Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 người mắc bệnh đau mắt đỏ, tập trung chủ yếu tại thành phố Pleiku. Cao điểm của dịch bắt đầu từ đầu tháng 9 và tăng cao sau ngày khai giảng năm học mới.
Ghi nhận tại Bệnh viện Mắt Cao Nguyên (thành phố Pleiku), từ ngày 1/8 đến nay, 1.760 bệnh nhân được chẩn đoán viêm kết mạc. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận trên 40 bệnh nhân (chiếm hơn 34 % tổng số bệnh nhân đến khám/ngày), trong đó người dưới 18 tuổi chiếm hơn 43%. Các cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh cũng tiếp nhận nhiều ca mỗi ngày.
Chị Yên Thị Sáng trú tại huyện Chư Prông cho biết, gia đình chị có ba thành viên gồm chồng và hai con nhỏ đều mắc bệnh đau mắt đỏ. Ban đầu, hai cháu bị trước do lây từ các bạn ở trường, sau đó đến chồng chị. Nghĩ bệnh nhẹ sẽ tự khỏi, chị không cho con đi khám. Tuy nhiên, sau đó, mắt của hai cháu sưng, đỏ và rỉ nhiều dịch, chị mới đưa hai cháu đến bệnh viện để khám.
Theo bác sỹ Thái Quang Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh là do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào niêm mạc, kết mạc của mắt. Bệnh có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật dụng cá nhân của người nhiễm bệnh như khăn lau mặt, khăn tay, gối, nước rửa mắt… Bệnh có thể lây qua không khí, qua các giọt bắn từ miệng hoặc mũi của người nhiễm bệnh khi ho hoặc hắt hơi.
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh, do đó việc thực hiện biện pháp phòng tránh như giữ gìn vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, không sử dụng chung vật dụng cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người nhiễm bệnh là rất quan trọng. Khi có các dấu hiệu nhiễm bệnh như mắt đỏ, ngứa, chảy nước mắt, sưng mí mắt…, người dân nên đến bệnh viện chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng xấu xảy ra, bác sỹ Thái Quang Hiếu khuyến cáo.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai đã có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Bác sỹ Vũ Phương Việt Hằng, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị các bệnh viện, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Đồng thời, các đơn vị tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh theo dõi sức khỏe của học sinh và giáo viên. Khi phát hiện học sinh hoặc giáo viên có triệu chứng bệnh, trường cho học sinh nghỉ học hoặc nghỉ dạy để đi khám, điều trị. Các cơ sở giáo dục thường xuyên vệ sinh môi trường lớp học và khu vực chung để phòng ngừa sự lây lan của bệnh đau mắt đỏ.