Thực hiện Kế hoạch số 4000/KH-BTTTT ngày 31/7/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 156-KH/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương, Kế hoạch số 770/KH-UBND ngày 14/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai các nhiệm vụ về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh rà soát, đánh giá hoạt động tác nghiệp của các cơ quan báo chí và việc thực hiện tôn chỉ mục đích của các cơ quan tạp chí có văn phòng đại diện hoặc đăng ký phóng viên hoạt động thường trú độc lập trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ tháng 01/2023 đến 30/08/2023. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông tổng hợp, báo cáo kết quả rà soát, đánh giá cụ thể như sau:
I. VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN BÁO, TẠP CHÍ TRUNG ƯƠNG, NGOÀI TỈNH TRÊN ĐỊA BÀN
1. Về số lượng các cơ quan báo chí, tạp chí Trung ương, ngoài tỉnh có đăng ký hoạt động trên địa bàn
Tính đến hết tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh có 44 cơ quan báo chí, tạp chí Trung ương và ngoài tỉnh có đăng ký hoạt động trên địa bàn, với 70 nhân sự, trong đó có 38 người có thẻ Nhà báo, cụ thể:
– Về cơ quan báo chí: có 34 cơ quan, gồm: 03 cơ quan báo chí có Văn phòng đại diện, văn phòng thường trú[1] với 05 nhân sự, trong đó có 04 Nhà báo, 01 CTV; 10 cơ quan báo chí[2] cử phóng viên thường trú độc lập với tổng 10 nhân sự, đã có Thẻ Nhà báo; 21 cơ quan báo chí[3] cử phóng viên hoạt động thường xuyên gồm: với tổng với 37 nhân sự, trong đó có 18 Nhà báo.
– Về các cơ quan Tạp chí: có 09 cơ quan (01 tạp chí[4] cử phóng viên thường trú; 8 tạp chí[5] cử phóng viên tác nghiệp thường xuyên) với tổng 12 nhân sự, trong đó có 05 Nhà báo.
Chi tiết danh sách, tra cứu tại đường link: https://bit.ly/3rjxz74
2. Việc chấp hành quy định về hoạt động báo chí
a) Đăng ký, thông báo hoạt động thường trú
Đa phần các cơ quan báo chí đã chấp hành quy định của Luật báo chí về việc gửi văn bản thông báo cho UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông khi đặt Văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú hoạt động độc lập tại địa phương. Tuy nhiên qua rà soát, việc đăng ký, thông báo hoạt động thường trú của cơ quan báo chí còn một số tồn tại, như: hồ sơ thông báo cử phóng viên thường trú hoạt động độc lập tại địa phương của một số cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí đều không đủ thành phần theo quy định tại Khoản 5, Điều 22 Luật Báo chí; nhân sự cử thường trú đa phần chưa có thẻ nhà báo; cơ quan báo chí chưa kịp thời thông báo khi có thay đổi về nhân sự cử thường trú.
b) Tác nghiệp báo chí
Trong quá trình tác nghiệp báo chí trên địa bàn, nhân sự của các cơ quan tạp chí cơ bản chấp hành quy định của pháp luật. Bên cạnh đó tồn tại một số hoạt động tác nghiệp chưa đúng quy định pháp luật, phổ biến là:
– Tiếp cận nguồn tin gián tiếp (qua đồng nghiệp, qua nguồn tin cá nhân, không trực tiếp thực hiện, xác minh hoặc chỉ xác minh từ một phía, v.v…) dẫn đến hậu quả nội dung thông tin, vấn đề phản ánh không toàn diện, thiếu công tâm, thiếu cơ sở khoa học, đánh giá một chiều; thông tin sai lệch; cá biệt có bài viết thể hiện rõ việc định hướng dư luận theo quan điểm chủ quan của cá nhân, hoặc một nhóm cá nhân.
