Có khoảng 100 cây sầu riêng Musaking bắt đầu cho thu hoạch, nhưng ông Lầu Bá Ửng, ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) phải cắt bỏ để tiến hành ghép cải tạo.
Sau thời gian trồng, chăm sóc, theo dõi, ông Ửng đánh giá, giống sầu riêng Musaking không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Quả sầu riêng Musaking cho cơm không ngon, năng suất thấp, giá thu mua thấp. Chất lượng vườn sầu riêng không đạt yêu cầu nên ông quyết định cắt để ghép cải tạo, mong cứu vãn tình thế.
Ông Ửng tâm sự: “Giống ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất của nông dân. Như vườn sầu riêng của tôi, do giống không phù hợp, nên mất chi phí lớn để chăm sóc, cải tạo và cũng chưa biết có mang lại hiệu quả hay không”.
Anh Nguyễn Thanh Phong, ở thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) có hơn 2ha đất. Anh Phong trồng chủ yếu cà phê, hồ tiêu và sầu riêng. Thời gian qua, anh tiến hành cải tạo vườn, thay giống mới năng suất, chất lượng để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Anh Phong cho biết: “Giống chất lượng sẽ mang lại thu nhập cho người dân. Ngược lại chọn sai giống, giống kém chất lượng thì thiệt hại rất lớn. Cây lâu năm thì thiệt hại càng lớn hơn”.
Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp cho biết, giống là yếu tố nền tảng, quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Giống tốt giúp tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và tối ưu hóa năng suất trên cùng một diện tích canh tác.
“Các giống mới, chất lượng cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng không chỉ giúp nông dân cải thiện thu nhập mà còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tái cơ cấu và sản xuất nông nghiệp bền vững”, ông Nên cho hay.
Ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã chỉ ra diện tích cây trồng không phù hợp cần thay đổi giống và chuyển đổi sang cây trồng khác. Đối với cây trồng chủ lực, Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 triển khai chuyển đổi 8.557ha gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều.
HĐND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Nghị quyết Quy định nội dung và mức chi được ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh bố trí hơn 16 tỷ đồng ngân sách cho việc thực hiện các dự án về nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.
Trong đó, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí tìm kiếm, đánh giá, chăm sóc và nhân giống cây đầu dòng. Tỉnh hỗ trợ sản xuất giống chất lượng cho khoảng 7.000ha cà phê, 1.750ha hồ tiêu, 1.886ha cây ăn quả, khoảng 720ha cao su… Nguồn giống này phục vụ người dân cải tạo các vườn cây trồng không còn hiệu quả.
Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ sản xuất con giống bố mẹ, con giống chất lượng đối với gia súc, gia cầm, thủy sản. Tỉnh hỗ trợ chi phí đào tạo, chi phí nhân công đối với việc thu hái hạt giống cây lâm nghiệp.
Đắk Nông hỗ trợ thực hiện các đề án nghiên cứu từng bước phát triển một số giống cây trồng mới, bản địa, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng có đặc điểm nổi trội, thích nghi, phù hợp để phục vụ sản xuất tại địa phương.
Các hoạt động nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng nông, lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản, nhất là giống chủ lực, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh sẽ được đẩy mạnh nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Theo đánh giá của HĐND tỉnh Đắk Nông, chính sách được ban hành sẽ hỗ trợ, khuyến khích cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia dự án nghiên cứu, sản xuất giống.
Sản xuất giống chất lượng là cơ sở để cải thiện sản xuất của nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với thị trường, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông.
Nguồn: https://baodaknong.vn/tin-hieu-vui-cho-linh-vuc-giong-cay-trong-dak-nong-225605.html