Vật lộn với biến đổi khí hậu
Gia đình ông Nguyễn Trọng Tuấn, thôn Tân Lợi, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp có gần 10ha trồng nhiều loại cây dài ngày như cà phê, điều, sầu riêng.
Những năm gần đây, các loại cây trồng của ông chịu nhiều ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu, khô hạn và giông lốc.
Cây điều của gia đình ông gặp thời tiết bất thường, sương muối vào giai đoạn ra hoa, đậu quả, nắng hạn làm giảm năng suất, thậm chí mất trắng.
Biến đổi khí hậu làm vườn sầu riêng khó đậu quả, ảnh hưởng chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đến mùa thu hoạch, vườn sầu riêng của ông rụng quả, gãy đổ do giông, lốc.
Ông Tuấn buồn rầu: “Gia đình đã dốc hết sức để ứng phó với thiên tai. Ban đầu thì nghĩ đầu tư hệ thống béc tưới để chủ động được độ ẩm cho cây lâu dài. Nhưng 2 năm nay, nước tưới từ ao hồ không có do mực nước quanh vùng hạ thấp, hết nước thì đành bó tay”.
Đối phó với khô hạn, 5 năm trước, gia đình đã ông Tuấn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để múc 3 ao dự trữ nước, khoan 2 giếng khoan nhưng không đủ.
Tháng 4/2024, ông lại vay tiền múc thêm 2 cái ao nữa phía cuối bìa rẫy, giáp với khu vực sình lầy nhưng mực nước cũng không có để tưới cây.
“Gia đình đã dồn hết vốn liếng, công sức để ứng phó với thiên tai, khô hạn nhưng vẫn không đem lại hiệu quả”, ông Tuấn buồn rầu nói.
Ông Phạm Nuôi, bon Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, một trong những người đầu tiên trồng vải u hồng tại Đắk Nông. Ông đã có khoảng 10 năm kinh nghiệm canh tác loại cây này.
Thế nhưng trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, một số năm ông đã phải chịu “thua ông trời”.
Ông Nuôi cho biết, hiện gia đình có 2ha vải u hồng trồng thuần, trong đó 1ha cho thu hoạch. Năm 2023, vườn vải thu được khoảng 25 tấn quả nhưng năm 2024, gần như mất trắng.
Đây là năm thất bại nặng nề nhất của gia đình sau hơn 10 năm trồng vải. Ông Nuôi cho rằng, nguyên nhân mất mùa là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thời tiết thay đổi quá thất thường, đặc biệt là giai đoạn vườn vải ra hoa, đậu quả.
Cụ thể, khoảng tháng 12/2023 – 1/2024, nhiệt độ cao hơn rất nhiều so với nhu cầu cây. Dù đã áp dụng các biện pháp để làm mát vườn nhưng vẫn không đạt hiệu quả.
“Dù làm chủ được kỹ thuật ức chế cây vải ra hoa đậu quả theo ý muốn nhưng nay tôi đã phải nếm chịu cảnh thất bại vì thiên tai khó lường”, ông Nuôi bày tỏ.
Tại Đắk Mil, đầu mùa mưa bão năm nay nhiều nông dân đã chịu nhiều thiệt hại. Cụ thể, vào ngày 7/7, trên địa bàn huyện Đắk Mil, do ảnh hưởng của mưa đá kèm giông lốc đã làm 10 căn nhà của người dân xã Thuận An, Đức Mạnh bị tốc 1 phần mái.
Gần 25ha sầu riêng trồng xen cà phê, hồ tiêu của người dân các xã Thuận An, Đức Mạnh, Đức Minh, Đắk Lao, xã Đắk N’Drót bị gãy đổ, rụng trái non, thiệt hại do đợt thiên tai khoảng 7,8 tỷ đồng.
Ông Đặng Khắc Hiền, thôn Thuận Nam, xã Thuận An, huyện Đắk Mil cho biết, chỉ khoảng 1 tháng nữa là gia đình bắt đầu thu hoạch được sầu riêng.
Năm nay, sầu riêng được giá nên ông đang mừng thầm nhưng niềm vui chẳng tày gang, qua một đêm đầu tháng 7, gia đình mất gần 1 tấn sầu riêng do giông, lốc rụng quả, nhiều cây bật luôn gốc. Ông ước tính thiệt hại do đợt giông lốc đối với gia đình ông khoảng 80 triệu đồng.
Tìm cách thích nghi
Những năm qua, để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai, nhiều nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Đắk Nông đã thay đổi tư duy, cách làm từ đầu.
Điển hình, vụ đông xuân hàng năm, nông dân ở các vùng trồng lúa cao cạn, khan hiếm nước đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngay từ đầu vụ. Cụ thể trên đất trồng lúa bà con chuyển qua trồng ngô, khoai lang, các loại rau củ như bí đỏ, dưa hấu.
Bà Trần Thị Hải, thôn Xuyên Phước, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô cho biết, gia đình bà có 1 ha đất lúa. Khoảng 5 năm nay, gia đình đã chuyển sang trồng ngô, khoai lang.
Bà Hải chọn giống ngô, khoai lang mang nhiều ưu điểm như kháng bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt với khô hạn. Các loại cây này giúp bà bảo đảm được thu nhập trong bối cảnh phải tiết kiệm nước tưới.
Thống kê trong giai đoạn từ 2016-2023, người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 1.109ha đất lúa, đất xa nguồn nước.
Qua đánh giá kết quả chuyển đổi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, hầu hết các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa từ 3 triệu đồng đến 12,6 triệu đồng/ha.
Cùng với cây ngắn ngày việc tính toán lại cơ cấu cây trồng gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai cũng được tỉnh áp dụng cho cây dài ngày, cây chủ lực.
Theo lộ trình, từ năm 2023 – 2030, Đắk Nông đặt mục tiêu chuyển đổi trên 8.500ha với 4 cây trồng chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều không thích nghi hoặc ít thích nghi sang trồng các cây trồng có tiềm năng, thích nghi với điều kiện thực tế tại các địa phương.
Điều này nhằm bảo đảm sát hơn với quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành NN-PTNT, gắn với tái cơ cấu hiệu quả trên cơ sở giảm bớt rủi ro do thiên tai, nâng cao hiệu quả, giá trị nông sản.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp với các ngành, địa phương để thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất nông, lâm nghiệp.
Trong đó, để giảm thiểu thiệt hại thiên tai gây ra, ngành Nông nghiệp chú trọng triển khai các giải pháp như về khảo nghiệm, nhân rộng các giống mới ưu việt, sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, tạo cảnh quan, sinh thái cân đối, áp dung quy trình vườn, rừng, nông lâm kết hợp, hữu cơ.
Đơn vị trực thuộc sở tập huấn, hướng dẫn, xây dựng các mô hình về ứng dụng kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, cắt, tỉa cành, tạo tán, che chắn, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước những tác động tiêu cực của thiên tai.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-dan-dak-nong-chat-vat-voi-thien-tai-225499.html