Trong Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có định hướng phát triển nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của tỉnh trên 6,5%/năm. Tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo làm việc trong nền kinh tế đạt 68%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.
Đắk Nông khai thác lợi thế vị trí chiến lược, phát huy vai trò cửa ngõ không gian giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, phát huy lợi thế kết nối Đông – Tây trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia để phát triển nguồn nhân lực.
Nghiên cứu quy hoạch, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN đánh giá, Đắk Nông có lợi thế đặc biệt so với các tỉnh Tây Nguyên để phát triển nguồn nhân lực.
Đắk Nông hiện có dân số khoảng 700.000 người. Tuy nhiên, nguồn lao động có chất lượng cao, có trình độ cao của tỉnh so với mặt bằng chung cả nước là vẫn còn thấp.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng nhận định: “Nếu Đắk Nông đẩy mạnh công nghiệp thì sẽ giải quyết bài toán này. Đắk Nông cần quan tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, chế biến thực phẩm và nông sản thì thúc đẩy được nguồn nhân lực có chất lượng cao”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng phân tích, Đắk Nông khá gần với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Những địa phương này đều cần nhiều lao động.
Tương lai TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương còn xây dựng, phát triển thêm rất nhiều nhà máy, khu công nghiệp. Do đó, Đắk Nông nên đón đầu để đào tạo nguồn lao động.
Mặt khác, tỉnh cần thúc đẩy đào tạo lao động về các lĩnh vực phục vụ công nghiệp luyện kim, giày da, may mặc, chế biến nông nghiệp… Bởi vì, sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực này tại Đắk Nông để giúp giảm chi phí logistics so với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên.
Đắk Nông cần chuẩn bị tinh thần tốt để phát triển lực lượng lao động. Tỉnh phải thu hút từ 1 – 1,5 triệu dân thì mới đáp ứng nhu cầu về lao động.
Giai đoạn 2021-2025, Đắk Nông đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 20.000 lượt người, giải quyết việc làm cho 90.000 lượt người. Đến nay, tỉnh đã tạo việc làm cho khoảng 60.000 lượt người; trong đó khoảng 1.600 lao động làm việc ở nước ngoài, số còn lại làm việc trong nước.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông nêu, trước hết tập trung phát triển nguồn nhân lực để phục vụ phát triển các ngành trọng điểm của tỉnh. Đắk Nông tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa về trình độ, kỹ năng, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức.
Tỉnh xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề có tác phong công nghiệp phục vụ yêu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư tại tỉnh Đắk Nông, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Đắk Nông hiện có 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ 2021 đến nay, tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 19.000 lao động, cơ bản đạt mục tiêu đến năm 2025.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông cho biết, theo quy hoạch, tỉnh sẽ tăng cường liên kết đào tạo, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước.
Đắk Nông tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Nguồn: https://baodaknong.vn/phan-dau-dat-68-lao-dong-qua-dao-tao-226455.html