Trong 2 thập kỷ qua, ngành Nông nghiệp Đắk Nông luôn nỗ lực giải quyết bài toán về tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Từ đó, đẩy mạnh áp dụng khoa kỹ thuật vào sản xuất.
Gia đình anh Hồ Văn Hoan ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil gắn bó với cây cà phê hơn 20 năm nay. Trước đây, anh Hoan trồng cà phê theo cách thông thường, khiến vườn cà phê nhanh già cỗi, năng suất kém. Do đó, anh đã áp dụng biện pháp ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ đã giúp vườn cây phát triển ổn định..
Theo anh Hoan, vườn cà phê của gia đình đã canh tác hơn 20 năm, đến nay vẫn cho năng suất ổn định. Trong khi nhiều vườn cà phê của người dân trồng lại nhiều lần, nhưng năng suất vẫn thua xa vườn cây của anh. Từ kết quả cải thiện sinh thái vườn, tiếp đó, anh Hoan thực hiện phương pháp thu hoạch cà phê chín tỉ lệ cao, xay ướt và phơi trên sàn lưới. Đồng thời, anh Hoan đầu tư máy móc, rang xay, chế biến thành công sản phẩm cà phê bột.
Anh Hoan cho biết thêm: “Với 4ha cà phê, gia đình tôi thu hái được hơn 12 tấn cà phê nhân. Trong số này, gia đình tôi tuyển chọn được khoảng 5 tấn hạt cà phê chín đỏ để sản xuất cà phê bột chất lượng cao”.
Năm vừa qua, gia đình anh Hoan đã xuất bán ra thị trường được khoảng 5 tạ cà phê bột, với giá giá bán 120.000 đồng/kg, thu về khoảng 600 triệu đồng.
Còn gia đình chị Lương Kim Huệ ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô có 2,5 ha cà phê. Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng cà phê, chị Huệ đã áp dụng phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc. Chị Huệ cho biết: “Sử dụng phân bón hữu cơ giúp cải tạo độ phì nhiêu của đất, làm đất tơi xốp, giảm chi phí đầu tư. Không những năng suất cà phê giữ ổn định mà chất lượng được bảo đảm, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu”.
Hiện nay, công nghệ được áp dụng rộng rãi tại Đắk Nông chủ yếu là nhà kính, nhà lưới, tưới tự động, tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, canh tác thủy canh, sản xuất trên giá thể, nông nghiệp hữu cơ… Có doanh nghiệp, HTX áp dụng hiệu quả công nghệ kỹ thuật vào sản xuất như: Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, HTX Thương mại Công Bằng Thuận An, HTX Buôn Choáh, Trang trại Gia Ân, Trang trại Gia Trung… Các đơn vị đã góp phần giải quyết việc làm, liên kết chuỗi giá trị, đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn đến với người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh. Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí, gia tăng chuỗi giá trị, góp phần thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính… Đây là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững.
Từ bước đi ban đầu là thực hành nông ngiệp tốt (GAP), sau 20 năm, toàn tỉnh đã có trên 85 ngàn ha cây trồng các loại ứng dụng về giống mới, tưới tiết kiệm nước, sản xuất chứng nhận, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến… với tổng sản lượng hàng năm ước đạt trên 404 ngàn tấn. Toàn tỉnh còn có 64 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, bao gồm 8 sản phẩm, với 9.563 hộ gia đình tham gia.