Tạo ra sản phẩm chất lượng
Trong khu nhà màng 2.000m2, bà Bùi Thị Khánh Hòa, ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) trồng cà chua leo, cà chua socola, ớt. Sau 90 ngày xuống giống, các loại cây này bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nay, mỗi ngày bà thu khoảng 2 tạ ớt; 2 – 3 tạ cà chua. Giá bán giao động từ 50.000 – 100.000 đồng/kg đối với các loại sản phẩm. Bà Hòa cho biết, các sản phẩm được sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, có thể thu hoạch liên tục 7 – 8 tháng. Sản phẩm cung ứng vào các chuỗi tiêu thụ uy tín tại TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2022, bà Hòa bắt tay khởi nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC). Bà khởi nghiệp với 2.000m2 nhà màng trồng dâu tây, dưa lưới. Sau đó, bà đầu tư xây dựng thêm gần 10.000m2 nhà màng trồng dưa hấu, dưa lê, dâu tây, cà chua, ớt.
Bà Hòa cho biết, sản xuất NNƯDCNC giúp bà chủ động được mùa vụ, kiểm soát tốt sâu hại và những tác động bất lợi của thời tiết. Bà có thể áp dụng triệt để quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Thời gian thu hoạch của các cây trồng trong nhà màng dài hơn nhiều so với trồng tự nhiên. Chính vì thế, hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình bà cao hơn.
Theo bà Hòa, khó khăn lớn nhất trong sản xuất NNƯDCNC là chi phí đầu tư ban đầu. Việc đầu tư phải mất nhiều thời gian dài mới cho hiệu quả kinh tế. Trong 2 năm đầu sản xuất sẽ là khoảng thời gian thu hồi vốn đầu tư, sau đó mới tính lợi nhuận. Nhà màng có tuổi thọ từ 5 – 7 năm, nên giải pháp phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả lớn. Từ tháng 11/2022 đến nay, bà đã có thu nhập hơn 2,2 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ với 2.500m2 nhà màng, ông Đào Xuân Chung, ở phường Quảng Thành (Gia Nghĩa), đầu tư trồng dưa lưới. Từ tưới nước, bón phân ông đều sử dụng công nghệ. Điều này giúp ông giảm tối đa lao động. Ông Chung cho biết, NNƯDCNC giúp tối ưu hoá nhiều mặt. Ngày xuống giống, ngày thu hoạch, thời gian bón phân… đều có thể tính toán được. Nhờ đó, người sản xuất chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trung bình mỗi năm, vườn dưa lưới của ông cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng trừ chi phí.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, tổng giá trị canh tác của Đắk Nông hiện chỉ đạt trung bình 90 triệu đồng/ha. Thế nhưng, giá trị canh tác NNƯDCNC lại cao gấp từ 5-10 lần so với sản xuất tự nhiên. Sản xuất NNƯDCNC tiết kiệm được diện tích đất, chi phí, nhân công, thời gian… Chính việc hiệu quả kinh tế ngày càng tăng nên ngày càng có nhiều hộ dân áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 380 ha sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, nhà màng. Nhiều mô hình NNƯDCNC của tỉnh đã mang hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất NNƯDCNC đã góp phần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp tại Đắk Nông. NNƯDCNC đã góp phần thu hút được một số cá nhân, tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đầu tư vào nông nghiệp theo hướng hiện đại, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
NNCNC tạo đột phá cho nông nghiệp Đắk Nông
Tỉnh Đắk Nông đang tập trung phát triển 3 trụ cột trong phát triển kinh tế. Trong đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị là một trong số các trụ cột đó. Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển phù hợp với điều kiện của tỉnh, đáp ứng yêu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, Đắk Nông xác định sản xuất NNƯDCNC là tất yếu.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển NNCNC giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2030. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 2/8/2018 về Phát triển NNƯDCNC trên địa bàn tỉnh. Đắk Nông ban hành Đề án phát triển NNƯDCNC trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Các nghị quyết đều được cụ thể hoá bằng việc đầu tư nguồn lực, chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ kinh phí thực hiện. Điều này đã từng bước đưa nghị quyết vào cuộc sống. Các mô hình NNƯDCNC vì thế ngày càng tăng cả về số lượng và quy mô, đóng góp tích cực trong tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Đắk Nông hiện có 4 vùng sản xuất NNƯDCNC. Tỉnh thành lập 1 Khu NNƯDCNC. Tổng diện tích sản xuất NNƯDCNC của Đắk Nông hiện đạt 85.000 ha. Tổng sản lượng sản phẩm NNƯDCNC hàng năm của tỉnh ước đạt trên 404.000 tấn. Từ vùng nguyên liệu NNƯDCNC, Đắk Nông đã hình thành 23 sản phẩm chủ lực, tiềm năng cấp tỉnh. Các sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông đã xuất khẩu qua các thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc. Trong đó, nổi bật một số sản phẩm như: hồ tiêu hữu cơ, mắc ca, cà phê, sầu riêng, hạt điều, xoài, măng cụt, lúa, gạo, khoai lang, vải thiều, bơ, ca cao…
Đắk Nông định hướng đến năm 2025 hình thành và phát triển thêm 12 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng số vùng của tỉnh lên 16 vùng. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng một số công nghệ cao chiếm từ 15 – 20% trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Tỉnh công nhận thêm 3 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 5 doanh nghiệp.
Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Trong đó, tỉnh chủ trọng kêu gọi đầu tư vào sản xuất NNƯDCNC.
Tại Hội nghị hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đã kêu gọi các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào 3 lĩnh vực nhiều tiềm năng của tỉnh. Trong đó, Đắk Nông kêu gọi doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng chất lượng cao…