Theo Roscosmos do sai lệch của các thông số xung lực thực tế so với thông số tính toán, tàu vũ trụ Luna-25 đã chuyển sang quỹ đạo lệch thiết kế và không còn tồn tại do va chạm với bề mặt Mặt Trăng.
Tên lửa Soyuz 2.1b mang theo tàu thăm dò Mặt Trăng Luna-25 được phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông, Nga, ngày 11/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 20/8, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos cho biết tàu vũ trụ thăm dò Mặt Trăng Luna-25 đã va chạm với bề mặt hành tinh này sau khi gặp sự cố trong quá trình chuẩn bị hạ cánh.
Theo hãng tin TASS của Nga, Roscosmos xác nhận mất liên lạc với Luna-25 từ 14h57 ngày 19/8 (giờ Nga tức 18h57 giờ Việt Nam).
Theo các kết quả phân tích sơ bộ, tàu Luna-25 đã mất liên lạc sau khi va chạm với bề mặt Mặt Trăng.
Roscosmos đã thực hiện các biện pháp trong hai ngày 19 và 20/8 nhằm xác định vị trí và khôi phục liên lạc với tàu nhưng không thành công.
Roscosmos nhấn mạnh do sai lệch của các thông số xung lực thực tế so với thông số tính toán, tàu vũ trụ Luna-25 đã chuyển sang quỹ đạo lệch thiết kế và không còn tồn tại do va chạm với bề mặt của Mặt Trăng.
Cơ quan này sẽ tiến hành điều tra các nguyên nhân dẫn tới va chạm.
Trước đó, rạng sáng 11/8, Nga đã phóng tàu thăm dò Mặt Trăng Luna-25 vào không gian. Động thái này đánh dấu bước khởi động lại chương trình thăm dò Mặt Trăng của Nga sau gần 50 năm.
Nhiệm vụ chính của Luna-25 là phát triển công nghệ hạ cánh mềm, nghiên cứu cấu trúc bên trong của vệ tinh, tiến hành thăm dò tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả nước, đồng thời điều tra tác động của các tia vũ trụ và bức xạ điện từ trên bề mặt của Mặt Trăng.
Tàu thăm dò trước đó của Nga, Luna-24, được phóng vào không gian năm 1976. Sự kiện này đã đi vào lịch sử khám phá vũ trụ thế giới khi mẫu vật lấy từ Mặt Trăng thời điểm đó đã chứng minh sự hiện diện của nước trên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.
Sau Luna-25, Nga có kế hoạch phóng tàu Luna-26 và Luna-27 lần lượt trong các năm 2024 và 2025../.