Nhiều lợi thế sẵn có để phát triển
Nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, Đắk Nông sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch canh nông. Diện tích đất nông nghiệp màu mỡ chiếm đến hơn 56% trong tổng diện tích đất tự nhiên. Nguồn nước dồi dào và Đắk Nông có thể phát triển những vùng chuyên canh nông nghiệp như cây ăn quả, cây lương thực…
Hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông như cà phê, hồ tiêu, ca cao, bơ, sầu riêng… đã tạo dựng được uy tín trên thị trường. Bên cạnh đó, Đắk Nông còn sở hữu hệ thống hang động núi lửa dài và độc đáo bậc nhất khu vực Đông Nam Á với danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Đắk Nông còn là nơi hội tụ của 40 dân tộc với bản sắc văn hóa đa dạng, hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu là di sản cồng chiêng và diễn tấu văn hóa cồng chiêng, các loại nhạc cụ truyền thống, sử thi huyền thoại, kể khan, các loại hình lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ và các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát…
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản, văn hóa phong phú và đa dạng, cùng với lợi thế về nông nghiệp, Đắk Nông được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch canh nông, tạo nên sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Nhưng còn nhiều khó khăn cần sớm tháo gỡ
Qua rà soát, thống kê, Đắk Nông hiện có 38 cơ sở kinh doanh loại hình du lịch canh nông. Một số điểm tham quan, hút khách nổi tiếng như Tà Đùng Farm, Vườn sinh thái Trust Life, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong; Garden Farm, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức; Anam Farm, xã Nam Dong, huyện Cư Jút; Suối đá Farmstay and Glamping, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp; Farmstay Yumin, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa… Du lịch canh nông góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh, thu hút du khách, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Tuy có nhiều sự nỗ lực từ các hộ nông dân, chủ cơ sở du lịch cũng như phía cơ quan quản lý Nhà nước nhưng việc triển khai mô hình du lịch canh nông trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế và phát sinh nhiều vấn đề chưa phù hợp với tình hình thực tiễn khiến các doanh nghiệp chưa thể đẩy mạnh phát triển.
Suối đá Farmstay and Glamping, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp được xây dựng từ năm 2020, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Toàn bộ farm có tổng diện tích là 1,4ha được cải tạo, xây dựng trồng tiểu cảnh, đào ao nuôi cá, chòi uống cà phê, ăn nghỉ… Đến đây, du khách có thể trải nghiệm vườn cây ăn trái, câu cá và nhiều dịch vụ du lịch khác. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay chủ cơ sở Suối đá Farmstay and Glamping vướng mắc là một số quy định về thủ tục chuyển đổi đất từ nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ. Anh Nguyễn Hữu Phú, Chủ cơ sở Suối đá Farmstay and Glamping chia sẻ: “Tôi mong chính quyền tạo điều kiện về mặt pháp lý để những hộ gia đình làm homestay, farmstay như chúng tôi có thể xây dựng một cách bài bản và đúng luật”.
Tương tự, đi vào hoạt động từ 9/2022, Bobby farm, thôn 5, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp rộng khoảng 4.000m2 được đầu tư, xây dựng khá bài bản. Bobby farm thu hút du khách bằng dịch vụ trải nghiệm vườn cây ăn trái, cà phê, ngắm cảnh ven hồ. Tuy nhiên, khi được hỏi về các điều kiện pháp lý thì chủ cơ sở cho biết nơi đây lại chưa có giấy phép xây dựng.
Theo Sở VHTT-DL tỉnh, trong số 38 cơ sở kinh doanh loại hình du lịch canh nông thì có 15 cơ sở đăng ký kinh doanh lưu trú đi kèm; 23 cơ sở chưa đăng ký giấy phép kinh doanh…
Việc kết hợp phát triển các hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có. Trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình du lịch canh nông kiểu mẫu liên kết chuỗi giá trị từ chủ trang trại, ngân hàng, nhà khoa học và các công ty lữ hành để đổi mới, sáng tạo sản phẩm, phát triển loại hình này bền vững.
Nhiều điểm du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, đúng nghĩa một điểm du lịch canh nông. Việc phát triển du lịch canh nông còn vướng mắc do quy định của luật, nhất là Luật Đất đai. Luật Đất đai 2013 quy định, mỗi khu vực đất chỉ có một mục đích sử dụng. Nếu muốn chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang thương mại dịch vụ thì phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng, Đây chính vướng mắc lớn của các farmstay đang gặp phải, bởi hiện nay họ đang phải kinh doanh trên đất nông nghiệp là chủ yếu.
Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững nêu rõ về việc phát triển du lịch trên đất nông nghiệp.
Cụ thể, Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ NNTP-NT xác định các loại đất nông nghiệp và khu vực đất được quy hoạch cho mục đích nông nghiệp kết hợp với hoạt động du lịch…
Bộ NNPT- NT chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT-DL, triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng áng trải nghiệm, phát huy tối đa du lịch tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn. Đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua các doanh nghiệp lữ hành; hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.
Bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh cho biết: “Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch canh nông. Thực tế thời gian qua, nhiều nông trại trên địa bàn tỉnh đã thu hút một lượng du khách lớn đến tham quan, trải nghiệm. Ngành VHTT-DL đã tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với các ngành, địa phương rà soát tài nguyên du lịch có tiềm năng phát triển loại hình du lịch canh nông để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Ngoài ra, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng quy chế về đầu tư và quản lý hoạt động mô hình du lịch nông trại trên địa bàn.
Cũng theo bà Thoi, để phát triển du lịch canh nông, nông trại trên địa bàn, trước hết tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở phát huy tiềm năng tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực… các ngành, địa phương có giải pháp kêu gọi, thu hút đầu tư nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch Đắk Nông. Đi đôi với đó, nguồn nhân lực để phục vụ hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn phải được đào tạo, nâng cao chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện…