UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến tham dự phiên họp.
Năm 2023, 100% bộ, ngành, địa phương đã rà soát và ban hành danh mục thủ tục hành chính (TTHC) để triển khai dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.
Cả nước đã triển khai 81% TTHC là dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4% (tăng 1,4 lần so với năm 2022); địa phương đạt 37,4% (tăng 3,7 lần so với năm 2022).
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra 5 bài học kinh nghiệm từ kết quả CCHC. Trước hết, người đứng đầu phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và chỉ đạo làm việc nào dứt điểm việc đó.
Hai là, phải kịp thời triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về CCHC; ban hành các cơ chế, chính sách kịp thời, thuận lợi để khơi thông, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là các nguồn lực tăng trưởng mới.
Ba là, tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, thúc đẩy công tác CCHC đạt hiệu quả.
Bốn là, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, gắn với trách nhiệm của cá nhân, tập thể; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Năm là, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm, rút ra những bài học thực tiễn. Rút kinh nghiệm của quốc tế, học hỏi các địa phương, đơn vị có cách làm hay, mô hình mới, tiên tiến, hiệu quả và nhân rộng; làm tốt công tác thi đua khen thưởng.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Cải cách hành chính phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển để tạo khí thế mới, động lực mới, giá trị mới và thành công mới. Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt”.
Thủ tướng đề nghị quán triệt 6 nội dung CCHC theo hướng cần phải có trọng tâm, trọng điểm năm 2024 như sau:
Một là, cải cách thể chế là phải tháo gỡ được những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Hai là, cải cách TTHC phải đơn giản hóa được thủ tục, phân cấp, phân quyền mạnh hơn; giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào cho người dân và doanh nghiệp.
Ba là, cải cách bộ máy hành chính phải tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tinh giảm biên biến nhưng phải cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bốn là, cải cách chế độ công vụ là tăng cường kỷ luật, kỷ cương về hành chính; xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ; tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong xử lý công vụ.
Năm là, cải cách tài chính công để tập trung cho tăng thu, giảm chi thường xuyên; cơ cấu lại tăng chi cho đầu tư phát triển và giảm chi thường xuyên; chống tiêu cực, tham nhũng trong sử dụng tài chính công.
Sáu là, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử thì tập trung cho chuyển đổi số, tăng cường làm việc trên không gian mạng; đẩy mạnh Đề án 06; xây dựng chính phủ số, chính quyền số; xây dựng công dân số.