– Tác nghiệp không đúng quy định, như: (i) sử dụng giấy giới thiệu không ghi cụ thể nơi đến làm việc; (ii) yêu cầu cung cấp thông tin ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; thậm chí có trường hợp yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; (iii) gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà; (iv) giấy giới thiệu không ghi rõ cơ quan, tổ chức cần làm việc, thời gian làm việc, nội dung thông tin cần cung cấp; (v) nhân sự đăng ký là cộng tác viên, nhân viên của văn phòng đại diện, cơ quan thường trú nhưng có hoạt động nghiệp vụ như phóng viên; (vi) phóng viên của các cơ quan thường trú có Thẻ Nhà báo đăng ký làm việc với danh nghĩa của của 01 cơ quan báo chí nhưng khi đến làm việc đưa theo nhóm phóng viên thuộc nhiều cơ quan báo chí (chưa được cấp thẻ nhà báo; không có Giấy giới thiệu hoặc Giấy giới thiệu không đúng quy định); (vii) có hoạt động báo chí trên địa bàn nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
– Cá biệt có tình trạng lợi dụng danh nghĩa cơ quan báo chí để trục lợi cá nhân, thực hiện các hành vi trái pháp luật.
c) Việc giữ mối quan hệ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí
Việc giữ mối quan hệ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí trên địa bàn còn hạn chế. Hầu hết các cơ quan báo chí, tạp chí chưa triển khai việc báo cáo, trao đổi thông tin về kết quả hoạt động trên địa bàn với Sở Thông tin và Truyền thông. Số lượng phóng viên có đăng ký thường trú hoạt động độc lập tại địa phương tích cực tham gia các hội nghị Giao ban báo chí, họp báo, tham dự các sự kiện do địa phương tổ chức hạn chế, nhất là phóng viên của các Tạp chí; phần lớn nhân sự các Tạp chí không tham dự Giao ban báo chí, hoặc có tham dự nhưng không chấp hành quy định về thời gian (đến muộn, rời cuộc họp sớm, v.v…).
3. Về nội dung thông tin, phản ánh
Trong năm 2023, lượng thông tin trên các loiạ hình báo chí có nội dung phản ánh về Đắk Nông tăng mạnh. Trung bình, mỗi tuần có hơn 100 bài viết từ 50 cơ quan báo chí Trung ương và ngoài tỉnh phản ánh về địa phương. Trong 8 tháng đầu năm 2023, có hơn 4.500 tin, bài có nội dung liên quan đến Đắk Nông được đăng tải trên 70 ấn phẩm báo in và báo điện tử, truyền hình. Riêng đối với các Tạp chí, thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 01/2022 đến hết tháng 7/2023, có 745 tin, bài phản ánh về các hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trên 15 tạp chí.
Về nội dung, phần lớn tin bài phản ánh các hoạt động, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội diễn ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số lượng bài viết phù hợp với tôn chỉ mục đích, loại hình báo chí ghi trong giấy phép thấp. Phần lớn phản ánh vấn đề, nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép (ví dụ: tạp chí khoa học, chuyên ngành nhưng đưa thông tin như loại hình báo in, nhật báo; tạp chí thuộc lĩnh vực môi trường nhưng phản ánh về lĩnh vực sức khỏe, y tế, v.v…); tỷ lệ thông tin khoa học, lý luận, thông tin chuyên ngành thấp. Một số tạp chí tập trung khai thác nội dung về những vấn đề tồn tại, hạn chế; số lượng tin, bài có nội dung truyền thông chính sách, phản ánh những kết quả tích cực ít hơn so với các thông tin phản ánh tiêu cực.
Điển hình là Tạp chí Môi trường và Đô thị, từ tháng 01/2022 đến tháng 07/2023 đã đăng khoảng 257 tin, bài phản ánh về tình Đắk Nông; trong đó, có khoảng 15 tin, bài vượt quá tôn chỉ, mục đích cơ quan báo chí; đưa thông tin điều tra, phản ánh lĩnh vực xây dựng, chất lượng công trình, dự án đầu tư, y tế… (Đính kèm phụ lục 03 – Danh sách các bài viết vượt tôn chỉ mục đích của Tạp chí Môi trường và đô thị)
4. Công tác quản lý Nhà nước về báo chí
Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị, địa phương tạo điều kiện cho phóng viên, báo chí tác nghiệp đúng pháp luật; đồng thời kiên quyết xứ lý các trường hợp lợi dụng hoạt động báo chí để trục lợi cá nhân[6]. Đồng thời, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý báo chí trên địa bàn[7]; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duy trì hoạt động Giao ban báo chí định kỳ hằng tháng.
