Nhu cầu sầu riêng của thị trường Trung Quốc rất lớn, có thể bao tiêu gần như toàn bộ sản phẩm, nhưng quan trọng là chúng ta đảm bảo chất lượng hay không. “Không thể vì khoản lãi 1-2 tỷ mỗi chuyến mà đánh mất uy tín, chất lượng” – đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng cho biết.
Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về sầu riêng, chuộng mua cả thùng
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn chia sẻ: “Giá sầu riêng thời gian qua liên tục biến động, tăng nóng khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua. Các thương lái, doanh nghiệp cạnh tranh khá khốc liệt. Một số doanh nghiệp mới bước chân vào thị trường sầu riêng, không nắm vững được quy cách làm, đôi khi đặt/đẩy giá vườn quá cao, khiến các doanh nghiệp truyền thống gặp khó khăn khi thu mua sầu riêng tại vườn”.
Hiện. giá sầu riêng xô tại vườn rất cao, tùy mẫu mã chủng loại dao động từ 80.000 – 90.000 đồng/kg (sầu Dona). Sau khi mua về, chúng tôi phải phân loại theo tiêu chuẩn về độ già, trọng lượng quả, số múi/quả… Sau khi phân loại giá sầu riêng xuất khẩu sẽ lên tới hơn 100.000 đồng/kg.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Công ty Dũng Thái Sơn đã tiêu thụ hơn 5.000 tấn sầu riêng Tiền Giang. Sau khi hết mùa sầu riêng ở miền Tây, đơn vị bắt đầu thu mua sầu riêng Tây Nguyên và hiện đã xuất khẩu được vài trăm tấn sang thị trường Trung Quốc.
Để đảm bảo có sầu riêng xuất khẩu gần như quanh năm, Công ty Dũng Thái Sơn đã liên kết, hợp tác với một số hợp tác xã tại Đắk Lắk cung ứng nguyên liệu. Với 17 cơ sở đóng gói, công ty có năng lực xuất xưởng60 containersầu riêng mỗi ngày.
Chia sẻ về nhu cầu của thị trường Trung Quốc, Công ty Dũng Thái Sơn cho biết: Nhu cầu của bên Trung Quốc lớn, có thể bao tiêu gần như toàn bộ sản phẩm sầu riêng nhưng quan trọng là chúng ta có đảm bảo chất lượng hay không. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu không giữ chữ tín, làm ăn theo kiểu mùa vụ mua đứt bán đoạn, không đảm bảo chất lượng thì sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu sầu riêng của Việt Nam.
Vị này cho biết, có hiện tượng một số thương lái, đơn vị thu mua cắt sầu riêng chưa đủ tuổi xuất khẩu, trái còn non, làm ảnh hưởng tới uy tín ngành hàng sầu riêng Việt Nam nói chung.
“Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cảnh báo nhiều lần mà mình không khắc phục được thì sẽ có nguy cơ họ rút lại Nghị định thư, điều đó sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn không chỉ với mặt hàng sầu riêng mà còn ảnh hưởng chung tới trái cây xuất khẩu của Việt Nam” – vị này nói.
Trong khi đó, bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, bà vừa có chuyến công tác dài ngày tại thị trường Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ở thị trường nước này ưa chuộng, giá bán cạnh tranh với sầu Thái Lan.
Tuy nhiên, theo bà Vy, vừa qua giá sầu riêng tăng cao kỷ lục, hàng khan hiếm, một số nhà vườn đã chạy theo lợi nhuận, ép vựa mua cả hàng xấu, cắt hàng non (có lợi về cân nặng) chứ không có sự chọn lọc.
Trong khimuốn tạo được vị thế, chỗ đứng của sản phẩm sầu riêng “Made in Vietnam” cần phải có sự đoàn kết tạo nên một tập thể đủ lớn mạnh, đủ uy tín. Các doanh nghiệp, người trồng cần tạo ra những sản phẩm mà người tiêu dùng Trung Quốc phải tìm để mua, chứ không phải chúng ta cứ mãi bấp bênh trên những “cơn sóng” như hiện nay.
“Trong kinh doanh có một câu mà tôi luôn tâm đắc: Một lần bất tín vạn lần bất tin. Không thể vì khoản lãi 1-2 tỷ mỗi chuyến mà đánh mất uy tín, mất đi mối hàng mà nhiều năm chúng ta mới xây dựng được” – bà Vy nói. Được biết, năm nay Công ty Chánh Thu dự tính sẽ xuất khẩu từ 20.000-30.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vậtViệt Nam (Văn phòng SPS) cho biết, qua các chuyến công tác tại nước bạn cũng như khảo sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, người tiêu dùng Trung Quốc thường ưa chuộng mua thùng sầu riêng, thay vì mua lẻ từng quả.
Theo đó thùng thường có 6 quả, cân nặng dao động từ 18-20kg, tính ra mỗi quả sầu riêng nặng khoảng 3-3,5kg.
Tuy nhiên, các nhà vườn nước ta thường có thói quen bón phân để thúc quả sầu riêng lớn, trọng lượng trái sầu riêng kích cỡ 3,5 – 5kg khá nhiều. “Để đưa sầu riêng vào sâu hơn, tiếp cận nhiều hơn với khách hàng Trung Quốc, các nhà vườn lưu ý tới độ đồng đều của thành phẩm khi thu hoạch, làm thế nào để xếp vừa 6 quả một thùng 20kg” – ông Nam nói.
Đối với cơ sở đóng gói, để được công nhận, các cơ sở đóng gói phải đủ nguồn nước sạch, nguồn cung cấp điện, có hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định. Bố trí đủ cơ sở vật chất cho việc tập kết, phân loại, sơ chế, bảo quản và đóng gói theo nguyên tắc một chiều, có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại tránh tái nhiễm và lây nhiễm chéo.
Cục Bảo vệ thực vật cũng yêu cầu trong quá trình đóng gói, phải lựa chọn, phân loại và làm sạch vỏ quả để loại bỏ quả bị bệnh, thối hỏng hoặc biến dạng, lá, thân, tàn dư thực vật và đất.
Chải hoặc làm sạch bề mặt quả bằng súng áp suất cao hoặc biện pháp hiệu quả khác để loại bỏ trứng, bào tử nấm. Nếu cần thiết, có thể lau bề mặt quả bằng vải bông mềm và sạch, đặc biệt là phần cuống quả và các bộ phận khác…