Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng có gần 19 năm công tác, sinh sống tại Gia Nghĩa. Ông là một trong những người đóng góp sức lực, trí tuệ để đặt nền móng xây dựng đô thị Gia Nghĩa.
Những ngày đầu xuân 2024, Đắk Nông tròn 20 tuổi. Mốc thời gian này đã làm cho Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng nhớ về Gia Nghĩa với những kỷ niệm luôn in đậm trong ông.
Ông Lạng kể:
– Sau Hiệp định 1954, tại miền Nam Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm chia miền Nam ra nhiều tỉnh nhỏ. Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 24 NV ngày 23/1/1959 thành lập tỉnh Quảng Đức. Khi đó, ông ta chọn Gia Nghĩa là thủ phủ Quảng Đức và có ý tưởng xây dựng nơi đây thành Đà Lạt thứ 2 của miền Nam. Ông đã mời kiến trúc sư Ngô Viết Thụ quy hoạch, thiết kế Gia Nghĩa. Bản đồ thiết kế Gia Nghĩa đơn giản, nhưng đẹp. Tôi có giữ bản đồ này một thời gian.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng hiện sinh sống tại Hải Phòng. Mỗi khi nhắc đến thành phố trẻ Gia Nghĩa, ông luôn nhớ về bao kỷ niệm, đan xen nhiều cảm xúc. Trò chuyện với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng nói về cơ duyên đưa ông đến với mảnh đất Gia Nghĩa:
– Sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Việt Nam tại Đông Triều, Quảng Ninh vào tháng 11/1975, chúng tôi được điều vào Đắk Lắk công tác. Chỉ ít ngày hưởng không khí cuộc sống mới nơi thủ phủ Tây Nguyên, lúc bấy giờ là thị xã Buôn Ma Thuột, tôi được “ưu ái” là người đầu tiên được điều xuống công tác tại Gia Nghĩa, thuộc thị xã của tỉnh Quảng Đức (cũ).
Ông kể tiếp: – Gần 19 năm công tác ở đây, tôi làm Giám đốc Lâm trường Đắk Nông, rồi Giám đốc Xí nghiệp chế biến lâm sản, thuộc Liên hiệp Lâm nông công nghiệp Gia Nghĩa cho đến cuối năm 1994 thì về làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk.
– Sau năm 1975, Gia Nghĩa nhỏ bé như một thị tứ, nhưng nó vẫn có dáng dấp của đô thị sinh thái nghỉ dưỡng. Trung tâm hành chính là khối các tòa nhà ở vị trí Tỉnh ủy Đắk Nông bây giờ. Tòa nhà hành chính 2 tầng, kiến trúc xây dựng kiểu Pháp, lợp ngói đỏ. Gia Nghĩa xưa vắng và sạch đẹp!
Theo ông Lạng, mảnh đất Gia Nghĩa không chỉ là nơi làm việc mà ông thực sự yêu mến nó như quê hương. Còn với thế hệ sau như tôi, những điều ông Nguyễn Văn Lạng kể về Gia Nghĩa thật sự tò mò, hấp dẫn đến lạ kỳ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng nhớ lại hơn 20 năm trước:
– Năm 2002, khi đó tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Chúng tôi đã mời Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn của Bộ Xây dựng vào quy hoạch để nâng cấp thị tứ Gia Nghĩa thành thị xã. Đến ngày 9/9/2003, sau những lần thẩm định, phản biện thì UBND tỉnh Đắk Lắk thông qua quy hoạch thị xã Gia Nghĩa và trình Chính phủ.
– Song song với quy hoạch nâng cấp Gia Nghĩa lên thị xã, UBND tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị hồ sơ chia tách tỉnh, đồng thời chúng tôi cho xây dựng khu nhà công vụ ở tạm thời tại sân vận động Nghĩa Đức. Chúng tôi xây dựng khu nhà công vụ trước khi có quyết định tách tỉnh, với mục đích khi cán bộ được điều động xuống Đắk Nông nhận nhiệm vụ công tác có nơi ở ổn định, nhanh chóng bắt tay vào làm việc.
