Nhiều rào cản
Trong năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện 3 chương trình MTQG trên địa bàn Đắk Nông gần 1.120 tỷ đồng. Trong đó, chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 481 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 330 tỷ đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới 307,3 tỷ đồng.
Tính đến giữa tháng 7/2023, nguồn vốn của cả 3 chương trình này mới giải ngân trên 24 tỷ đồng, đạt 2% kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Theo Sở KHĐT, kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt từ rất sớm. Vậy nhưng, nhiều văn bản đã ban hành còn chưa phù hợp với thực tế.
Một số chương trình, dự án được phê duyệt đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Nhiều địa phương, nhất là cấp cơ sở còn lúng túng trong quá trình thực hiện.
Giai đoạn 2022-2023, nguồn vốn các chương trình MTQG toàn huyện Đắk R’lấp hơn 118 tỷ đồng. Đến hết tháng 7/2023, địa phương mới giải ngân gần 21 tỷ đồng, đạt 17,7%.
Trong số này, chủ yếu nguồn vốn giải ngân của 2022, còn đối với 2023 dường như nguồn vốn các chương trình này vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp Nguyễn Quang Tứ, đối với một số dự án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ gia đình không đủ điều kiện. Một số trường hợp khác, địa phương không đủ quỹ đất để bố trí. Trong khi, huyện muốn hỗ trợ chuyển đổi nghề thì không có cơ sở pháp lý.
Chưa kể, một số công trình chậm do huy động nguồn vốn đối ứng chậm. Các văn bản hướng dẫn còn chung chung nên địa phương lúng túng trong thực hiện.
Tương tự, tại Đắk Glong, còn nhiều vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn chương trình MTQG. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là quy định về các công trình đặc thù. Đây là lĩnh vực mới, nên huyện còn lúng túng trong hướng dẫn về thiết kế mẫu, nội dung liên quan.
Quyết tâm thực hiện
Trong tổng kế hoạch vốn đầu tư công tại Đắk Nông năm 2023, nguồn vốn dành cho các chương trình MTQG chiếm 16%. Trong khi, mục tiêu đề ra từ đầu năm, Đắk Nông cam kết giải ngân 100% nguồn vốn này.
UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo tất cả các huyện rà soát, tổng hợp và báo cáo kịp thời toàn bộ vướng mắc, khó khăn trong giải ngân nguồn vốn MTQG. Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình trả lời vướng mắc cho các địa phương.
Tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2023, diễn ra hồi tháng 6/2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, các chương trình MTQG có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đặc biệt, những huyện nghèo, đông đồng bào dân tộc thiểu số, các chương trình này có ý nghĩa đặc biệt hơn.
“Chúng ta phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ban Dân tộc là đơn vị thường trực phải thường xuyên báo cáo lên lãnh đạo UBND để chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng tháo gỡ khó khăn”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo.
Tổng vốn đầu tư thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 tại Ðắk Nông 2.394 tỷ đồng. Cụ thể, chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1.136 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 502,5 tỷ đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới 755 tỷ đồng.