Ba Lan ghi nhận 23 ca tử vong có liên quan đến bệnh viêm phổi Legionnaires do vi khuẩn Legionella gây ra. Nhưng hiện lực lượng chức năng vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm.
Vi khuẩn Legionella dưới kính hiển vi. (Nguồn: AP)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo tính đến ngày 11/9 vừa qua, Ba Lan ghi nhận 23 ca tử vong có liên quan đến bệnh viêm phổi Legionnaires do vi khuẩn Legionella gây ra.
Trong thông báo ngày 14/9, WHO nêu rõ tổ chức này đã tiếp nhận báo cáo của Ba Lan về 166 trường hợp mắc bệnh Legionnaires và kể từ ngày 7/9 đến nay, chưa ghi nhận ca bệnh mới.
Hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm và lực lượng chức năng vẫn đang điều tra để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới đợt bùng phát này.
Trước đó, ngày 25/8, Cơ quan An ninh Nội địa (ABW) của Ba Lan thông báo đang điều tra liệu đợt dịch bệnh viêm phổi Legionnaires ở nước này có phải là hậu quả của việc cố ý gây ô nhiễm nguồn nước hay không.
Theo WHO, bệnh Legionnaires do vi khuẩn Legionella gây ra có thể dẫn đến tình trạng viêm phổi nặng. Cách thức lây truyền phổ biến nhất của bệnh là hít phải các hạt hoặc hơi nước nhiễm khuẩn.
Bệnh Legionnaires không lây trực tiếp từ người sang người, nhưng vi khuẩn Legionella có thể nhân lên trong hệ thống nước và điều hòa không khí. Vi khuẩn này cũng thường được tìm thấy trong các nguồn nước nhiễm bẩn. Trên lâm sàng, bệnh Legionnaires có nhiều thể khác nhau.
Sốt Pontiac là hình thức biểu hiện bệnh nhẹ trong khi bệnh Legionnaires kèm theo viêm phổi là trường hợp nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể gây tử vong với tỷ lệ 5-30% nếu không được điều trị.
Ngoài ra, tỷ lệ tử vong của bệnh còn phụ thuộc vào mức độ nặng và tình trạng sức khỏe trước đó của người bệnh.
Tỷ lệ tử vong tăng cao trên 40% ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch không được điều trị./.