Nhu cầu từ thực tế khá lớn
Gia đình bà Bùi Thị Liên có 275m2 đất ở thôn Nam Rạ, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa. Khu đất này có mục đích sử dụng là nông nghiệp. Bà Liên muốn làm nhà trên khu đất này nên liên hệ UBND xã Đắk Nia để làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng sang đất ở.
Khi đến xã Đắk Nia và được cán bộ chuyên môn kiểm tra quy hoạch, bà mới biết thửa đất của gia đình mình có thể chuyển mục đích SDĐ được. Bà được chính quyền địa phương hỗ trợ làm các thủ tục liên quan để chuyển mục đích.
Bà Liên chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn chuyển đất nông nghiệp sang đất ở, nhưng không biết khu vực của mình có chuyển được hay không. Khi lên xã hỏi và được trả lời chuyển được, chúng tôi thực hiện ngay”.
Cùng có nhu cầu chuyển mục đích SDĐ, bà Nguyễn Thị Vân, cùng thôn Nam Rạ đã liên hệ cơ quan chức năng để hỏi. “Đi lại vài lần nhưng chuyển được mục đích SDĐ chúng tôi mừng lắm. Thửa đất giờ đã ổn định thì chúng tôi cũng yên tâm làm nhà để sống”, bà Vân chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia Quản Thị Ngọc, việc chuyển mục đích SDĐ rất được người dân Đắk Nia rất quan tâm. Hàng năm, nhu cầu đăng ký chuyển mục đích SDĐ tại địa bàn là khá lớn, song đối chiếu với quy hoạch, kế hoạch SDĐ thì diện tích có đủ điều kiện chuyển chưa đạt như kỳ vọng của dân.
Bà Ngọc phân tích: “Khi chuyển được mục đích SDĐ, người dân có thể xây dựng công trình, tạo lập tài sản trên đất. Chính quyền địa phương cũng có nguồn thu từ tiền chuyển mục đích SDĐ”.
TP. Gia Nghĩa là trung tâm của tỉnh Đắk Nông. Để phát triển kinh tế – xã hội, thành phố được quy hoạch nhiều dự án, công trình liên quan. Rất nhiều người dân ở trong vùng quy hoạch phải chịu thiệt thòi vì bị hạn chế quyền SDĐ.
Một lãnh đạo UBND phường Nghĩa Đức cho hay: Trong các thủ tục liên quan đến đất đai thì việc chuyển mục đích SDĐ từ nông nghiệp sang đất ở được quan tâm nhiều nhất.
Người dân thường xuyên liên hệ chính quyền để hỏi các thông tin về quy hoạch, kế hoạch SDĐ. Nhiều khu vực nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ là người dân họ làm thủ tục chuyển đổi ngay.
Còn nhiều vướng mắc
Tại Đắk Nông, nguồn thu tiền SDĐ hiện chủ yếu đến từ việc đấu giá quyền SDĐ và chuyển mục đích SDĐ. Tuy nhiên, công tác thu tiều chuyển mục đích SDĐ hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Trần Đăng Ánh, những năm qua, Krông Nô cơ bản hoàn thành chỉ tiêu thu tiền chuyển mục đích SDĐ.
Tuy nhiên, chỉ tiêu phân bổ của tỉnh đối với việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đất ở cho Krông Nô còn hạn chế.
“Nhu cầu chuyển mục đích SDĐ của các hộ gia đình, cá nhân tại Krông Nô là khá lớn. Tuy nhiên, chỉ tiêu phân bổ từ tỉnh xuống còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển mục đích SDĐ của người dân”, ông Ánh cho hay.
Một vấn đề ảnh hưởng tới việc chuyển mục đích SDĐ của người dân là do “vướng” quy hoạch. Tại Đắk Glong, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch SDĐ cấp huyện thì hầu hết diện tích đất ở nằm trong khu vực quy hoạch bô xít và quy hoạch đô thị.
Tại xã Đắk Ha và xã Quảng Sơn, nhu cầu chuyển mục đích SDĐ từ nông nghiệp sang đất ở của người dân là rất lớn. Theo bảng giá đất tại Đắk Glong, nếu người dân ở khu vực trung tâm 2 xã này chuyển mục đích SDĐ thì sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho huyện.
Tuy nhiên, hầu hết diện tích đất ở đều nằm trong mỏ ô xít 1-5 và mỏ Quảng Sơn nên hiện không chuyển mục đích được.
Vướng vào quy hoạch dự trữ bô xít là thực trạng chung của xã Quảng Khê và xã Đắk Som. Ngoài ra, có khoảng 8.000ha của 2 xã này và xã Đắk P’lao nằm trong quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ. Toàn bộ đất đai trong ranh quy hoạch này phải giữ nguyên hiện trạng SDĐ.
Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần cho hay: Những khu vực quy hoạch đất ở, người dân muốn chuyển mục đích SDĐ cũng không thực hiện được. Vướng mắc về quy hoạch đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ tiêu thu tiền SDĐ tại địa phương.
Cần thêm minh bạch thông tin
Từ tháng 2 – 4/2024, UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt kế hoạch SDĐ năm 2024 các đơn vị hành chính cấp huyện.
Kế hoạch SDĐ cấp huyện được phê duyệt với các nội dung: phân bổ diện tích các loại đất; kế hoạch chuyển mục đích SDĐ; kế hoạch thu hồi đất và kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng năm 2024.
Điều 48, Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. UBND cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin và tại các đơn vị hành chính cấp xã. Việc công bố công khai được thực hiện chậm nhất 15 ngày từ khi được phê duyệt và được thực hiện trong suốt thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tại nhiều địa phương cấp huyện của Đắk Nông, UBND cấp huyện đã thực hiện tốt công tác công bố công khai toàn bộ nội dung kế hoạch SDĐ được phê duyệt lên trang thông tin và niêm yết tại các trụ sở.
Hồ sơ công khai gồm các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, báo cáo thuyết minh, bản đồ kế hoạch SDĐ của địa phương.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp Nguyễn Quang Tứ, phải đẩy mạnh việc công khai quy hoạch, kế hoạch SDĐ đến tận thôn, bon.
Khi người dân cùng biết, cùng hiểu về quy hoạch, kế hoạch thì họ sẽ chủ động thực hiện chuyển mục đích SDĐ, thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước.
Ông Tứ chia sẻ: Khi đi kiểm tra thực tế, tôi thấy lãnh đạo UBND các xã, đại diện các thôn, bon không biết được quy hoạch nơi mình sống như thế nào. Chính quyền không hiểu và người dân cùng không hiểu thì làm sao mà họ chuyển mục đích SDĐ được. Vậy nên tôi đã yêu cầu phô tô tất cả các tài liệu về kế hoạch SDĐ, đưa về tận thôn, bon để người dân cùng nắm.
Ngoài việc đẩy mạnh công khai quy hoạch, kế hoạch SDĐ để người dân nắm bắt, các địa phương của Đắk Nông đã thành lập các tổ hỗ trợ người dân chuyển mục đích SDĐ.
Các tổ này rà soát tất cả các khu vực có khả năng chuyển mục đích SDĐ và có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Nếu các hộ dân đăng ký và có đủ điều kiện chuyển mục đích SDĐ, các tổ này chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, thủ tục có liên quan. Người dân chỉ việc ký giấy tờ là có thể chuyển mục đích SDĐ được.