Cùng với các sở, ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang xây dựng các kế hoạch, giải pháp để từng bước hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
TP. Gia Nghĩa xác định sẽ tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng để góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, địa phương tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với nhu cầu thị trường. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố sẽ xây dựng thành công 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (vùng trồng hồ tiêu tại xã Đắk R’moan với quy mô 300ha và vùng trồng cây ăn trái với quy mô 300ha tại xã Đắk Nia); 4 vùng xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về trồng trọt và chăn nuôi đến năm 2030.
Bên cạnh đó, thành phố tăng quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch để quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa du lịch của địa phương; tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện, khai thác các điểm du lịch, khu du lịch hiện có, nhất là các điểm thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông…
Ngoài ra, địa phương tập trung nguồn lực, xây dựng đô thị Gia Nghĩa xanh – sạch – đẹp – văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc độc đáo của vùng Nam Tây Nguyên. Đến năm 2025, Gia Nghĩa sẽ là một điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái; đến năm 2030 trở thành điểm đến du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Huyện Đắk Glong chú trọng công bố công khai, rộng rãi quy hoạch tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân nắm, thực hiện quyền giám sát việc thực thi các nội dung; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư…
Huyện Đắk Glong tập trung cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh, thu hút đầu tư để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng.
Đồng thời, huyện huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; ưu tiên đầu tư các dự án tạo động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, có tính lan tỏa lớn. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là động lực đột phá.
Địa phương tiếp tục tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng; phối hợp với các địa phương lân cận xây dựng các chương trình vận động, xúc tiến đầu tư chung để thu hút một số tập đoàn kinh tế, công ty lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các khu công nghiệp.
Việc thu hút đầu tư phát triển các dự án khu, điểm du lịch tiềm năng; phát triển khu du lịch hồ Tà Đùng từng bước trở thành khu du lịch cấp quốc gia, tạo thành đột phá, động lực để phát triển du lịch toàn tỉnh; phát triển các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn 3 – 5 sao cũng sẽ được chú trọng.
Để tạo đột phá, hiện thực hóa quy hoạch tỉnh, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông sẽ triển khai xây dựng phương hướng phát triển các ngành quan trọng, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội, phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn.
Theo đó, huyện sẽ định hướng phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy các tiềm năng, thế mạnh để trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo.
Nông nghiệp vẫn được Đắk R’lấp xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đồng thời hướng tới xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Huyện phấn đấu xây dựng trở thành thị xã Kiến Đức vào năm 2030.
Địa phương quan tâm xây dựng phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện…
Cá nhân tôi cho rằng, quy hoạch tỉnh sẽ mở ra nhiều không gian và hành lang mới cho sự phát triển của tỉnh Đắk Nông nói chung, huyện Đắk R’lấp nói riêng. Vì thế, trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, huyện phối hợp các sở, ngành tập trung triển khai các bước điều chỉnh quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các xã, thị trấn, quy hoạch sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.
Huyện Cư Jút xác định động lực chính thúc đẩy phát triển đô thị là sự phát triển của các ngành kinh tế phi nông nghiệp. Từ đó, địa phương khuyến khích và ưu tiên đầu tư cho các dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phù hợp với mục tiêu phát triển đề ra.
Địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đào tạo lao động ở các trình độ; phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề; có chính sách khuyến khích đào tạo nghề tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; xây dựng và triển khai có hiệu quả các chính sách thu hút, giữ chân người tài, người có trình độ, tay nghề cao.
Ngoài ra, huyện đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng nhà ở và công trình phúc lợi công cộng phục vụ lâu dài cho người có thu nhập thấp; cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu. Huyện tiếp tục phủ kín quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các khu vực đô thị hiện hữu. Địa phương sẽ công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư; chú trọng kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Huyện Cư Jút sẽ tiếp tục nỗ lực, chủ động khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân để phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị hiện đại, thông minh, thân thiện, giàu bản sắc, xứng tầm là cực tăng trưởng ở phía bắc của tỉnh Đắk Nông.
1 trong 3 đột phá theo quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông của Thủ tướng Chính phủ (tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg) đó là “Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát huy lợi thế khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông”.
Trong đó, Krông Nô là “vùng lõi” của CVĐC và là một trong những địa điểm để triển khai đột phá trong quy hoạch tỉnh. Do đó, để hiện thực hóa quy hoạch này, thời gian tới, huyện sẽ triển khai thực hiện các nội dung công việc, định hướng liên quan đến phát triển du lịch trên địa bàn gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể người M’nông gắn với phát triển du lịch huyện Krông Nô.
Huyện sẽ công khai, tuyên truyền các nội dung quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Trọng tâm là các nội dung liên quan đến huyện, liên vùng huyện và các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá… để Nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện được biết, triển khai thực hiện và đồng hành cùng huyện.
