Kỳ 1: Đồng thuận giao “đất vàng” cho dự án
Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa là công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Nông. Dự án nằm ở khu vực có mật độ dân cư đậm đặc và lâu đời thuộc diện bậc nhất ở Đắk Nông, nhưng khâu giải phóng mặt bằng lại rất thuận lợi…
Tất cả vì lợi ích chung là trên hết…
Khu vực xây dựng Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa có rất nhiều hộ dân từ các tỉnh, thành phố đến sinh sống, lập nghiệp từ trước năm 1975. Đây cũng là khu vực có mật độ dân cư đông đúc của TP. Gia Nghĩa. Đất ở khu vực này cũng được xem là “đất vàng”.
Do đó, khi triển khai dự án, chính quyền địa phương, chủ đầu tư không khỏi lo lắng về khâu giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là hầu hết các hộ dân trong dự án đã chấp nhận hy sinh lợi ích riêng, bàn giao “đất vàng” cho Nhà nước.
Vợ chồng ông Lê Hồng Phước, ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức, đến lập nghiệp tại khu đất thuộc dự án xây dựng quảng trường từ năm 1964. Ở vào tuổi 80, đại gia đình ông Phước có 4 thế hệ sinh sống trên mảnh đất 348m2.
“Gia đình rất quý mảnh đất này. Mảnh đất ấy không chỉ là nơi lập nghiệp mà còn là nơi “chôn nhau, cắt rốn” của thế hệ con, cháu của chúng tôi. Gắn bó bao đời, nhưng khi tỉnh có quyết định làm quảng trường, chúng tôi sẵn sàng chấp hành. Vì mục tiêu chung sức xây dựng thành phố phát triển”, ông Phước chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Út, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức, có 3 lô đất, 3 căn nhà, với tổng diện tích đất hơn 892m2 nằm trong dự án quảng trường. Tuy diện tích đất, tài sản lớn, nhưng gia đình bà vẫn tiên phong bàn giao mặt bằng.
Năm 1981, vợ chồng bà cưới và mua mảnh đất ấy để sinh sống, lập nghiệp. Mảnh đất này đã gắn liền với 3 thế hệ của gia đình bà cho đến ngày phải di dời sang khu tái định cư Bờ Đông.
“Xem ti vi tôi thấy các tỉnh bạn thay đổi, giàu đẹp. Bạn bè hỏi Đắk Nông có gì thay đổi không thì tôi rất khó trả lời vì không có gì nhiều. Ngày bình thường, con cháu đi học, đi làm nhưng đến ngày lễ, ngày tết về nhà lại không có chỗ để mà đi chơi. Anh em, bạn bè tỉnh xa về đây, mình muốn dẫn đi chơi nhưng không có chỗ. Cho nên, khi tỉnh có hướng xây dựng quảng trường thì vợ chồng đồng ý ngay”, bà Út chia sẻ.
Cũng theo bà Út, khi có quyết định thu hồi đất hôm trước là hôm sau, gia đình đã dỡ nhà. “Vợ chồng tôi nói với thợ làm công bao nhiêu cũng được nhưng làm nhanh giúp để chuyển ra đây ở. Đúng một tuần sau, cả gia đình tôi chuyển ra ngay khu tái định cư Bờ Đông”, bà Út nhớ lại.
Gần 1 năm nay, gia đình bà Út đang ở tạm bợ trong căn nhà khung sắt, mái tôn, nền láng tạm xi măng tại khu tái định cư Bờ Đông để chờ xây nhà mới.
“Tôi cũng như những người dân khác ước ao quê hương mình đổi mới. Muốn được như vậy, mình phải có hy sinh! Bây giờ, xem bản vẽ thấy quảng trường của thành phố mình quá đẹp”, bà Út hài lòng.
Gia đình bà Út kinh doanh, nên khi chuyển đến nơi ở mới, khách hàng ít, thu nhập giảm nhiều. Tuy nhiên, bà Út và mọi người trong gia đình đều vui vẻ chấp nhận, tin tưởng rằng tương lai nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ.
