Bình ổn ở kênh phân phối lớn
Mỗi tháng, Siêu thị Co.opmart Đắk Nông đang bán ra thị trường khoảng 1 tấn gạo các loại. Từ tết đến nay, giá gạo tại đây vẫn giữ nguyên, không biến động.
Co.opmart Đắk Nông hiện đã đầu tư gần 9 tỷ đồng cho việc dự trữ gạo tại tổng kho Sóng Thần (Bình Dương). Lượng gạo này có thể cung ứng cho người tiêu dùng trong vòng hơn 1 tháng tới.
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Co.opmart Đắk Nông Trần Giang Nhật Thảo cho hay, do nắm bắt được những biến động của thị trường xuất khẩu gạo trên thế giới nên toàn hệ thống đã chủ động dự trữ được nguồn hàng từ sớm.
Hệ thống Saigon Co.op hiện đang có một vùng chuyên canh lúa gạo lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, đơn vị hoàn toàn có thể chủ động được về sản lượng hàng năm.
Tương tự, tại kho lúa gạo Quý Hải, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa), mỗi tháng đang bán ra thị trường khoảng 30 tấn gạo các loại. Giá gạo ở đây vẫn được giữ nguyên kể từ đầu vụ tới nay.
Bà Thái Thị Hải, Chủ cơ sở cho biết: “Từ đầu mỗi vụ, chúng tôi đều ký kết giá lúa ổn định với nông dân. Giá gạo tại cơ sở sẽ bình ổn từ nay đến hơn 1 tháng nữa”.
Cơ sở hiện có vùng sản xuất lúa gạo lớn với gần 200ha tại xã Ea Rbin, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) và xã Buôn Choáh (Krông Nô). Vừa có vùng nguyên liệu, vừa có kho chứa, nên cơ sở luôn bảo đảm nguồn hàng ổn định.
“Giá gạo tại cơ sở vẫn giữ nguyên, nên lượng bán ra trong mấy ngày gần đây tăng mạnh, với khoảng 10% so với trước. Những loại gạo ở phân khúc trung bình, từ 16.000-18.000 đồng/kg” .
Tăng nhẹ ở các cửa hàng bán lẻ
Ngược lại với các kênh phân phối, giá gạo tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lại đang tăng cao, với mức tăng gần 2.000 đồng/kg.
Theo bà Vũ Thị Nga, chủ cơ sở cám, gạo Ninh Hằng (Gia Nghĩa), khoảng một tuần trở lại đây, giá gạo tăng cao, khiến cho việc buôn bán khó khăn hơn. Lượng hàng bán ra tại cơ sở giảm so với trước.
Cửa hàng chủ yếu bán lẻ cho người dân trong vùng, với khoảng gần 1 tấn/tháng. Đơn vị hiện đang thu mua qua trung gian theo từng đợt, cũng không có kho dự trữ nên phải tăng lên theo giá thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên mới có Chỉ thị về bình ổn thị trường gạo trong nước. Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường sẽ theo dõi sát tình hình giá gạo. Các lực lượng sẽ kiểm tra, kiểm soát tại những cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho.
Qua đó, kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo…
Ngành Công thương sẽ phối hợp rà soát tình hình sản xuất gạo về sản lượng, chủng loại gạo tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch trên địa bàn.
Thời gian gần đây, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước như: Ấn Độ, UAE, Nga; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực tại nhiều khu vực.