Với những quyết sách, cách làm linh hoạt, phù hợp thực tiễn đã làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Đắk Nông sau 20 năm kể từ ngày tái lập (1/1/2004-1/1/2024).
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của của Ban Chấp hành Trung ương được xem là “kim chỉ nam” trong việc hình thành một cách có hệ thống các quan điểm lý luận về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn – “Tam Nông”; cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực này theo hướng đồng bộ, mang tính đột phá.
Ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh, Đắk Nông đã xác định nông nghiệp đóng vai trò như “bệ đỡ” của nền kinh tế, góp phần quan trọng để phát triển bền vững các ngành kinh tế động lực, mũi nhọn. Quan trọng hơn, với một tỉnh có gần 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, Đắk Nông xác định nông nghiệp còn là “bệ đỡ” trong chiến lược hiện đại hóa nông thôn, nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Trong những năm đầu tái lập, giá trị nền nông nghiệp Đắk Nông còn ở mức thấp. Giá trị trên 1ha đất nông nghiệp năm 2004 chỉ ở mức khoảng 13-14 triệu đồng. Trong khi đó, Lâm Đồng là tỉnh kế cận, với nhiều lợi thế so sánh tương đồng nhưng giá trị trên 1ha đất lúc bấy giờ đạt khoảng 73 triệu đồng. Chưa kể, nông nghiệp Đắk Nông những năm đầu tái lập đang tồn tại nhiều bất cập như: chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng, sức cạnh tranh thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Năm 2008, khi Nghị quyết số 26 được ban hành, nông nghiệp Đắk Nông gần như mới bắt đầu bước vào xuất phát điểm về kiến tạo, định hình chiến lược. Ngày 7/4/2011, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong định hướng chiến lược cho nền nông nghiệp Đắk Nông.
Từ đây, Đắk Nông bắt đầu ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp. Các hoạt động quy hoạch vùng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh nhân rộng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất bước đầu được quan tâm đầu tư nguồn lực để thực hiện. Từ một tỉnh với nền nông nghiệp khá đơn điệu với một số cây trồng truyền thống như cà phê, cao su, hồ tiêu ban đầu, Đắk Nông từng bước tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế so sánh. Nông nghiệp Đắk Nông cũng từng bước phát triển theo nhu cầu, điều kiện của thị trường.
Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của Đắk Nông tăng từ hơn 13 triệu đồng năm 2004 lên 103 triệu đồng vào năm 2023 (tăng 7,9 lần). Hiện Đắk Nông phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng. Nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh được cải thiện rõ rệt về chất lượng, dần khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đến nay, Đắk Nông đã thành lập được 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh công nhận được 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 2.423,17ha; công nhận 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bình quân phát triển nông nghiệp của Đắk Nông 20 năm qua đạt trên 5,8%/năm. Cơ cấu nội ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tăng tỷ trọng dịch vụ.
Cùng với nâng cao hiệu quả, giá trị ngành nông nghiệp, đến nay, Đắk Nông đã hình thành được một hệ thống chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp khá ổn định. Sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường nhiều nước trên thế giới.
Trong quá trình thực hiện tam nông, Đắk Nông luôn xác định nông dân đóng vai trò chủ thể trong kiến tạo, thực hiện và thụ hưởng. Từ định hướng đó, Đắk Nông tập trung nguồn lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, thành quả rõ nét nhất đó chính là đời sống người dân khu vực nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Từ một tỉnh có 33,7% hộ nghèo năm 2005, đến năm 2023, Đắk Nông chỉ còn 5,18% hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm từ 4-5%/năm. Bằng việc lồng ghép, triển khai hàng loạt chương trình, dự án, người dân khu vực nông thôn đã được thụ hưởng các chính sách như đào tạo việc làm, chuyển giao khoa khoa học kỹ thuật… góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực sản xuất. Đắk Nông trở thành điểm sáng trong cả nước và dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về công tác xóa đói, giảm nghèo.
Nếu như năm 2004, toàn tỉnh Đắk Nông chỉ có khoảng 8.536 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi thì đến năm 2023, con số này đã tăng lên 19.655 hộ. Ngày càng có nhiều mô hình kinh tế khu vực nông thôn tiêu biểu, mang lại hiệu quả cao.
20 năm qua, các ngành chức năng, địa phương đã tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Nhờ được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, định hướng nghề nghiệp, nông dân Đắk Nông đã khẳng định đức tính cần cù, chịu khó, năng động sáng tạo trong lao động, sản xuất, từ đó thúc đẩy xã hội phát triển. Không chỉ làm giàu cho mình, họ còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các nông dân khó khăn, đóng góp xây dựng địa phương.
Trong 20 năm qua, các cấp hội nông dân của Đắk Nông vận động nông dân đóng góp khoảng 296 tỷ đồng, trên 482.300 ngày công lao động để xây dựng, sửa chữa 3.868km đường giao thông nông thôn. Nông dân hiến trên 619.070m2 đất xây dựng các công trình phúc lợi. Trong đóng góp ấy, có sự tiên phong của cán bộ, hội viên là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Đắk Nông.
Ghi nhận những thành quả đó, 20 năm qua, Đắk Nông được Chủ tịch nước tặng 5 huân chương lao động, Thủ tướng Chính phủ tặng 9 bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trung ương hội nông dân Việt Nam tặng 234 bằng khen, UBND tỉnh tặng 178 bằng khen, Hội Nông dân tỉnh tặng 1.136 bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng tổ chức hội và phong trào nông dân. Đắk Nông có 6 cá nhân được tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Trong định hướng phát triển, ngoài việc tập trung xây dựng mạng lưới đô thị để làm động lực, Đắk Nông xác định phát triển toàn diện khu vực nông thôn chính là vấn đề căn bản.
Thời điểm mới tái lập tỉnh, Đắk Nông có kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu đồng bộ, liên vùng rất khó khăn, có vùng bị chia cắt hoàn toàn vào mùa mưa, chưa có hạ tầng đô thị… Đến nay, các tuyến quốc lộ đoạn qua tỉnh đã được nâng cấp, mở rộng và nhựa hóa 100%; tỷ lệ nhựa hóa đường tỉnh đạt 100%; tỷ lệ mặt đường đạt quy mô 2 làn xe đạt 31%; đường huyện được nhựa hóa, bên tông hóa đạt 88% và đường xã, thôn, bon hiện đạt 53%.
Chương trình xây dựng nông thôn mới của Đắk Nông đã đạt được những kết quả khá toàn diện, bộ mặt vùng nông thôn ngày càng khởi sắc. Đắk Nông đã có 36/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 60%; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân mỗi xã đạt 16,62 tiêu chí nông thôn mới, tăng 13,52 tiêu chí so với lúc xuất phát…
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự hưởng ứng tích cực của người dân, các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nước sạch… ngày càng được đầu tư xây dựng kiên cố, sạch đẹp, từng bước đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn.
Hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất được bảo đảm với 307 công trình thủy lợi, cung cấp nước tưới cho hơn 82% diện tích cây trồng, tăng 52% so với năm 2004; hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn được quan tâm đầu tư và tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92%, tăng 30% so với năm 2004.
Qua quá trình phát triển, Đắk Nông luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.
Từ đây, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng được quan tâm giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được xem là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân.
Nội dung: Đức Diệu
Trình bày, đồ họa: Phong Vũ