Powered by Techcity

8 Bài văn mẫu phân tích tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng

I. Tìm hiểu chung tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng

1. Tác giả Vũ Trọng Phụng

– Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939), sinh ra ở Mỹ Hào, Hưng Yên nhưng lớn lên và sinh sống tại Hà Nội.

– Cha ông là Vũ Văn Lân làm thợ điện ở Ga-ra Charles Boillot, mất sớm khi ông mới được 7 tháng tuổi. Mẹ là bà Phạm Thị Khách ở vậy tần tảo nuôi con ăn học.

– Sau khi học hết tiểu học tại trường Hàng Vôi, Vũ Trọng Phụng phải thôi học để đi làm kiếm sống vào khoảng năm 14 tuổi.

– Ông có may mắn được hưởng thụ chế độ giáo dục mới do Toàn quyền Pháp Albert Sarraut đề xướng, miễn phí hoàn toàn trong sáu năm tiểu học, và là một trong những lứa thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ

→ Nguyên nhân khiến ông luôn thần tượng nền văn hóa Pháp và là lớp nhà văn tích cực truyền bá văn học chữ Quốc Ngữ.

– Sau hai năm làm ở các sở tư như nhà hàng Gôđa, nhà in IDEO (Viễn Đông), ông chuyển hẳn sang làm báo, viết văn chuyên nghiệp.

– Ông là cây bút trào phúng bậc thầy, một trong những đại biểu xuất sắc của xu hướng văn học hiện thực, thể hiện thái độ căm phẫn đối với xã hội “chó đểu”.

– Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả bốn tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê Làm đĩ đều hiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội.

– Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi tiếng. Với phóng sự đầu tay Cạm bẫy người (1933) đăng báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời.

– Năm 1934, báo Nhật Tân cho đăng Kỹ nghệ lấy Tây.

→ Với hai phóng sự đó, Vũ Đình Chí và Vũ Bằng đã cho ông là một trong hàng vài ba “nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta”.

– Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm cô, Lục sì đã góp phần tạo nên danh hiệu ông vua phóng sự của đất Bắc cho Vũ Trọng Phụng.

2. Tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia”

a. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

– Thuộc chương XV của tiểu thuyết Số đỏ.

– Tiểu thuyết Số đỏ được viết và đăng báo năm 1936, in thành sách năm 1938.

b. Thể loại và phương thức biểu đạt

– Thể loại: Tiểu thuyết

– Phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.

c. Ý nghĩa nhan đề

– Hạnh phúc: thường gợi đến những điều vui vẻ, những chuyện hỉ sự, may mắn, hoặc là tất cả những điều làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa.

– Tang gia: nghĩa là một gia đình đang có người mất, đang phải sống trong nỗi buồn đau mất mát. Hai khái niệm mang ý nghĩa đối ngược nhau dù trong bất kì hoàn cảnh nào.

→ Tuy nhiên, nhà văn Vũ Trọng Phụng lại đặt hai khái niệm ấy trên cùng một dòng, tạo nên một nhan đề nghịch lý. Cách đặt tên như vậy như nêu ra khái niệm kia là điều kiện để tạo ra khái niệm này.

⇒ Ý nghĩa của nó muốn thể hiện nội dung: Có người chết thì mới vui, có niềm vui là vì trong gia đình có người chết. Tang gia mà lại vui vẻ, hạnh phúc, vì thế, nhan đề tạo ra sự mâu thuẫn, mang lại tiếng cười thâm thúy.

d. Bố cục

– Phần 1 (từ đầu -> cho Tuyết vậy): Niềm vui và hanh phúc của các thành viên khi cụ tổ qua đời.

– Phần 2 (tiếp -> đám cứ đi): Cảnh đám ma gương mẫu

– Phần 3 (Còn lại): Cảnh hạ huyệt.

e. Giá trị nội dung

Miêu tả cái “đám cứ đi”, nhà văn muốn phơi bày, tố cáo tất cả sự giả dối, bịp bợm, vô đạo đức của xã hội thượng lưu. Từ đó nhà văn đả kích châm biếm sâu cay, thâm thuý những thói xấu xa của xã hội đương thời.

hanh-phuc-cua-mot-tang-gia.png
Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng)

f. Giá trị nghệ thuật

– Xây dựng những chi tiết mâu thuẫn trào phúng ấn tượng trong đoạn trích:

+ Cảnh đám ma được tổ chức rất đông rất to.

