Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nông dân các địa phương trong tỉnh đã không ngừng mở rộng diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, RA, Rain forrest… trên các loại cây trồng.
Trong đó, ngành chuyên môn chú trọng hơn đến công tác tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời tổ chức nhân rộng đối với các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Kiều Quang Ngọc ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong có trên 10ha đất sản xuất. Những năm qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông Ngọc đã áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ thuận tự nhiên trên vườn rẫy của mình.
Trong đó, đối với vườn cà phê hơn 4ha, 2ha hồ tiêu, 3ha sầu riêng còn lại là măng tre, ông Ngọc đã áp dụng biện pháp để thảm cỏ và canh tác theo hướng tuần hoàn khép kín.
Ông Ngọc cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu trồng cà phê là chính. Nhưng do đất canh tác đồi dốc nên năng suất cà phê rất kém. Từ khi áp dụng biện pháp canh tác hữu cơ tuần hoàn, thuận tự nhiên, cây trồng sinh trưởng tốt hơn”.
Theo ông Ngọc, cách làm này đã mang lại những hiệu quả rõ rệt cho gia đình như: Tăng khả năng sản xuất trên diện tích đất, chống xói mòn, rửa trôi đất, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập.
Năm 2023, các loại sản phẩm nông sản như: Cà phê, hồ tiêu, tre lấy măng, sầu riêng của ông Ngọc đều được các đại lý, nhà phân phối ở Đắk Lắk, Lâm Đồng thu mua cao hơn từ 1 – 2 giá so với thị trường. Tổng thu của năm ngoái, sau khi trừ đi các khoản chi phí, gia đình ông lãi hơn 1,5 tỷ đồng.
Còn gia đình Nguyễn Văn Thủy ở thôn 11, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song có trên 3ha cà phê. Vụ thu hoạch năm 2022, gia đình ông sơ chế được hơn 10 tấn cà phê theo phương pháp Naturland.
Ông Thủy cho biết: “Gần 5 năm nay, tôi áp dụng phương pháp canh tác cà phê hữu cơ. Quá trình chăm sóc, tôi không sử dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc BVTV hoá học bón cho vườn cây. Nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho vườn cây là phân vi sinh hữu cơ, thu hái 100% trái chín như vậy mới đáp ứng yêu cầu cà phê Naturland của đối tác”.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đắk Song, hiện nay, toàn huyện có 22.991ha cà phê, sản lượng đạt khoảng 56.000 tấn. Những năm qua, người dân trên địa bàn đã áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, RA, Rain forrest…
Bước đầu người dân cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình chế biến honey, naturland vào chế biến và hình thành các liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê theo hướng nâng cao giá trị.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 211 tổ chức, cá nhân được chứng nhận sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương với tổng diện tích trên 28.629ha.
Cụ thể, diện tích chứng nhận VietGAP trên 2.526ha/102 cơ sở, diện tích chứng nhận hữu cơ trên 694ha/20 cơ sở, diện tích chứng nhận các tiêu chuẩn khác (4C, UTZ, Rainforest Alliance…) trên 25.398ha/88 cơ sở diện tích chứng nhận GlobalGAP 10ha/1 cơ sở.
Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông nghiệp, để hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng nông sản, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường hướng dẫn bà con áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn chứng nhận. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn có chứng nhận.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-dan-dak-nong-bat-nhip-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-ben-vung-223365.html