Huyện sẽ triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến huyện trong kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; Chuyên đề 33 về thực trạng, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện Krông Nô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chuyên đề về phát triển du lịch do Sở VHTT – DL xây dựng.
Địa phương sẽ tập trung rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các công trình, dự án liên quan đến phát triển du lịch đã có trong danh mục ưu tiên đầu tư. Đồng thời, huyện phối hợp triển khai các dự án về kết cấu hạ tầng giao thông để từng bước hoàn thiện kết cấu giao thông, du lịch, bảo đảm kết nối với các huyện, các tỉnh lân cận, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư và du khách đến du lịch, nhất là các điểm, khu du lịch các cảnh quan, di chỉ khảo cổ và hệ thống hang động thuộc CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Đắk Song là một trong những địa phương triển khai các bước lập quy hoạch khá sớm. Việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 tuân thủ các quy định của pháp luật và các chỉ tiêu sử dụng đất được UBND tỉnh phân bổ.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) là 1 trong 3 trụ cột mà huyện Đắk Song rất quan tâm. Năm 2023, huyện Đắk Song có thêm 1 vùng sản xuất cà phê của xã Nam Bình được công nhận là vùng NNƯDCNC qua đó nâng tổng số vùng sản xuất NNƯDCNC thành 3 vùng với diện tích khoảng 3.000 ha.
Trong thời gian tới, xác định hồ tiêu và cà phê là cây trồng chủ lực nên địa phương tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp, khuyến khích người dân sản xuất công nghệ cao kết hợp với du lịch canh nông. Trong đó, du lịch canh nông là một hướng đi mới mà huyện Đắk Song có nhiều điều kiện để triển khai. Địa phương sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, bảo đảm mỗi xã đều có một sản phẩm tiêu biểu từ 3 sao trở lên, mang lại giá trị cao cho người sản xuất và góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đắk Mil lần thứ XV đề ra mục tiêu đưa huyện đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành đô thị loại III trước năm 2025. Vì thế, thời gian qua, huyện Đắk Mil đã tập trung huy động các nguồn lực để phát triển thương mại dịch vụ, phấn đấu trở thành tiểu vùng trung tâm phía bắc của tỉnh Đắk Nông.
Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh Đắk Nông là điều kiện thuận lợi để huyện Đắk Mil thực hiện và phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra.
UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng TN – MT phối hợp với Sở TN – MT, Sở Xây dựng để điều chỉnh, cập nhật, đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị của huyện.
Địa phương cũng đang đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chung đô thị Đắk Mil đến năm 2025, tạo cơ sở để huyện hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, Đắk Mil chú trọng hoàn thiện tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị từ việc tranh thủ nguồn lực ngân sách Trung ương, địa phương.
Tuy Đức là huyện biên giới, có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu và đất đai để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao với 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cà phê, hồ tiêu, điều, cao su), 3 sản phẩm chủ lực cấp huyện (khoai lang, sầu riêng, bơ) và 2 sản phẩm tiềm năng có lợi thế canh tranh (mắc ca, bò thịt).
Hiện nay, UBND huyện Tuy Đức đã xây dựng các phương án quy hoạch cho từng lĩnh vực và xác định ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp. Đồng thời, huyện đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện phương án quy hoạch được chọn tạo căn cứ pháp lý cho chiến lược phát triển nông nghiệp, làm cơ sở tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
UBND huyện Tuy Đức cũng trình UBND tỉnh Đắk Nông điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, làm cơ sở để thực hiện xây dựng các khu NNƯDCNC, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp vào huyện triển khai các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực NNƯDCNC trên địa bàn huyện.
Đến nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1391/QĐ-UBND, ngày 6/9/2018 về phê duyệt Đề án quy hoạch vùng NNƯDCNC trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, huyện Tuy Đức có 6 vùng NNƯDCNC được quy hoạch hình thành trong giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030.
Giai đoạn 2020 – 2025, Tuy Đức hình thành 3 vùng NNƯDCNC gồm vùng cà phê với diện tích 600ha tại các xã Đắk R’tíh, Quảng Tân; vùng hồ tiêu với diện tích 300ha tại xã Đắk Búk So, Quảng Tâm; vùng sản xuất rau, củ, quả diện tích 200ha tại xã Quảng Tâm, Đắk Búk So.
Giai đoạn 2026 – 2030, huyện hình thành thêm 3 vùng NNƯDCNC gồm vùng sản xuất cà phê tại xã Quảng Tâm, Đắk Búk So và Quảng Trực, với diện tích 1.500ha; vùng sản xuất hồ tiêu tại xã Quảng Tân, Đắk R’tíh và Đắk Ngo với diện tích 420ha; vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản với quy mô 250ha tại xã Quảng Trực, Quảng Tâm, Đắk R’tíh, Quảng Tân.
Nội dung: Hoàng Hoài – Thanh Hằng
Trình bày, đồ họa: Thế Huy – N.Hiền