Giá vàng hôm nay tăng 13,3 USD/ounce
Các chuyên gia cho rằng, đà tăng của giá vàng mới chỉ bắt đầu. Trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông tiếp diễn, nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn thì giá vàng sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi.
Rạng sáng nay (ngày 15/4), giá vàng thế giới giao ngay quanh ngưỡng 2.355,3 USD/ounce, tăng 13,3 USD/ounce so với cuối tuần qua. Giá vàng giao tương lai tháng 6/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.376,6 USD/ounce.
Ở trong nước, giá vàng duy trì ổn định. Lúc 9h sáng nay, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 81,70 triệu đồng/lượng mua vào và 83,65 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 74,88 triệu đồng/lượng mua vào và 76,78 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá dầu thế giới có thể vọt tăng lên 130 USD/thùng
Phiên giao dịch đầu tuần ngày 15/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thế giới cùng lúc tăng với 2 loại dầu chính.
Giá dầu WTI ở mốc 85,45 USD/thùng, tăng 0,64 USD/thùng, tương đương 0,75%. Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 90,19 USD/thùng, tăng 0,71 USD/thùng, tương đương 0,79%.
Tuần này, xung đột leo thang tại Trung Đông tiếp tục tác động đến thị trường dầu.
Ngày 13/4, Iran đã bắt giữ một tàu chở hàng có liên quan với Israel ở eo biển Hormuz. Trước đó vài ngày, Tehran cho biết, có thể đóng tuyến đường vận chuyển quan trọng này và cảnh báo sẽ trả đũa cuộc tấn công của Israel vào lãnh sự quán Iran ở Syria.
Quân đội Iran rạng sáng 14/4 đã tập kích tên lửa và hàng trăm máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Israel, để trả thù vụ lãnh sự quán nước này ở Syria bị tấn công.
Theo Bob McNally – Chủ tịch Rapidan Energy, tác động của cuộc xung đột Iran – Israel với thị trường dầu mỏ toàn cầu là rất lớn vì bất kỳ nguy cơ gián đoạn nguồn cung nào cũng có thể dẫn đến tăng giá.
Bob McNally cũng dự báo dầu thô Brent kỳ hạn có thể tăng lên 100 USD/thùng khi Iran trực tiếp tấn công Israel. Nếu chiến sự leo thang dẫn đến gián đoạn ở eo biển Hormuz – tuyến đường thương mại quan trọng với dầu mỏ, giá dầu có thể tăng lên 120 – 130 USD/thùng.
Bên cạnh đó, giá dầu WTI cũng sẽ duy trì quanh mốc 90 USD/thùng, nhưng sẽ tăng vọt khi có thêm các cuộc tấn công.
Giá cà phê Arabica quay đầu giảm sau 6 phiên tăng liên tiếp
Trái ngược với diễn biến trên thị trường năng lượng, đà giảm mạnh của giá hai mặt hàng cà phê gây ra chú ý lớn. Cụ thể, giá Arabica đã quay đầu giảm mạnh 3,48% sau khi chạm mức cao nhất trong 4 tháng. Giá Robusta tiếp tục suy yếu trong phiên hôm qua với mức giảm 1,04%.
Thống kê từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho thấy xuất khẩu đang tăng trưởng tốt tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Cụ thể, trong 24 ngày đầu tháng 10, quốc gia này đã xuất đi 2,61 triệu bao Arabica dạng hạt, gần gấp đôi mức 1,4 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước. Cùng trong thời gian này, gần 500.000 bao Robusta dạng hạt đã được xuất khẩu, cao hơn mức cùng kỳ tháng trước và tăng gấp 4 lần tổng lượng cà phê xuất đi trong tháng 10/2022.
Bitcoin lao dốc sau khi Iran tấn công Israel
Ngay sau khi chiến sự giữa Iran và Israel nổ ra, giá bitcoin đã lao dốc mạnh.
Theo Reuters, giá bitcoin giảm 7,9% xuống còn 61.842 USD trong ngày 13.4, mất 5.308 USD so với phiên trước đó. Trong vòng một tháng, đồng tiền ảo lớn nhất thế giới giảm 16,2% so với mức cao nhất trong năm là 73.794 USD ghi nhận vào ngày 14.3.
Không chỉ bitcoin, giá loạt tiền ảo khác ghi nhận mức giảm mạnh trong 24 giờ kể từ 13.4, bao gồm ether giảm 7% xuống dưới mức 3.000 USD, BNB giảm 9% và solana giảm 12%.
Reuters cho rằng thị trường tiền kỹ thuật số bị ảnh hưởng nặng do ảnh hưởng của xung đột chính trị. Các chuyên gia dự đoán tiền kỹ thuật số có thể sẽ tiếp tục giảm, phụ thuộc vào diễn biến ở Trung Đông có leo thang hơn nữa hay không.
Tỷ giá đồng USD tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh
Đồng USD được coi là tài sản trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong thời điểm bất ổn địa chính trị gia tăng. Sức mạnh đồng USD được duy trì có thể gây ra vấn đề cho các quốc gia đang tìm cách cắt giảm lãi suất mà không làm suy yếu đồng tiền của họ và đẩy nhanh tốc độ tăng giá.
Triển vọng trở nên phức tạp do giá dầu tăng vọt. Dầu Brent đạt 92 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái. Xung đột tại Trung Đông khiến lo ngại ngày càng gia tăng.
Nhà quản lý danh mục đầu tư James Novotny tại Jupiter Asset Management cho biết các ngân hàng trung ương khác rõ ràng không muốn đồng tiền của họ suy yếu nghiêm trọng, vì sẽ làm lạm phát gia tăng.
Các thị trường đang cược rằng ECB sẽ thực hiện ít nhất 3 lần cắt giảm lãi suất 24 điểm vào cuối năm nay và chỉ 1-2 lần cắt giảm đối với FED.
Giao dịch trái phiếu tăng gần 50%
Quy mô giao dịch thị trường trái phiếu tháng 3 đạt 10.900 tỷ đồng, tăng trên 16% so với tháng trước đó. Tính đến ngày 22/3, có 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu đạt 16.100 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về phát hành trái phiếu quý đầu năm, chiếm hơn 67%, tiếp theo là xây dựng gần 11%.
Bình quân 3 tháng, thị trường đạt 9.800 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Lãi suất phát hành trung bình khoảng 10,57%/năm; 70% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn 17.600 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối 2023, quy mô kênh trái phiếu doanh nghiệp đạt 11% GDP. Chính phủ đặt mục tiêu tăng quy mô thị trường này lên 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Thanh long sốt giá
Hiện nay, nhiều vườn cây thanh long ở tỉnh Tiền Giang cho thu hoạch trái vụ nên giá bán cao. Nhà vựa tại huyện Chợ Gạo thu mua trái thanh long loại 1 giá trên 40.000 đồng/kg, loại 2 giá 35.000 – 38.000 đồng/kg, loại 3 từ 30.000 – 33.000 đồng/kg, tăng hơn tháng trước từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi kg trái thanh long, nhà vườn thu lãi gần 20.000.
Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 10.000 ha cây thanh long, trồng tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước. Đây là loại cây có khả năng chống chịu với hạn mặn cao, vào mùa nắng ít sâu bệnh. Dù nguồn nước ngọt mùa khô tại nhiều khu vực bị hạn chế, nhưng các nhà vườn đã chủ động khâu bơm tát nên vườn cây thanh long vẫn tốt tươi, cho năng suất cao.