đầu tư để tiến tới hình thành được chủ trương đầu tư. Sau đó, Bộ mới có thể giải quyết được một số kiến nghị của hai tỉnh và nhà đầu tư cụ thể và chi tiết”. Liên quan dự án đường cao tốc Nha Trang-Đà Lạt, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đề nghị hai địa phương và đơn vị liên quan tính toán kỹ về tài chính, hướng tuyến, tỷ lệ vốn tham gia để tăng tính khả thi của dự án.
Với dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương, trong quá trình triển khai đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong phần vốn của nhà nước tham gia dự án, cơ chế chia sẻ doanh thu; về hỗ trợ nguồn vốn tín dụng và vấn đề chồng lấn của quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản theo Quyết định số 866, ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái thông tin, do phần vốn nhà nước tham gia dự án thấp và không áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu nên hai dự án chưa hấp dẫn nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay vốn. “Lâm Đồng đã phát động đợt thi đua cao điểm. Trong đó, 140 ngày đêm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn tất thủ tục đầu tư hai dự án đường cao tốc này; 360 ngày đêm tiến hành thi công và thông tuyến với tinh thần “thần tốc vì cao tốc”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi” trong triển khai thực hiện”, đồng chí Trần Hồng Thái cho biết.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành Trung ương đã trực tiếp trao đổi, giải đáp một số kiến nghị, vướng mắc của địa phương và nhà đầu tư đề xuất dự án. Đồng thời, gợi mở những phương án, giải pháp trong quá trình chuẩn bị triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, về tỷ lệ vốn đầu tư, trước mắt, tỉnh cần sớm cân đối nguồn vốn, giải ngân vốn đã được phê duyệt đối với cả hai dự án đường cao tốc. Đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại bày tỏ, sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư để triển khai dự án, nếu chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các dự án giao thông kết nối nội vùng, liên vùng có vai trò rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi trong phát huy tiềm năng, lợi thế của Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên và những khu vực khác. Với dự án đường cao tốc Nha Trang-Đà Lạt, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải đồng hành, phối hợp hai địa phương, nhà đầu tư để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Đồng thời, xác định hướng tuyến tối ưu, phương án kỹ thuật, khoa học-công nghệ, quy mô dự án, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia, hiệu quả đầu tư… “Hai dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, vấn đề là lựa chọn phương án tổ chức thực hiện khả thi, hiệu quả”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Việc thu hút các nguồn đầu tư và hiệu quả đầu tư, Phó Thủ tướng đề nghị bộ, ngành liên quan, nhà đầu tư cùng với địa phương, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số vướng mắc liên quan tỷ lệ vốn tham gia dự án, nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư để sớm triển khai dự án theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. Đồng thời, đề nghị hình thành các liên danh ngân hàng trong tài trợ chủ đầu tư thực hiện dự án để thu hút đầu tư; địa phương cần linh hoạt trong xử lý, báo cáo ngay cơ quan quản lý nhà nước, nếu gặp vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản khi thực hiện dự án để trình Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cả tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương nếu dừng một đoạn là không mang lại hiệu quả, nên cần triển khai đồng bộ…
Trong khi Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành và tỉnh Lâm Đồng tính toán để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình đầu tư các dự án cao tốc kết nối từ địa bàn tỉnh này đến các địa phương khác, thì tại Gia Lai, dự án đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku cũng đang được thúc đẩy để có thể hoàn thành vào năm 2030 ■
Nguồn: https://baodaknong.vn/go-kho-cho-cac-du-an-duong-cao-toc-tai-lam-dong-229012.html