Chiếm 25% tổng thu ngân sách
Nguồn thu sử dụng đất bao gồm các khoản thu từ đấu giá đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; cho thuê đất; giao đất có thu tiền sử dụng đất. Trong cơ cấu nguồn thu ngân sách Nhà nước hiện nay, nguồn thu từ đất đai đóng vai trò quan trọng.
Tại Đắk Nông, hàng năm, số thu từ lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 25-27% trong tổng số thu ngân sách Nhà nước. Đơn cử như năm 2023, Đắk Nông được giao dự toán ngân sách Nhà nước 3.650 tỷ đồng.
Trong đó, riêng nguồn thu từ lĩnh vực đất đai 866 tỷ đồng, chiếm gần 24%. Trong năm 2024, nguồn thu từ lĩnh vực đất đai là 850 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng, chiếm gần 27%.
Trong tỷ trọng số thu ngân sách sẽ bao gồm thu từ thuế, phí, thu sử dụng đất và thu các biện pháp tài chính khác. Trong số này, nguồn thu từ thuế, phí lệ, phí dành cho công tác chi thường xuyên. Nguồn thu từ đất đai cơ bản chỉ được chi cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Do vậy, nguồn thu từ đất cao sẽ đóng góp rất lớn trong lĩnh vực đầu tư công, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Ngược lại, nguồn thu từ đất đai không phát huy giá trị, đồng nghĩa với giá trị thặng dư sẽ không tăng. Đây chính là điểm nghẽn rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội.
Xác định điều này, hàng năm, Đắk Nông tìm mọi cách quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn vốn quan trọng để góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hàng năm, Đắk Nông ban hành kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Trên cơ sở này, các địa phương bám sát kế hoạch để dự báo, lập kế hoạch khai thác tốt hiệu quả từ đất đai.
Trong quá trình lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, các địa phương đã thực hiện rà soát các dự án phải thu hồi hoặc chuyển mục đích. Công tác này đã góp phần nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch. Trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từng bước được kiểm soát chặt chẽ.
“Các nguồn lực tài nguyên, đất đai được quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ đáp ứng yêu cầu phục hồi, tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tỉnh sẽ chủ động quỹ đất để đón các làn sóng đầu tư”, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Văn Hiệp khẳng định.
Bình quân mỗi năm, kế hoạch thu sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách Nhà nước tại Đắk Nông. Năm 2020 số thu sử dụng đất chiếm 350/2.300 tỷ đồng; năm 2021 400/2.680 tỷ đồng; năm 2022 654/3.500 tỷ đồng; năm 2023 866/3.450 tỷ đồng; năm 2024 850/3.000 tỷ đồng.
Đòn bẩy cho đầu tư công
Ngân sách được ví như mạch máu của cơ thể. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, việc thu ngân sách vẫn còn phụ thuộc lớn vào tài nguyên, trong đó có đất đai.
Hàng năm, dựa trên nguồn thu ngân sách ở lĩnh vực đất đai, Sở Tài chính sẽ báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh dự toán chi đầu tư phát triển.
Riêng giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn tại Đắk Nông hơn 5.112 tỷ đồng. Trong đó, riêng nguồn thu từ sử dụng đất gần 2.300 tỷ đồng.
Đối với nguồn ngân sách thu được từ sử dụng đất, trước hết, tỉnh sẽ ưu tiên thanh toán chi phí đầu tư hạ tầng, tạo quỹ đất. Các dự án tạo quỹ đất không chỉ góp phần quan trọng tăng thu ngân sách, mà còn giải quyết vấn đề đất ở cho người dân và thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, số thu sử dụng đất Đắk Nông không đạt kế hoạch đề ra. Trước thực trạng số thu tiền sử dụng đất không bảo đảm theo kế hoạch, nhiều địa phương đã “hụt” chi đầu tư phát triển. Điều này dẫn đến tình trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.
“Giải phóng mặt bằng, xây dựng hạng mục đều cần nguồn vốn ngân sách địa phương, trong đó, chủ yếu nguồn thu từ đất. Nếu nguồn thu từ đất thấp, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi cho lĩnh vực này. Công trình, dự án không giải phóng mặt bằng được, đồng nghĩa đầu tư công chậm trễ”, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh khẳng định.
Theo ông Tịnh, đất là tài sản giá trị lớn. Một khi nguồn đất phát huy hiệu quả nghĩa là đấu giá thành công, người dân chuyển đổi mục đích nhiều, tỉnh thu được tiền từ thuê đất….
Các dự án hình thành, về phía doanh nghiệp sẽ đưa sản phẩm, dự án vào hoạt động. Nhiều dịch vụ khác sẽ được kích cầu. “Ngược lại, nếu tài sản đất đai không phát huy giá trị thì cũng chỉ là miếng đất nằm đó mà thôi”, ông Tịnh nêu quan điểm.
Liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhất là đất công tại Đắk Nông, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh nhận định, diện tích đất đai Đắk Nông rất lớn. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng này của tỉnh còn hạn chế.
“Nếu như không chú trọng, quản lý kém trong vấn đề khai thác nguồn lực đất đai thì sẽ gặp khó trong phương thức huy động vốn. Một khi huy động vốn gặp khó, tỉnh nhà lấy nguồn lực ở đâu để tái đầu tư”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân chỉ ra.