Nhiều nhóm hàng phải áp dụng EUDR
Các hàng hóa sẽ chuẩn bị phải áp dụng quy định của EUDR như dầu cọ; đậu nành; gỗ và sản phẩm gỗ cà phê; cao su; ca cao; gia súc. Một số sản phẩm có nguồn gốc từ nhóm sản phẩm trên cũng phải áp dụng EUDR như sô cô la, đồ nội thất, lốp xe, sản phẩm in…
Trong đó, nhiều ngành hàng hiện đang là thế mạnh của Đắk Nông như cà phê, cao su, ca cao, gỗ… Nếu các ngành hàng này không đáp ứng các yêu cầu EUDR thì nguy cơ mất đi một thị trường lớn là có thể xảy ra.
Quy định EUDR có những nội dung, yêu cầu quan trọng. Trước hết là về “thẩm định bắt buộc” với tất cả các nhà doanh nghiệp đưa hàng hóa liên quan vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ EU.
Tiếp đến là quy định thiết lập và vận hành “hệ thống kiểm định” được xem xét và cập nhật một năm một lần, lưu trữ 5 năm. Quy định truy xuất nghiêm ngặt đến tận hộ, vườn trồng…
Cà phê là một trong 4 cây trồng chủ lực của Đắk Nông. Hiện tỉnh có khoảng 140.000ha cà phê. Sản phẩm cà phê của tỉnh xuất khẩu đến trên 10 quốc gia, với sản lượng khoảng 110.000 tấn/năm.
Ngành hàng này đối diện với nhiều thách thức khi thực thi quy định EUDR. Ví dụ như đối với cập nhật dữ liệu chung về nguồn gốc đất không gây mất rừng, suy thoái rừng qua hệ thống giám sát viễn thám, truy xuất nguồn gốc đến tận vườn hộ.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, thách thức chính của cà phê là quy mô nông hộ nhỏ lẻ. Điều này đồng nghĩa, số hộ bị tác động rất lớn. Trong khi đó, tỉnh Đắk Nông chưa có cơ sở dữ liệu đồng bộ về vườn cây, truy xuất nguồn gốc, phân lập vùng trồng.
Tỷ lệ diện tích cà phê được chứng nhận, liên kết chưa cao. Diện tích cà phê canh tác ven và xen kẽ trong đất lâm nghiệp còn khá nhiều và chưa đồng nhất giữa số liệu địa chính với ngành Nông nghiệp.
Cơ hội để làm mới ngành Nông nghiệp
Cũng theo Giám đốc Sở NN-PTNT Phạm Tuấn Anh, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số để góp phần thích ứng với EUDR. Hoạt động số hóa thông tin hộ dân, vườn hộ, công nhận các mã vùng trồng nội địa, xuất khẩu… đang được đẩy mạnh. Điều này đồng nghĩa cơ hội cho nông sản Đắk Nông đáp ứng EUDR ngày càng lớn hơn.
Ông Lang Thế Thành, Giám đốc HTX công bằng Thanh Thái, huyện Krông Nô (Đắk Nông), HTX nhận thấy có nhiều khó khăn khi thực thi các quy định EUDR.
Trong đó, việc truy xuất sản phẩm đến tận vườn qua định vị không phải là dễ trong điều kiện hạ tầng số khu vực nông thôn còn nhiều bất cập. Nông dân cũng còn không ít hạn chế trong vấn đề cập nhật các số liệu của mình. Họ cần được trang bị, hỗ trợ nhiều hơn về cả thiết bị, công nghệ để tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, HTX xem đây là cơ hội lớn để nâng tầm phát triển kinh tế nông nghiệp của bà con. Đội ngũ quản trị HTX cũng phải thay đổi theo hướng bài bản, khoa học.
Nhiều năm qua, các sản phẩm cà phê của HTX đã được người tiêu dùng đón nhận vì chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. HTX HTX đã có 240 thành viên, với 500 ha cà phê, trong đó 50% diện tích đạt các chứng nhận hữ cơ, RA.
Tại Đắk Nông, cơ hội đối với ngành hàng gỗ cũng là rất lớn. Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, trồng rừng nguyên liệu lớn ở nhiều địa bàn.
Lâm nghiệp tỉnh đã và đang có sự chuyển biến rất mạnh mẽ. Từ chỗ còn để mất rừng, suy thoái rừng thì nay tỉnh đã chuyển sang bảo vệ, quản lý, trồng rừng để tăng độ che phủ. Cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ của tỉnh nhận định, EUDR là một cơ hội hơn là một thách thức. Tỉnh cũng có những thuận lợi từ sự tích hợp với các hoạt động, nhiệm vụ đã làm trước đây như đối với REED+.
Đến nay, Đắk Nông đã trồng mới 34.157ha rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh ước đạt 39% và phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 40%, định hướng đến năm 2030 đạt trên 42%.