+ Cảnh cậu tú tân bắt mọi người phải đóng kịch để chụp hình.

+ Cảnh ông phán oặt người đi, khóc thảm thiết trên tay Xuân.

– Nghệ thuật xây dựng và phát triển các tình huống:

+ Giọng văn mỉa mai, sử dụng thủ pháp cường điệu, nói quá được sử dụng một cách linh hoạt.

+ Ngòi bút miêu tả sắc sảo: Những nét riêng của từng nhân vật trong đoạn trích.

g. Tóm tắt

Hạnh phúc của một tang gia xoay quanh câu chuyện của một người chết là cụ Cố Hồng, từ khi cụ ngấp ngoái chết đến khi chết thật. Chuyện nhặng xị bắt đầu cũng xảy ra từ khi ông cụ mất và câu chuyện cũng chỉ có ý nghĩa từ giây phút này. Đó là một đám tang linh đình và to lớn, ai cũng sung sướng và phô trương. Vợ chồng Văn Minh hạnh phúc vì gia tài của mình không còn trên lý thuyết nữa. Tuýp và tiệm may âu hóa được dịp lăng xê những mốt tang táo bạo nhất. Cô Tuyết được dịp mặc y phục Ngây thơ để chứng tỏ mình còn trinh tiết. Cậu Tú Tân được sử dụng cái máy ảnh đã lâu không còn dịp dùng đến. Ông Phán sung sướng vì không ngờ rằng cái sừng trên đầu của mình lại có giá trị. Và từ đó có một đám tang kỳ lạ: niềm vui là thật còn nỗi buồn là giả. Qua đoạn trích, tác giả đã phơi bày những trò nhố nhăng, phi đạo đức lẫn truyền thống của những kẻ sống núp dưới gót giầy thực dân xâm lược, là bức tranh toàn cảnh của xã hội đương thời đầy thối nát lúc ấy.

II. Dàn ý phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

A. Mở bài

Vũ Trọng Phụng là một nhà văn nổi tiếng, xuất sắc trong nền văn học của Việt Nam. Đa số các tác phẩm của ông nói về các mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống hay phê phán những lối sống lệch lạc của con người. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông đó là Số đỏ, trong chương trình học phổ thông chúng ta được học một đoạn trích mang tên Hạnh phúc một tang gia. Đoạn trích phê phán lối sống lệch lạc và đua đòi của một gia đình, chúng ta cùng đi tìm hiểu đoạn trích.

B. Thân bài

1. Giá trị nội dung

a. Ý nghĩa nhan đề

– “Tang gia”: nhà có đám, đáng ra với hoàn cảnh đó, không khí phải tràn ngập nhiều buồn tiếc

– “Hạnh phúc”: Cảm xúc khi gặp chuyện nhiều niềm vui, đây là cảm xúc đối lập hẳn với hoàn cảnh “tang gia”

⇒ Nhan đề chứa đựng mâu thuẫn trào phúng hàm chứa tiếng cười chua chát, kích thích trí tò mò của người đọc

b. Những niềm vui khác nhau khi cụ cố Tổ mất

* Niềm vui chung cho cả gia đình

– Gia đình tràn ngập niềm vui bởi cụ cố tổ chết cũng là lúc cái chúc thư đi vào thời kì thực hành chứ không còn lí thuyết viễn vông nữa.

⇒ Một gia đình bất hiếu

* Niềm vui của những thành viên trong gia đình

– Cố Hồng (Con trai cả):

+ Vui vì được diễn trò già yếu trước mọi người

+ Mơ màng nghĩ mình được mặc áo xô gai, lụ khụ ho khạc mếu máo để người ta nghĩ “úi kìa con giai nhớn đã già thế kia kìa”.

⇒ Con người háo danh bề ngoài, không hề tiếc thương gì trước cái chết của chính người sinh ra mình.

– Ông Văn Minh: thích thú vì cái chúc thư kia đã đi vào thời kì thực hành chứ không còn trên lý thuyết viễn vông nữa.

⇒ Người cháu bất hiếu, đầy dã tâm.

