Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Đắk Nông khi mà các lợi thế so sánh đang từng bước được đánh thức. Giải pháp nào để giải quyết căn cơ tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” dẫn đến thiếu tính ổn định về vùng nguyên liệu do người dân “trồng, chặt” để chạy theo thị trường?
Đắk Nông đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Trong đó, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch xúc tiến thương mại địa phương giai đoạn 2021-2025 và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chủ lực.
UBND tỉnh Đắk Nông và các sở, ngành, đoàn thể đã tổ chức các hoạt động đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, có chất lượng tốt vào tiêu thụ tại các siêu thị. Hàng năm, tỉnh Đắk Nông tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tỉnh Đắk Nông hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX nghiên cứu thị trường, kết nối giao thương, đưa hàng vào tiêu thụ tại các siêu thị lớn. Tỉnh đã tạo lập mối liên kết bền vững trong hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà cung cấp và nhà tiêu thụ.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mang tính tự phát, sản xuất nhỏ, lẻ, chưa tạo sản lượng hàng hóa lớn để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Thời gian tới, Đắk Nông tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản tại Đắk Nông.
Tỉnh Đắk Nông hỗ trợ, khuyến khích các HTX, doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hóa, tự động hóa dây chuyền chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông đã có bước chuyển biến rõ rệt. Tỉnh đã có những mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị giúp nâng cao năng suất, chất lượng, ổn định đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập của nông dân.
Tuy nhiên, nhìn chung việc phát triển liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản của Đắk Nông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo tôi, để đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ nông sản cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả mối quan hệ liên kết giữa “6 nhà” gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà phân phối, nhà băng (ngân hàng).
Doanh nghiệp là khâu kết nối giữa sản xuất và thị trường. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao khả năng tiếp cận đầu ra cho sản phẩm.
Do đó, Đắk Nông cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động gắn kết nông dân với doanh nghiệp. Tỉnh cần đẩy mạnh thành lập các HTX để thúc đẩy chuỗi liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp bền vững.
Đắk Nông định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, đa giá trị, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nội tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, ngành Nông nghiệp đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp.
Trước hết, ngành Nông nghiệp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng. Trong đó, quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao. Ngành Nông nghiệp ưu tiên các ngành hàng cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, mắc ca, rau, củ quả và các loại hoa.
Một trong những giải pháp để tổ chức sản xuất tốt là tập hợp nông dân tham gia HTX. Vì HTX là cầu nối quan trọng để hình thành chuỗi liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh tổ chức sản xuất, ngành Nông nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức nhằm đa dạng kênh tiêu thụ, giảm trung gian và nâng cao giá trị gia tăng.
Chúng tôi đang đẩy mạnh và quyết liệt chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp. Từ đó cung cấp đầy đủ các thông tin, dữ liệu về ngành Nông nghiệp để giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tạo lập môi trường thông thoáng thu hút đầu tư.
Mọi người đều có nhu cầu dùng thực phẩm an toàn. Nếu sản phẩm không có thước đo chất lượng, không xác định các chỉ số an toàn thì rất khó bán hàng ở các nước.
Nông sản Đắk Nông đang vướng mắc đó là sản xuất sản phẩm chưa đúng với mục tiêu, mong muốn của người tiêu dùng thế giới và đây là rào cản lớn. Do đó, nông dân phải chuyển đổi dần để tạo ra được những sản phẩm đúng với nhu cầu của đối tác cũng như thị trường.
Ngay từ bây giờ, người dân, HTX, doanh nghiệp cần hành động để tạo ra sản phẩm được chứng nhận chất lượng. Đắk Nông cần sản xuất có quy trình rõ ràng, tạo ra được chất lượng sản phẩm an toàn theo đúng quy định quốc tế. Nếu làm tốt, trong 2-3 năm tới, nông sản Đắk Nông sẽ có mặt ở nhiều thị trường quốc tế.
Năm 2018, chúng tôi tập hợp những nông dân cùng chí hướng trồng hồ tiêu sạch ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song và thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên.
Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định hướng đi rõ ràng đó là sản xuất hồ tiêu hữu cơ chất lượng cao. Chúng tôi biết đây là hướng đi khó nhưng tin rằng sẽ thành công.
Năm 2019, sản phẩm hồ tiêu của HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ của USA, EU, Nhật Bản và sau đó đạt thêm tiêu chuẩn hữu cơ Canada.
Các công ty lớn kinh doanh hồ tiêu của thế giới biết đến HTX có các chứng nhận hữu cơ quốc tế, nên đã tìm đến với chúng tôi. Họ từ Hà Nội, Bình Dương và nước ngoài tìm đến tận vườn rẫy của thành viên HTX để khảo sát thực tế chất lượng, sản lượng để hợp tác. Đến nay, HTX đã có 8 đối tác.
Khi mình sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt thì ngoài việc thuận lợi hợp tác với các đối tác, họ còn chủ động tìm đến với mình. Hiện nay chúng tôi có quyền định giá bán sản phẩm vì sản phẩm của chúng tôi có chất lượng tốt. Năm nay, chúng tôi đã xuất khẩu 300 tấn hồ tiêu sang châu Âu, Nhật Bản, đạt giá trị trên 30 tỷ đồng.
Đắk Nông có diện tích đất nông nghiệp dồi dào, điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp với nhiều nông sản, trong đó có nhiều loại rau, củ, quả năng suất, chất lượng ngon. Tuy nhiên, Đắk Nông thiếu những nhà máy sơ chế, đóng gói, chế biến nông sản với quy mô lớn.
Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ nông sản. Muốn tăng lợi nhuận kim ngạch nông sản thì Đắk Nông phải đầu tư nhà máy chế biến, nhà máy đóng gói quy mô lớn.
Đắk Nông nên “lót ổ” để “đại bàng” tới. Tỉnh muốn có sự đầu tư của những đơn vị tiềm năng cần phải xây dựng được cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp. Cần cụ thể, khi doanh nghiệp đầu tư vào nông sản thì được những lợi ích gì, quyền lợi gì và họ phải có trách nhiệm gì với Đắk Nông, nông dân.
Nội dung: Thanh Nga – Hưng Nguyên
Trình bày: TD-NH