Hiện nay, thời tiết của tỉnh Đắk Nông đang trong giai đoạn cao điểm của mùa mưa. Đây cũng là thời điển trái cà phê phát triển nhanh và dễ bị nấm bệnh xâm nhiễm làm vàng lá, khô cành, rụng trái non. Do vậy, nếu không có biện pháp khắc phục sẽ làm vườn cây giảm năng suất.
Để chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới, ngoài làm sạch cỏ dại, bón phân đợt cuối, gia đình ông Nguyễn Văn Kiên, thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong) còn thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện sâu bệnh hại.
Đến nay, vườn cà phê hơn 2 ha của ông Kiên đang trong thời kỳ tăng trưởng kích thước trái, tạo nhân, phát triển cành thứ cấp. Vườn cây được đầu tư, chăm sóc chu đáo nên xanh tốt, lượng trái đều, không bị nấm bệnh tấn công.
Ông Kiên Cho biết: “Năm nay, do thời tiết bất thuận, cà phê phát triển kém, khả năng năng suất không bằng mọi năm. Ngay từ đầu vụ, tôi đã tập trung chăm sóc, không để cây mất sức làm giảm năng suất thêm nữa”.
Còn gia định ông Lê Văn Cường, xã Trường Xuân (Đắk Song) canh tác trên 3 ha cà phê. Để vườn cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, ông Cường đã áp dụng hiệu quả quy trình kỹ thuật vào chăm sóc vườn cây.
Theo kinh nghiệm của ông Cường, hiện tượng rụng trái non, sâu bệnh tấn công trong giai đoạn cà phê chuẩn bị thu hoạch là do cây thiếu dưỡng chất.
Ông Cường cho hay: “Trong giai đoạn cà phê chắc nhân chuẩn bị chín rất dễ bị nấm bệnh, rệp sáp xâm nhiễm chùm trái, hại cành, rễ. Nếu bị tấn công nặng sẽ làm cà phê rụng trái non, làm giảm năng suất vườn cây”.
Do đó, ngay từ đầu mùa vụ, ông Cường đã cung cấp đầy đủ các yếu tố đa lượng và trung, vi lượng như đạm, lân, kali, canxi, lưu huỳnh, đồng, kẽm… giúp cây phát triển, tạo sự đồng đều cho trái, chắc nhân, hạn chế chín non, chín sớm.
Mặt khác, để cân đối chất dinh dưỡng, trung bình mỗi ha, một năm ông Cường bón với lượng đạm nguyên chất từ 450-550 kg urê, 100-150 kg lân P2O5, 200-250 kg kali K2O…
Bên cạnh đó, việc bổ sung phân hữu cơ như phân chuồng, vi sinh, giúp cung cấp thêm hàm lượng mùn cho đất được ông chú trọng. Nhờ chăm sóc tốt nên 3 ha cà phê của gia đình ông năm nào cũng đạt năng suất cao.
Ngoài bón phân, để phòng bệnh, ông Cường còn định kỳ phun thuốc phòng các bệnh cho vườn cây theo phương pháp phòng hơn là trị bệnh. Đồng thời, dùng phân bón vi sinh có bổ sung nấm Trichoderma bón vào đất để diệt trừ các loại nấm, tuyến trùng gây hại khác.
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở NN – PTNT), hiện diện tích cà phê toàn tỉnh ước khoảng 138.000 ha. Trong đó, khoảng 124.113 ha cho thu hoạch, ước sản lượng khoản 350.000 tấn/vụ.
Hiện nay, tại các vùng trồng cà phê thường xuất hiện các đối tượng gây hại chủ yếu như gỉ sắt, đốm mắt cua, thán thư (thối đầu cành), rệp các loại, tuyến trùng hại rễ,… gây hại rải rác, mật độ, tỷ lệ hại thấp.
Thạc sỹ Đỗ Văn Chung, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, giai đoạn này bà con nông dân cần theo dõi thường xuyên vườn cây để phát hiện và phân biệt rõ bệnh khô cành, khô trái do nấm hồng… để có biện pháp phòng trừ. Trường hợp xuất hiện rệp sáp thì cần ngăn chặn sớm, nếu để xâm nhập vào chùm trái non sẽ rất khó diệt trừ.
“Để phòng trừ nấm bệnh hiệu quả, bà con cần tiến hành sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị, theo tư vấn, hướng dẫn về chủng loại, liều dùng của ngành chuyên môn”, thạc sỹ Đỗ Văn Chung cho biết thêm.