Duy trì phát triển nền kinh tế
Thời gian qua, Việt Nam đã tận dụng khá hiệu quả các thỏa thuận thương mại, các hiệp định FTA với các nước, đặc biệt là tạo lợi thế để tiếp cận những nguồn vốn, thị trường xuất khẩu. Đáng chú ý là hoạt động kinh tế, thương mại của Việt Nam với các đối tác chủ chốt, trong đó có các nước châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực Bắc Mỹ, châu Âu đều được tiếp tục duy trì và thúc đẩy.
Ngoài ra, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã tăng cường kết nối với ASEAN, với khu vực và các nước đối tác quan trọng khác. Việc xây dựng đường cao tốc, mở rộng các đường bay, tăng cường các đường thủy…, đều tạo thuận lợi phục vụ mục tiêu phát triển của mình.
Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, nước ta đã chủ động tiếp cận với những xu hướng và mô hình kinh tế mới phục vụ phát triển chất lượng cao hơn, bền vững hơn. Như bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta đã có cam kết cấp cao và có lộ trình để thực hiện. Đi cùng với đó là những ngành kinh tế mới như kinh tế xanh, năng lượng xanh, hạ tầng xanh, đã được tích cực triển khai để tranh thủ nguồn lực bên ngoài.
Triển khai chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” và kết quả Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao 31, tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển, trong đó ngoại giao kinh tế là trọng tâm, được quán triệt xuyên suốt, thấm nhuần trong mọi hoạt động đốingoại thời gian qua.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, trong các hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cuộc tiếp xúc, làm việc của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành với các tập đoàn kinh tế, các nội dung kinh tế được thúc đẩy với nhiều kết quả quan trọng và thực chất, với trên 70 văn kiện được ký kết, thiết lập các khuôn khổ và lĩnh vực mới mang tính đột phá; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác đa phương, qua đó mở rộng không gian phát triển, nâng cao vị thế đất nước, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước. Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 làm việc với 9 bộ, ngành, trên 100 hiệp hội, doanh nghiệp lớn nhằm nắm bắt nhu cầu hỗ trợ thúc đẩy hợp tác và tháo gỡ khó khăn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bước đầu chúng ta đã khôi phục và phát huy rất tốt các chuỗi cung ứng và thoả thuận thương mại để phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Kết quả đó chính là sự chuyển hoá lợi thế quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp với các nước, các đối tác trở thành cơ hội hợp tác, lợi ích kinh tế, phục vụ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; hướng tới đưa nền kinh tế vào vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng và cung ứng toàn cầu.
Công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư với các đối tác; đưa kinh tế trở thành nội dung trung tâm trong các hoạt động đối ngoại cấp cao song phương và đa phương.
5 bài học kinh nghiệm
Tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 3/7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm cần quán triệt, tiếp tục phát huy trong triển khai công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.
5 bài học là: phát huy tinh thần chủ động, tích cực, kịp thời; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và “dĩ bất biến ứng vạn biến”; nắm chắc tình hình để tham mưu, đề xuất, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao, phối hợp hiệu quả, tránh đùn đẩy trách nhiệm; phát huy và khai thác lợi thế trong quan hệ với mỗi nước.
Theo Thủ tướng, kinh tế toàn cầu đang đứng trước “6 cơn gió ngược” với cường độ mạnh, ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không khuất phục, không bó tay trước khó khăn, thách thức để triển khai công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng. Trong giai đoạn hiện nay, khi lạm phát được kiểm soát và giảm dần qua các tháng, chúng ta ưu tiên cho tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu).
Về trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế từ nay tới cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng lớn. Theo đó, cần tiếp tục quán triệt và bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12/2021, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về Ngoại giao kinh tế.
Tiếp tục tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực của đất nước; chủ động, tích cực hơn trong kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước. Phát huy tinh thần “ngoại giao cây tre”, tranh thủ hiệu quả các cơ hội hợp tác nhưng đồng thời phải bảo đảm củng cố thế cân bằng chiến lược, phát triển hài hòa quan hệ với các đối tác lớn, các đối tác quan trọng trên tinh thần chân thành, tin cậy, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe và thấu hiểu.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy tinh thần khi triển khai ngoại giao vắc xin trong thời kỳ dịch bệnh, đó là tinh thần không câu nệ, miễn là có hiệu quả cao nhất. Lấy lợi ích quốc gia – dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu; đề cao đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương (cách tiếp cận toàn cầu); người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là động lực (cách tiếp cận toàn dân).
Một định hướng lớn khác là ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (về chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo…); đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Các chủ trương phải đi liền với chính sách ưu đãi cụ thể để thúc đẩy các lĩnh vực này.
Tiếp tục quyết liệt cụ thể hóa chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa ngoại giao kinh tế thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.