– Bà Văn Minh: mừng rỡ vì được lăng xê những mốt y phục táo tạo nhất.

⇒ Người cháu thực dụng, thiếu tình người.

– Cô Tuyết: Được dịp mặc y phục “ngây thơ” để chứng tỏ mình hãy còn trinh tiết nhưng đau khổ như kim châm vào lòng khi không thấy Xuân tóc đỏ đâu với khuôn mặt “buồn lãng mạn”.

⇒ Người con gái hư hỏng, lẳng lơ.

– Cậu Tú Tân: sướng điên người lên vì được dịp sử dụng cái máy ảnh đã lâu không có dịp dùng đến

⇒ Con người vô tâm, kém hiểu biết.

– Ông Phán: Sung sướng vì không ngờ rằng cái sừng trên đầu mình lại có giá trị.

⇒ Chỉ coi trọng và vui mừng vì mình được thêm một khoản, không có nhân cách, vô liêm sĩ.

– Xuân tóc đỏ: Hạnh phúc đặc biệt vì nhờ hắn mà cụ Tổ chết, danh giá uy tín lại càng to hơn.

– Niềm vui của những người ngoài gia đình:

+ Cảnh sát Min Đơ và Min Toa: “giữa lúc không có ai đáng bị phạt… đương buồn rầu… thì sung sướng cực điểm”.

+ Bạn bè cụ cố Hồng: những kẻ vừa háo danh, vừa háo sắc, họ chia buồn để khoe khoang các loại râu ria cùng những huân huy chương

+ Hàng phố: đám ma đi đến đâu huyên náo đến đấy, cả phố nhốn nháo khoe đám ma to, thiên hạ chỉ chú ý vào những kiểu quần áo tang.

⇒ Bức tranh trào phúng chân thực mang đậm tính hài hước

c. Cảnh đám ma gương mẫu

– Tả bao quát đám ma khi đang đi trên đường:

+ Chậm chạp, nhốn nháo như hội rước.

+ Kết hợp ta, Tàu Tây để khoe giàu một cách hợm hĩnh.

– Tả cận cảnh: Người đi dự: giả dối, bàn đủ thứ chuyện.

– Cảnh hạ huyệt:

– Mở đầu: cậu tú Tân thì dàn dựng việc chụp hình một cách giả dối và vô văn hóa.

– Tiếp theo: Ông Phán thì diễn việc làm ăn với Xuân: “Xuân Tóc Đỏ… gấp tư”

⇒ Đó là một màn hài kịch thể hiện sự lố lăng, đồi bại, bất hiếu, bất nghĩa của xã hội thượng lưu trước 1945.

2. Giá trị nghệ thuật

– Xây dựng tình huống độc đáo

– Phát hiện những chi tiết đối lập gây gắt cùng tồn tại trong một con người, sự vật, sự việc

– Thủ pháp cường điệu, nói ngược, nói mỉa,… được sử dụng một cách linh hoạt.

– Miêu tả biến hóa, linh hoạt và sắc sảo đến từng chi tiết, nói trúng nét riêng của từng nhân vật.

– Bút pháp trào phúng

C. Kết bài

Có thể nói một trong những nét đặc sắc về nghệ thuật của chương sách là sự thể hiện đám đông ồn ào, láo nháo, lố lăng, nhặng xị. Dường như có khi ý thức vận dụng kỹ thuật điện ảnh, tác giả lùi ra thật xa. Mâu thuẫn tự trào được phóng đại lên đã diễn tả được xung quanh “hạnh phúc” của tang gia mà mỗi thành viên lại có hạnh phúc riêng, mỗi nhân vật lại có một mâu thuẫn trào phúng.

III. Viết đoạn văn ngắn phân tích đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” của Vũ Trọng Phụng

1. Cảnh đám ma gương mẫu qua ngòi bút châm biếm của tác giả

Bằng nghệ thuật châm biếm sắc sảo, qua những chi tiết chọn lọc, hình ảnh đám tang lộ rõ sự đua đòi của lối sống văn minh rởm đời. Đám ma được dựng lên hết sức to tát, long trọng có thể nói ở Hà Thành trước đây chưa từng có. Một đám ma được tiến hành theo cả lối Ta, lối Tàu, lối Tây… có đầy đủ những: lớp người thượng lưu ăn mặc đẹp đẽ, sang trọng.

