Đắk Nông hiện có khoảng 140.000ha cà phê với sản lượng 361.000 tấn. Ông Lưu Như Bính, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Đoàn Kết, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, đánh giá: “Tôi thấy thị trường đầu ra cho cà phê Đắk Nông hiện nay đang rất tốt. Hiện nay, sản lượng cà phê không đủ cung cấp cho thị trường thế giới. Người dân bán bao nhiêu thì công ty, doanh nghiệp mua bấy nhiêu. Các công ty, doanh nghiệp lớn tìm đầu ra cho cà phê rất tốt”.
HTX Đoàn Kết có 65 thành viên trồng 150ha cà phê, trong đó 101ha đạt tiêu chuẩn 4C; năng suất trên 4 tấn/ha. Nhiều năm qua, HTX cung cấp nguyên liệu cà phê nhân xô và cà phê chất lượng cao theo hướng hữu cơ cho các công ty ở TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đắk Lắk, Đắk Nông… Mỗi năm, HTX bán 70 tấn cà phê chất lượng cao, trong đó cà phê bột 10 tấn, cà phê rang 10 tấn, còn lại bán nhân sống. Sản phẩm cà phê bột rừng lạnh của HTX Đoàn Kết đạt OCOP hạng 3 sao.
Giá bán cà phê chất lượng cao của HTX lúc nào cũng cao hơn cà phê nhân xô. “Năm trước, cà phê nhân xô giá 42.000 đồng/kg thì chúng tôi bán cà phê đặc sản cao hơn 50%. Từ khi giá cà phê nhân xô trên 100.000 đồng/kg thì giá cà phê đặc sản của HTX vẫn cao hơn khoảng 15%. HTX không đủ cung cấp cà phê đặc sản cho các đối tác nên chúng tôi đang tăng diện tích”, ông Bính cho biết.
Ông Bính quan sát và đánh giá, nông dân Đắk Nông đang chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Mấy năm nay, người dân thu hoạch cà phê có tỉ lệ quả chín cao hơn nhiều so với 5 năm trước. Từ đó, nhân cà phê đẹp hơn. “Tôi thấy, nông dân chú trọng thu hoạch cà phê khi quả chín. Các cấp, các ngành của Đắk Nông đã tuyên truyền thu hoạch cà phê quả chín nên chất lượng và năng suất cao hơn, tăng lợi nhuận cho người nông dân. HTX Đoàn Kết cũng có trách nhiệm tích cực phân tích cho thành viên, người dân hiểu rõ những lợi ích đó. Ở vùng này tôi thấy tích cực lắm rồi!”, ông Bính vui vẻ. Thu hoạch cà phê chín ở HTX Đoàn Kết đã đạt tỉ lệ 80% quả chín đối với nhân xô; với cà phê đặc sản đạt tuyệt đối 100%.
“Đắk Nông có thuận lợi đó là diện tích cà phê lớn của Việt Nam. Trong khi đó, hàng năm Việt Nam là một trong những nước cung cấp sản lượng lớn cà phê cho thế giới. Do đó, theo tôi, Đắk Nông nên trồng, chăm sóc, chế biến cà phê theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Bính đề xuất.
Đối với HTX Đoàn Kết, thành viên được hướng dẫn kỹ thuật làm cà phê hữu cơ và thực tế chi phí đầu tư thấp hơn so với sản xuất vô cơ, chất lượng, năng suất ổn định 4 tấn/ha. Hiện tại, HTX đang xây dựng bộ kỹ thuật sản xuất, chế biến cà phê hữu cơ. Người dân, thành viên rất tích cực hưởng ứng.
“Làm cà phê hữu cơ mất khoảng 3-4 năm để làm sạch đất do tồn dư thuốc, phân bón vô cơ nhưng thành quả kinh tế thì “ngọt”. Chúng tôi có cà phê hữu cơ bao nhiêu thì đối tác mua hết bấy nhiêu, bán giờ nào cũng được, rất thuận lợi”, ông Bính lạc quan.
Diện tích sản xuất hữu cơ ở Đắk Nông đạt chứng nhận tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng tăng. Hiện tỉnh đã có 28.629ha cây trồng đạt các tiêu chuẩn trong nước, quốc tế. Trong đó, cà phê chiếm phần lớn với 23.489ha
Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, Đắk Nông có 140.000ha cà phê, sản lượng đạt 240.000 tấn/năm. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 400 triệu USD, chiếm 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản xuất cà phê đóng góp gần 35% GDP của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho 105.000 lao động.