Đắk Nông là địa phương được báo chí đánh giá cao trong việc UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông; chính quyền các cấp có nhiều chỉ đạo cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động (công khai và cập nhật thường xuyên danh sách người phát ngôn; hỗ trợ kinh phí cho phóng viên dự họp báo; tổ chức họp báo, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; khen thưởng phóng viên có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tỉnh Đắk Nông[8], v.v…)
Thông tin báo chí phản ánh về Đắk Nông được cập nhật, tổng hợp và xử lý với tinh thần cầu thị. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện định kỳ hàng tuần việc tổng hợp, đề xuất các địa phương, đơn vị có báo cáo UBND tỉnh và phản hồi báo chí về những nội dung báo chí phản ánh. Bình quân, mỗi năm có hơn 150 nội dung báo chí nêu đã được các sở, ngành, địa phương kiểm tra, xác minh, phản hồi. Những nội dung báo chí phản ánh đúng sự thật cơ bản được các cơ quan, đơn vị giải quyết kịp thời.
Song song với việc tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, công tác theo dõi, rà soát, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được thực hiện với quan điểm kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm khi phát hiện; thường xuyên rà soát, nhắc nhỏ, chấn chỉnh các hoạt động tác nghiệp báo chí có dấu hiệu vi phạm. Từ tháng 01/2022 đến hết tháng 8/2023, Sở TTTT đã tiếp nhận 07 đơn thư phản ánh, khiếu nại liên quan đến thông tin báo chí[9]; yêu cầu gỡ bỏ, cải chính với 05 nội dung; xử phạt VPHC 02 cơ quan báo chí và tạp chí ngoài tỉnh[10] với tổng số tiền 62,5 triệu đồng về đăng, phát nội dung thông tin vượt tôn chỉ mục đích và đăng, phát thông tin sai sự thật; nhắc nhở 01 cơ quan báo chí với hành vi đăng phát, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng; yêu cầu 02 cơ quan báo chí gỡ bỏ thông tin sai sự thật và cải chính thông tin[11]. Từ chối cập nhật thông tin phóng viên đăng ký hoạt động thường trú đối với các cơ quan báo chí cử nhân sự thiếu điều kiện Luật báo chí quy định hoặc không đủ hồ sơ theo quy định. Trong năm 2023, cơ quan Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 02 trường hợp: Lê Hữu Vương, phóng viên báo Công Lý và Nguyễn Tiến Khoa, phóng viên Tạp chí Doanh Nghiệp và Trang Trại Việt Nam về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
5. Đánh giá khái quát
a) Kết quả tích cực
Sự có mặt của báo chí Trung ương và ngoài tỉnh nói chung, Tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nói riêng trong hoạt động báo chí trên địa bàn Đắk Nông đã làm phong phú lượng thông tin về mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Đắk Nông trên các phương tiện truyền thông, nhất là các phương tiện truyền thông trên môi trường mạng Internet. Qua đó quảng bá, lan tỏa hình ảnh Đắk Nông trong và ngoài nước; thúc đẩy hoạt động truyền thông chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy chính quyền các cấp; đưa tiếng nói của địa phương được lan tỏa có tác động tích cực đến việc xây dựng chính sách, thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của Đắk Nông.
b) Tồn tại, hạn chế
Việc nhân sự một số cơ quan Tạp chí hoạt động báo chí vượt quá tôn chỉ, mục đích; tác nghiệp không đúng quy định của Luật báo chí nêu ở phần 3, 4, Mục I báo cáo này đã ảnh hưởng đến đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhiều vấn đề là tồn tại có tính chất khách quan, trong đó có những nguyên nhân đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới nhưng báo chí phản ánh thiếu khách quan, thiếu tính chính trị gây ra những quan điểm, nhận định sai lệch trong xã hội, tạo mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân, tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá.
