Tổng hợp thị trường chứng khoán phiên 4/4
VN30F2404 giảm 0,54%, còn 1.265 điểm; VN30F2405 giảm 0,45%, còn 1.270 điểm; hợp đồng VN30F2406 giảm 0,39%, còn 1.270 điểm; hợp đồng VN30F2409 giảm 0,8%, còn 1.270 điểm. Chỉ số cơ sở VN30-Index kết phiên ở mức 1.267,65 điểm.
Khối lượng giao dịch VN30F2404 tăng 7,99% với 260.485 hợp đồng được khớp lệnh. Khối lượng giao dịch của VN30F2405 còn 1.154 hợp đồng, giảm 9,13%. Khối ngoại quay lại bán ròng với tổng khối lượng đạt 1.911 hợp đồng.
VN30-Index tiếp tục giảm điểm và nằm dưới đường Middle của Bollinger Bands cho thấy triển vọng ngắn hạn không mấy tích cực.
Khối lượng giao dịch trong các phiên gần đây có sự trồi sụt thất thường cho thấy tâm lý thiếu ổn định của nhà đầu tư. Nếu khối lượng có sự gia tăng trong các phiên tới thì tình hình sẽ bi quan hơn.
Hiện tại, chỉ báo Stochastic Oscillator đã rơi khỏi vùng quá mua (overbought) sau khi cho tín hiệu bán. Điều này cho thấy khả năng cao xu hướng giảm điểm vẫn tiếp tục được duy trì.
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 5/4
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục trạng thái thăm dò cung cầu quanh 1.265 điểm trước khi có tín hiệu cụ thể hơn. Nhà đầu tư nên thận trọng trước rủi ro đang có chiều hướng tăng và cần đánh giá lại trạng thái thị trường. Đồng thời cần quản trị danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro, nên cân nhắc chốt lời hoặc giảm tỷ trọng tại các cổ phiếu đang gặp khó khăn tại vùng cản để phòng ngừa rủi ro. Hiện tại có thể ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)
Thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên kế tiếp và VN-Index sẽ thử thách lại vùng hỗ trợ 1.255-1.260 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng và đồ thi giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thanh khoản có thể sẽ suy yếu trong những phiên giao dịch tới.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm và chuyển sang trạng thái bi quan với diễn biến thị trường hiện tại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục cơ cấu giảm đòn bẩy về mức thấp và cơ cấu lại danh mục, đặc biệt các nhà đầu tư hạn chế mua mới trong giai đoạn này.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VNIndex giảm điểm với các nhịp giằng co trồi sụt biên độ lớn. Áp lực điều chỉnh mạnh diễn ra hầu hết trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cùng với hiệu ứng tiêu cực lan rộng trên toàn bộ thị trường khiến cho chỉ số tạm thời chưa thoát khỏi trạng thái rủi ro. Đồng thời những nỗ lực hồi phục ngay trong phiên đều gặp kháng cự quyết liệt trở lại, cho thấy vị thế của phe bán phần nào vẫn đang chủ động và áp đảo hơn.
Nhiều khả năng chỉ số tiếp tục chịu quán tính giảm điểm trong những phiên tới, trước khi có thể cho phản ứng hồi phục rõ nét hơn quanh vùng hỗ trợ gần tại 1.250 (+-5) và xa hơn tại 1.220 (+-10). Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, thực hiện bán trải lệnh, hạ tỷ trọng của các vị thế trading ngắn hạn khi chỉ số hoặc các mã cổ phiếu riêng lẻ đang nắm giữ vượt đỉnh.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
VN-Index kết phiên hình thành nến tương tự nến inverted hammer và bám sát đường MA20 cũng tương đương với vùng hỗ trợ quanh khu vực 1.270. Ở khung đồ thị ngày, 2 chỉ báo MACD và RSI vẫn đang hướng xuống cùng với việc DI+ có xu hướng dâng cao cho thấy nhịp điều chỉnh rung lắc vẫn chưa thể kết thúc sớm ngay trong ngắn hạn.
Theo lý thuyết Wyckoff, nếu VN-Index giảm dưới vùng hỗ trợ thì sẽ tiếp tục giao dịch trong phase B và biên độ side way sẽ lớn hơn, trong vùng điểm 1.230-1.290. Ở khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo MACD và RSI cũng tương tự khung đồ thị ngày, hướng xuống và chưa cho tín hiệu tạo đáy, cùng với việc VN-Index đã di chuyển vào trong vùng mây ichimoku, củng cố cho nhận định trên.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.