Huyện Đắk R’lấp có hơn 55.530ha đất sản xuất nông nghiệp và có tiềm năng, lợi thế hình thành các vùng sản xuất tập trung cung cấp nông sản cho chế biến và xuất khẩu.
Các đơn vị, doanh nghiệp, HTX, người dân trên địa bàn huyện đã từng bước hình thành liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
HTX Nông nghiệp Thương mại Công Bằng Đắk Ka, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, liên kết với 40 hộ dân sản xuất cà phê, hình thành vùng nguyên liệu hơn 100ha.
HTX đã liên kết, cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu cà phê cho các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh như: Công ty Cà phê Phin Xanh, Công ty TNHH Vina H&T (The Bunny), Công ty TNHH David Nguyên…
Ông Trần Văn Phú, Giám đốc HTX cho biết, các liên kết giúp HTX có nơi tiêu thụ ổn định, từ đó yên tâm sản xuất. HTX áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất để cải thiện, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Liên kết tiêu thụ giúp HTX bảo đảm đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.
Tương tự, Doanh nghiệp Toàn Hằng, ở xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp là điểm sáng trong việc liên kết chuỗi giá trị. Doanh nghiệp có nhà máy chế biến trái cây quy mô 6.000m2.
Nhà máy tập trung chế biến cấp đông các loại trái cây như sầu riêng 250 tấn/ngày; bơ 5 tấn/ngày và chanh dây 5 tấn/ngày. Doanh nghiệp đã liên kết với người dân xây dựng 40 mã vùng trồng sầu riêng và cây ăn trái, với khoảng 300 hộ tham gia.
Cùng với đó, doanh nghiệp liên kết với hơn 1.000 nông hộ, với 3.500ha trên địa bàn huyện Đắk R’lấp sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C và Rainforest Alliance. Ngoài ra, doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà phê công suất 300 tấn/ngày.
Còn HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Trường Thịnh, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp đã liên kết với 14 hộ dân sản xuất 50ha sầu riêng, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để phục vụ việc liên kết tiêu thụ, HTX đã đầu tư lắp đặt 1 kho lạnh với diện tích 150m2. Từ đầu năm đến nay, HTX xuất khẩu qua Trung Quốc khoảng hơn 400 tấn sầu riêng và một số nông sản đã qua bóc tách, sơ chế. Sản phẩm trái sầu riêng của HTX đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 và kho lạnh tiêu chuẩn VietGAP, HACCP.
Trên địa bàn huyện Đắk R’lấp còn có HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận liên kết theo chuỗi giá trị với Công ty Gia vị Hương Quế, Công ty gia vị Sơn Hà để sản xuất hồ tiêu sạch và tiêu thụ sản phẩm.
Giai đoạn 2011-2024, huyện Đắk R’lấp đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Huyện đã đồng hành với người dân trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng sản phẩm; nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp đã từng bước đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng giải pháp để thực hiện, tạo sự bình đẳng và khuyến khích các chủ thể tham gia chuỗi. Các chuỗi liên kết đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện nhanh đời sống nông dân.
Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp đánh giá, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, HTX và người dân, góp phần giảm bớt nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm…
Đây là yếu tố tích cực góp phần xây dựng huyện NTM, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Người dân, HTX, doanh nghiệp thấy được những lợi ích thiết thực và bền vững khi tham gia chuỗi liên kết, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần hoặc phá vỡ liên kết.
Nguồn: https://baodaknong.vn/hieu-qua-lien-ket-san-xuat-tieu-thu-nong-san-o-dak-r-lap-227752.html