Thành công nhờ gần dân
Tháng 10/2021, UBND tỉnh Đắk Nông bắt đầu triển khai các bước về ranh giới xây dựng Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa. Từ tháng 3/2022, UBND TP. Gia Nghĩa triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
Đến tháng 9/2022, UBND TP. Gia Nghĩa cơ bản hoàn thành, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dưng tỉnh Đắk Nông để khởi công Dự án Quảng trường.
Như vậy, chỉ trong 13 tháng, UBND TP. Gia Nghĩa đã di dời, tái định cư hoàn chỉnh cho 212 hộ dân. Trong đó, có 100 hộ phải di chuyển, với tổng diện tích đất thu hồi 2,78 ha. Đây là một thành công lớn của chính quyền TP. Gia Nghĩa.
Bà Trần Thị Kim Thanh, ở tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức cho biết, thời điểm bàn giao mặt bằng cũng là lúc chồng bà bị bệnh nan y phải điều trị ở TP. Hồ Chí Minh. Khoảng thời gian đó, con trai bà ở nhà làm đơn xin dời ngày di dời và được chính quyền thành phố chấp thuận.
Biết hoàn cảnh chồng bà đang “thập tử, nhất sinh”, cán bộ phường, thành phố đến tận nhà động viên, hỗ trợ gia đình sớm làm xong nhà ở mới.
“Sau khi về nhà mới tại khu tái định cư Bờ Đông, không gian sống ở đây mát mẻ, khang trang, đẹp đẽ, chồng tôi hồi phục sức khoẻ, vui vẻ, nên gia đình rất mừng”, bà Thanh chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Út, phường Nghĩa Đức, vui vẻ cho biết, cán bộ khi gặp dân thì tiếp đón ân cần, biết lắng nghe và giải quyết nhanh nhẹn các vấn đề liên quan đến thu hồi đất.
Lãnh đạo thành phố “nói đi đôi với làm”, nhanh chóng làm sổ đất tái định cư cho người dân. Khi chuyển đến nơi ở mới, bà con được thăm hỏi, động viên, nên cảm thấy ấm lòng.
Giải quyết đầy đủ chính sách cho dân
Ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa cho biết, để phát triển, đô thị Gia Nghĩa cần lắm một khu vui chơi, giải trí tập trung phục vụ người dân. Do đó, xây dựng quảng trường là rất cần thiết, là điểm nhấn của đô thị Gia Nghĩa.
Quá trình thực hiện dự án, UBND TP. Gia Nghĩa đã giải tỏa thành công hàng trăm hộ dân và hầu như không có trường hợp nào phải cưỡng chế. Kết quả này trước hết là nhờ chính quyền luôn trách nhiệm với Nhân dân.
Theo ông Tịnh, trách nhiệm cụ thể ở đây là chăm lo, bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho người dân. UBND TP. Gia Nghĩa bố trí tái định cư xong mới tiến hành di dời người dân. “Vì nhu cầu đầu tiên, bức thiết của người dân là có chỗ để người ta di chuyển, bảo đảm ổn định đời sống”, ông Tịnh phân tích.
Việc thứ hai, theo ông Tịnh, khi nhận được chỉ đạo của tỉnh về giải phóng mặt bằng, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực, con người đi làm trực tiếp. Ban đầu, công tác kiểm tra, kiểm đếm còn thiếu sót. Thành phố ghi nhận điều đó và đáp ứng kịp thời, làm đúng, làm đủ, nên được người dân đồng thuận.
Thành ủy, UBND, UBMTTQVN thành phố và các đoàn thể đều xem công tác giải phóng mặt bằng cho quảng trường là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong giai đoạn 2021-2022.
“Ban đầu, thành phố nhận định cưỡng chế khoảng 10 hộ. Nhưng sau khi được chúng tôi trao đổi, phân tích thì các hộ này đã chấp nhận bàn giao đất. Vì thế, cả dự án không có trường hợp nào phải cưỡng chế”, ông Tịnh vui mừng cho biết.
(Còn nữa)