Ngày 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3, tại tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình, các lực lượng chức năng đã triển khai mọi biện pháp nhằm ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) đã điều động 500 cán bộ, chiến sỹ đến các xã trên địa bàn huyện Triệu Sơn giúp nhân dân phát quang đường làng ngõ xóm, nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh…
Theo đó, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức phân chia lực lượng đến những địa bàn xung yếu giúp nhân dân khơi thông các hệ thống sông, mương thủy lợi; hệ thống cống, đập tràn trên địa bàn, đảm bảo hệ thống thoát nước, tiêu ngập của địa phương hoạt động một cách thông thoáng. Với tinh thần xung kích, các cán bộ, chiến sỹ đã không quản vất vả, khó khăn thực hiện các công việc được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Theo Đại tá Lê Doãn Anh, Phó Chính ủy Sư đoàn 324, cho biết mặc dù cơn bão số 3 không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, đến chiều 6/9, mưa lớn đã xuất hiện trên diện rộng ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hiện, đơn vị đã sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện vật chất để tham gia giúp dân thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong mọi hoàn cảnh, thời gian khi được điều động…
Theo thông tin Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, ngày 7/9, khu vực tỉnh Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to và dông. Lượng mưa đo được tại các điểm đo mưa tự động như ở các huyện Thạch Thành, Thạch Quảng 102.6mm, Thạch Lâm 100.6mm; huyện Thường Xuân, Lương Sơn 93.4mm…
Trong 6 giờ tới, trên khu vực tỉnh Thanh Hóa khả năng có mưa, mưa vừa và dông với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 50mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất trên địa bàn 11 huyện miền núi của tỉnh.Chiều 7/9, theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn đã có mưa to, rất to kèm theo gió lớn, gây thiệt hại tài sản của người dân.
Sơ bộ đã có 60 ngôi nhà của người dân bị tốc mái một phần (từ 30-50%) ở khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát; các bản: Pha Đén, Pù Quăn, Na Tao, Hạ Sơn, Pù Ngùa, Cá Tớp (xã Pù Nhi). Một số nhà ở khu phố Chiên Pục, thị trấn Mường Lát; bản Hạ Sơn, Na Tao (xã Pù Nhi) bị sạt lở móng nhà và cây đổ vào nhà.
Sáng 7/9, Ủy ban Nhân dân huyện Mường Lát đã lập các đoàn kiểm tra, rà soát các địa bàn có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn. Địa phương đã sơ tán 10 hộ/40 khẩu (chủ yếu người già, trẻ em) đến điểm Trường Mầm non tại thị trấn Mường Lát an toàn.
Đối với những gia đình bị thiệt hại về nhà ở (tốc mái, sạt lở), lãnh đạo huyện Mường Lát chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng, đoàn thể chính trị – xã hội, lực lượng Công an, Quân đội, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5, dân quân tự vệ, lực lượng xung kích trên địa bàn tới hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tạm thời đưa người dân đến nơi an toàn; đặc biệt chú trọng đến đời sống an sinh xã hội cho người dân vùng bị ảnh hưởng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Lát yêu cầu Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Các xã, thị trấn khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo các địa phương chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nhất là ở cửa sông, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các nhà yếu không đảm bảo an toàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống…
Lãnh đạo huyện Mường Lát cũng yêu cầu các xã, thị trấn thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại về sản xuất, cơ sở hạ tầng do mưa lũ gây ra trên địa bàn; tổ chức trực ban 24/24h, để kịp thời khắc phục sự cố do thiên tai gây ra.
Còn tại tỉnh Ninh Bình, ngày 7/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành Công văn số 1782 về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam yêu cầu, các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, hiệu quả các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và Nhà nước; hạn chế thấp nhất thiệt hại cơn bão gây ra.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết; tổ chức trực ban nghiêm túc, thực hiện chế độ báo cáo kịp thời; kiểm tra, rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra theo quy định.
Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động triển khai công tác ứng phó, khắc phục bão số 3 và ảnh hưởng của mưa lũ sau bão theo quy định.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định; theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện văn bản, kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh những vấn đề đột xuất, phát sinh./.
Nguồn: https://baodaknong.vn/bao-so-3-uu-tien-bao-dam-an-toan-tinh-mang-tai-san-cho-nguoi-dan-228639.html