Tỉnh Đắk Nông xác định du lịch là một trong những mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh sẵn có với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ như: danh thắng quốc gia thác Đ’ray Sáp, thác Đắk G’lun, Vườn Quốc gia Tà Đùng…
Đắk Nông còn là vùng đất sinh sống lâu đời của các dân tộc thiểu số tại chỗ M’nông, Mạ, Ê đê. Đây cũng là nơi giao thoa, lưu giữ nhiều loại hình văn hóa truyền thống của hơn 40 dân tộc với hệ thống các nghi lễ, lễ hội đặc sắc, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Đặc biệt, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trải dài trên địa bàn các huyện gồm Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, TP. Gia Nghĩa với kiến tạo địa chất, địa mạo và các giá trị văn hóa đặc sắc…
Với thế mạnh về tài nguyên du lịch đa dạng đặc sắc, Đắk Nông ngày càng trở thành điểm đến của du khách trong nước, quốc tế. Năm 2023, Đắk Nông đón khoảng 679.000 lượt du khách, tăng trên 32% so với năm 2022.
Trong đó, khách quốc tế khoảng 5.400 lượt, tăng 170% so với năm 2022. Tổng doanh thu ngành du lịch trong năm 2023 đạt gần 160 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đắk Nông ước đạt 378.500 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 3.150 lượt.
Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân, tập đoàn khảo sát, đầu tư các dịch vụ du lịch như: tham quan, lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, vận chuyển, vui chơi giải trí, lữ hành, lưu niệm…
Từ cơ sở này, những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, sản xuất và chế biến nông sản đánh giá sẽ là cơ hội kích cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo ông Phạm Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Phú Cường Tà Đùng Tourist, Trưởng Ban Vận động thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Nông thì Đắk Nông có sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú.
Hầu hết các loại trái cây, nông sản của Việt Nam đều trồng được trên vùng đất Đắk Nông. Ngoài các cây công nghiệp chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, điều thì nhiều loại trái cây trồng trên vùng đất Đắk Nông có chất lượng ngon như măng cụt, sầu riêng, bơ, các loại cây có múi…
Đắk Nông là vùng phát triển rau, hoa thuận lợi. Vì thế, chúng tôi sẽ vận động, kết nối các cá nhân, HTX, công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản tham gia để tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch”.
Chị Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa cho biết: “Chúng tôi đã và đang đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng, năng suất chế biến các loại trái cây, bánh kẹo phục vụ thị trường và du khách. Chúng tôi rất vui khi các sản phẩm sấy thăng hoa như sầu riêng, măng cụt, các loại bánh… của Đắk Nông được du khách khen ngon. Du lịch là lĩnh vực được chúng tôi chọn đầu tư, tham gia sâu hơn, nâng cao chất lượng và mẫu mã để tạo ra những sản phẩm độc đáo”.
Bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông đánh giá: “Đắk Nông xác định du lịch là một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh. Chúng tôi đang đẩy mạnh liên kết xây dựng, quảng bá, xúc tiến các chương trình du lịch và liên kết bán sản phẩm du lịch trong và ngoài tỉnh, nước ngoài”.
Các HTX, công ty, doanh nghiệp, cá nhân tham gia du lịch có sản phẩm phục vụ du lịch nói chung, nông nghiệp nói riêng sẽ được liên kết, kết nối và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Cá nhân, tập thể được thúc đẩy liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa các dịch vụ du lịch cung ứng cho du khách như: tham quan du lịch, lữ hành, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, vận chuyển, sản phẩm lưu niệm, làm quà. Nông sản phục vụ du lịch không chỉ trong tỉnh mà còn liên kết, giới thiệu tại các tỉnh, thành phố khác.
Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-phat-trien-du-lich-kich-cau-tieu-thu-san-pham-nong-nghiep-227144.html