Về câu chuyện chọn Gia Nghĩa làm trung tâm của tỉnh Đắk Nông, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng vẫn nhớ như in:
– Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk họp nhiều lần bàn về đề án chia tách tỉnh. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tập trung bàn hai vấn đề nhạy cảm và lớn. Một là, tên tỉnh mới là gì? Về vấn đề này có nhiều ý kiến lấy các tên là Quảng Đức, Nâm Nung, Đắk Nông. Và cuối cùng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất lấy tên Đắk Nông.
– Hai là, việc chọn trung tâm hành chính của tỉnh Đắk Nông. Có các ý kiến đưa ra thảo luận, tranh luận, nên chọn đặt tại Gia Nghĩa hay Đắk Mil, thậm chí là Kiến Đức. Cuối cùng, lúc bấy giờ, các vị lão thành cách mạng của huyện Đắk Nông cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất cao chọn Gia Nghĩa làm trung tâm đô thị của Đắk Nông để trình Trung ương.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng phân tích:
– Cơ sở chọn Gia Nghĩa trước hết đây là nơi có vị trí địa lý trung tâm hơn các địa danh trên. Gia Nghĩa là ngã ba của quốc lộ 14 và quốc lộ 28. Gia Nghĩa có giao thông thuận lợi cho lưu thông hàng hóa với các tỉnh, nhất là khu kinh tế sôi động Đông Nam bộ, trong đó gần TP. Hồ Chí Minh sẽ nhanh phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng…
– Quan trọng nữa là Gia Nghĩa có vị trí xa biên giới với Campuchia. Trước năm 1975, Gia Nghĩa cũng đã được quy hoạch là trung tâm của tỉnh Quảng Đức và có cả sân bay Nhân Cơ. Nếu xây cả khu Sùng Đức, hay mở rộng ra phía Đắk Nia, Đắk Ha, hay Đắk R’tíh đều thuận. Chọn Gia Nghĩa làm trung tâm còn thuận lợi cho người dân đến tỉnh liên hệ công việc.
Ông Lạng cho hay thêm:
– Có ý kiến nói hay là lấy thị trấn Đức Lập (Đắk Mil) bằng phẳng, đất đai tự nhiên tốt. Nhưng các ý kiến phản biện chỉ ra những hạn chế như Đức Lập mặc dù có quốc lộ 14, nhưng không trung tâm của tỉnh về địa lý, lịch sử.
– Tại Nghị quyết số 22/2003 QH11 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tách các huyện phía Nam của Đắk Lắk lấy sông Sêrêpốk làm ranh giới. Nghị quyết này ghi rõ, thị xã Gia Nghĩa là trung tâm hành chính của tỉnh Đắk Nông.
Kí ức về Gia Nghĩa xưa với Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng sâu đậm tới mức vùng đất này khiến ông nhớ đến rất nhiều, đi đâu cũng muốn về bởi vùng đất và con người hiền hòa. Hễ có thời gian là ông Lạng lại sắp xếp về với Gia Nghĩa gặp người thân, những người bạn hàn huyên.
– Gia Nghĩa 20 năm đã thay đổi cơ bản và nhanh chóng. Từ một thị trấn nhỏ, nghèo thành thị xã rồi lên thành phố. Gia Nghĩa là thành phố vào loại trẻ nhất Việt Nam, quy mô quy hoạch, kiến trúc hạ tầng dịch vụ và dân số còn khiêm tốn, nhưng đã và đang khẳng định tầm vóc của đô thị trung tâm cực nam của Tây Nguyên, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đắk Nông. Chúc Đắk Nông tuổi 20 vững bước tiến lên giàu mạnh, văn minh, đồng bào có cuộc sống khá giả và hạnh phúc!
Nội dung: Thanh Nga
Ảnh: Ngô Minh Phương
Trình bày: Huy – Hiền