Cá biệt, có một số cá nhân lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi cá nhân, có hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh những người làm báo chân chính. Tạo tâm lý e dè, ngại tiếp xúc, thậm chí né tránh báo chí trong thực tế; gây khó khăn trong việc tiếp cận thông tin của người làm báo đúng pháp luật.
c) Nguyên nhân tồn tại, hạn chế
Quy định của pháp luật về hoạt động báo chí bộc lộ hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của báo chí, chưa điều chỉnh những xu hướng phát triển mới như: quy định về hoạt động, tôn chỉ, mục đích của các loại hình báo chí, báo chí điện tử, tạp chí điện tử; quy định về tác nghiệp báo chí; quy định thẩm quyền hoạt động quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương, v.v… gây khó khăn cho việc xử lý những tồn tại, hạn chế của hoạt động báo chí ở địa phương.
Chưa có cơ sở để quản lý nhân sự của các cơ quan báo chí hoạt động vãng lai, không thường xuyên trên địa bàn. Do quy định của Luật báo chí cho phép Nhà báo có quyền “Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;…”; “Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;” (Khoản 2, Điều 25, Luật Báo chí); nhưng không có quy định bắt buộc đăng ký, thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trên địa bàn hoạt động.
Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí; phát hiện, phối hợp xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí còn hạn chế.
Cơ quan báo chí thiếu quan tâm đến hoạt động của các nhân sự thường trú, hoạt động độc lập; thiếu sự phối hợp với địa phương trong công tác quản lý nhân sự hoạt động trên địa bàn.
II. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ VÀ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1. Các biện pháp xử lý thuộc thẩm quyền của Sở Thông tin và Truyền thông
– Giao Thanh tra Sở, căn cứ kết quả rà soát, củng cố hồ sơ đối với các Tạp chí có hoạt động không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, tiến hành xử lý hoặc đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm theo quy định.
– Giao Phòng Thông tin, Báo chí, Xuất bản tăng cường việc theo dõi, giám sát hoạt động báo chí của các cơ quan báo chí Trung ương và ngoài tỉnh trên địa bàn; duy trì việc rà soát, đánh giá việc chấp hành pháp luật về hoạt động báo chí; phối hợp với Thanh tra Sở, Cơ quan Công an thực hiện các biện pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm đúng quy định của pháp luật.
2. Kiến nghị đề xuất
a) Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông
Trong thời gian triển khai việc sửa đổi Luật Báo chí cần có hướng dẫn thống nhất về hướng xử lý các trường hợp hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; chấn chỉnh tình trạng cơ quan báo chí, tạp chí cử phóng viên hoạt động thường trú chưa đủ điều kiện (chưa có thẻ nhà báo), hồ sơ gửi không đầy đủ (chỉ có văn bản thông báo)[12].
b) Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh
Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố: thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ truyền thông chính sách; tạo điều kiện cho báo chí hoạt động đúng quy định của pháp luật; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật.
c) Đề nghị cơ quan chủ quản báo, tạp chí; cơ quan báo, tạp chí
– Tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động phóng viên, hoạt động thông tin của Tạp chí. Rà soát hoạt động của nhân sự Tạp chí trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và có các biện pháp cần thiện để hoạt động báo chí của Tạp chí thực hiện đúng quy định của pháp luật.
– Phối hợp với cơ quan quản lý, cơ quan chỉ đạo báo chí tại địa phương trong việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho nhân sự của cơ quan Tạp chí hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
– Thực hiện quy định của Hội Nhà báo Việt Nam về việc chuyển sinh hoạt về Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố đối với những Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thuộc đơn vị mình là phóng viên thường trú tại tỉnh Đắk Nông.
– Chỉ đạo nhân sự của Tạp chí được cử hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thực hiện nghiêm túc việc chấp hành các quy định về quản lý nhà nước khi hoạt động tác nghiệp báo chí tại địa phương; tham gia Hội nghị Giao ban báo chí hàng tháng do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông Hội Nhà báo tỉnh tổ chức./.