Trong 20 năm qua, ngành Nông nghiệp huyện Cư Jút đã tập trung thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, khuyến nông. Từ đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trên địa bàn bước đầu hình thành các vùng sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, vùng trồng hồ tiêu xã Ea Pô bước đầu hình thành tiêu chí về triển khai tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị.
Hợp tác xã Sản xuất TM – DV Bình Minh (HTX Bình Minh) là nơi quy tụ nông hộ, với diện tích trên 97ha hồ tiêu canh tác theo hướng hữu cơ. HTX đã tổ chức tập huấn về nông nghiệp sạch cho các hộ thành viên tham gia liên kết, đồng thời thu mua sản phẩm với giá cam kết.
Vùng trồng đậu nành xã Nam Dong cũng đáp ứng tiêu chí về triển khai tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị và sử dụng giống lai phân tử, nhân giống và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng.
Với diện tích 130ha, người dân tham gia liên kết được Công ty Đậu nành Vinasoy đầu tư giống, bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, vùng trồng đậu nành trên địa bàn huyện duy trình ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện đang hình thành và phát triển các tiểu vùng chuyên canh quy mô lớn như: Chuyên canh cây lương thực; chuyên canh cây cà phê, hồ tiêu, đậu nành, đậu phụng, cây ăn trái; vùng sản xuất cây dược liệu…
Đến nay, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi được huyện chuyển đổi theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Năm 2023, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện chiếm tỷ lệ 23%.
Giá trị sản xuất của huyện đạt trên 86 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 7,16 lần so với năm 2004. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn năm 2023 đạt trên 53 triệu đồng…
Theo Phòng NN – PTNT huyện Cư Jút, đến nay, tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt gần 41.000ha, tăng hơn 12.900ha so với năm 2004; giá trị sản xuất 86 triệu đồng/ha/năm, tăng 7,16 lần so với năm 2004.
Hiện nay, toàn huyện có trên 250ha cây trồng có chứng nhận VietGAP, Rain Forest, UTZ… Trong 20 năm qua, huyện đã thực hiện chuyển đổi 9.321ha cây trồng các loại, góp phần giảm diện tích sản xuất kém hiệu quả (dưới 50 triệu đồng/ha).
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Cư Jút, sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Hơn nữa, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo đúng định hướng, đi vào khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tiểu vùng. Từ đó, năng suất, sản lượng cây trồng phần lớn đều tăng qua các năm.
Đến nay, giá trị sản xuất ngành nông – lâm, thủy sản tăng gấp 8,13 lần so với năm 2004; tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,43% so với năm 2004… Ngành Nông nghiệp huyện phát triển theo cơ cấu và định hướng đề ra.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả thị trường, nhưng phục hồi, tái đàn nhanh và có sự phát triển ổn định.
Lãnh đạo UBND huyện Cư Jút đánh giá, nhờ thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực, quyết tâm vươn lên của người dân, bức tranh nông nghiệp của huyện có nhiều chuyển biến tích cực.
Nông nghiệp tiến bộ đã giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể, tạo bước ngoặt trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của địa phương.