HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song liên kết với nông dân phát triển cà phê theo hướng hữu cơ. HTX hiện có 35 thành viên tạo vùng nguyên liệu 70ha cà phê.
Những năm qua, HTX đầu tư trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng phục vụ sơ chế, chế biến cà phê chất lượng cao. Sản phẩm cà phê sau chế biến của HTX nhắm đến các thị trường lớn trong nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương…
Ông Hà Công Xã, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông cho biết, vùng đất Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông có lợi thế rất lớn về sản xuất cà phê. HTX đang trên đường khai thác các tiềm năng, lợi thế của cà phê Đắk Nông.
Sản lượng cà phê sau chế biến hàng năm của HTX khá lớn. Nếu chỉ dựa vào thị trường trong tỉnh, HTX sẽ khó mà tiêu thụ hết sản phẩm. “Thời gian qua, chúng tôi đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê nhân, cà phê bột đến các thành phố lớn. Lượng sản phẩm cà phê của chúng tôi tiêu thụ tới các thành phố lớn vì thế ngày một gia tăng”, ông Xã cho hay.
Chị Trần Thị Dung, quản lý vườn rau hữu cơ xã Nam Bình, thuộc Công ty TNHH Hương Đất cho biết, huyện Đắk Song có diện tích đất đai rộng lớn. Đất đai, khí hậu ở đây phù hợp với nhiều loại rau nên HTX đầu tư vào lĩnh vực này.
Mỗi năm, vườn rau hữu cơ xã Nam Bình cung cấp khoảng 60 tấn rau chất lượng cao cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn trong cả nước theo đơn đặt hàng.
“TP. Hồ Chí Minh là nơi dân số đông, lượng tiêu thụ rau xanh rất lớn nên chúng tôi yên tâm về đầu ra. Hiện tại, sản phẩm rau trồng tại xã Nam Bình đã có mặt tại 50 siêu thị ở thành phố này”, chị Dung chia sẻ.
HTX Thịnh Phát, huyện Đắk Glong có trên 200 thành viên, thành viên liên kết. Mỗi năm, HTX trồng khoảng 800ha các loại rau, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả.
Những năm qua, HTX Thịnh Phát kết nối bán cải thảo, bắp sú, củ cải của các thành viên tại các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Các sản phẩm hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái cũng được HTX tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn.
Bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Thịnh Phát cho biết, thị trường các thành phố lớn giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản với số lượng rất lớn, thường xuyên nên duy trì được đầu ra ổn định. Vì thế, HTX đã liên kết với các công ty và nông dân hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định. “Điều này giúp chúng tôi có kế hoạch sản xuất chủ động, cụ thể cho từng thời điểm, tránh được tình trạng lúc thừa, lúc thiếu”, bà Toản cho hay.
Theo Sở NN-PTNT, thị trường trong nước, nhất là các thành phố lớn, là kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản rất hiệu quả. Thời gian qua, nhiều cá nhân, đơn vị tự tìm đối tác, hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản tại các thành phố lớn.
Các sở, ban, ngành, địa phương đồng hành với nông dân, HTX khai thác thị trường trong nước. Trong đó, UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở NN-PTNT… đã tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, OCOP… tại nhiều sự kiện thương mại ở các tỉnh và thành phố.
Những hoạt động này đã và đang giúp nông dân, doanh nghiệp, HTX… có cơ hội xây dựng uy tín, thương hiệu, từ đó kết nối, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Đắk Nông hiện có hơn 319.000ha sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích gieo trồng cây hàng năm khoảng 84.724ha, cây lâu năm hơn 234.600ha.
Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, thế giới. Tỉnh định hướng khai thác tất cả các thị trường để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó thị trường trong nước là yếu tố then chốt của nông sản Đắk Nông hiện nay.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-san-dak-nong-canh-tranh-vao-thi-truong-lon-227830.html