Thực chất núp sau sự to tát, danh giá, long trọng ấy là những sự phô trương giả dối, sự rởm đời lố lăng, thể hiện tâm lí háo danh, háo thắng.. của một lớp người trong xã hội thượng lưu lúc bấy giờ. Điều này được thể hiện qua những chi tiết đưa tang thật hổ lốn đến buồn cười; khiến tác giả phải đưa ra một câu văn nhận xét thể hiện sự trào lộng, mỉa mai đến cực độ: thật là một đám ma to tát có thể làm cho người nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…!

Ngoài các yếu tố gây mâu thuẫn để thể hiện chất trào phúng, tác giả còn sử dụng biện pháp phóng đại. Nhân vật được phóng đại với những hình dáng thật lố bịch, dị hợm. Chân dung của bọn người mang danh thượng lưu, văn minh được khắc họa mỗi người một nét, tất cả đều hiện hình thật sống động, nhốn nháo: những ông bạn của cụ cố Hồng – đại diện cho những vị tai to mặt lớn của xã hội thượng lưu dự tang để được khoe huân chương, khoe râu… và thật lố bịch, vô liêm sỉ biết bao khi cứ nhìn chằm chằm vào làn da trắng thập thò sau làn áo voan mỏng trên cánh tay và ngực của cô Tuyết; hàng trăm nam thanh nữ tú ăn mặc mô đen, hợp thời đang cố ý tỏ ra buồn rầu nhưng chỉ ít phút sau lại nghe thấy họ cười tỉnh với nhau, hẹn hò, nói chuyện ghen tuông, bình luận về những câu chuyện nhảm nhí… Tất cả đều biểu lộ mọi góc cạnh của cái tính vô văn hóa, vô đạo đức của bọn người cặn bã trong xã hội tư sản thành thị lúc bấy giờ.

2. Hãy trình bày đối tượng đả kích và thế giới nhân vật trong số đỏ của Vũ Trọng Phụng

Bằng ngòi bút trào phúng bậc thầy, Vũ Trọng Phụng đã lên án gay gắt cái xã hội tư bản thành thị đang đua đòi lối sống văn minh rởm, hết sức lố lăng đồi bại đương thời. Ông đả kích cay độc đương thời. Ông đả kích cay độc, đích đáng phong trào “Âu hóa”, “thể thao”, “giải phóng nữ quyền” đang rầm rộ lúc ấy. Những phong trào này nhân danh văn minh tiến bộ nhưng thực chất là giả dối, bịp bợm và nằm trong âm mưu bọn thực dân, dẫn mọi người đến lối sống hư hỏng, phi nhân bản và chà đạp lên đạo đức truyền thông.

Thế giới nhân vật của “Số đỏ” đông đảo, đa dạng: từ mụ mẹ Tây đĩ thõa dơ dáng đến cô gái mới lãng mạn, hư hỏng một cách có lí luận, từ ông chủ hiệu may là “cách mạng” bằng những mốt y phục lố lăng, khiêu dâm đến những chủ khách sạn kiêm vua thuốc lậu, từ bọn lang băm đến giới cảnh sát chỉ chăm chăm rình phạt, từ nhà sư hổ mang cổ động “chấn hưng Phật giáo” đến đại diện hội Khai trí tiến đức vốn cao đạo nhưng vẫn “gá tổ tôm một cách bình dân” để kiếm lời!… Bức tranh biếm họa này không từ các nhân vật chóp bu – tất nhiên tác giả phải dè dặt – như toàn quyền, thông sứ, vua ta, vua Xiêm.

Với nghệ thuật viết già dặn, bút pháp châm biếm đặc biệt sắc sảo, “Số đỏ” là một trong những thành tựu xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại.

IV. Danh sách đề thi phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng)

1. Có ý kiến cho rằng Số đỏ của Vũ Trọng Phụng như một tấn trò đời của xã hội Việt Nam thời kì thực dân nửa phong kiến thối nát. Hãy phân tích chương XV Hạnh phúc của một tang gia (Số đỏ) để làm sáng tỏ nhận định trên

Đất nước hôm nay tươi đẹp, phát triển thay đổi từng giờ, song ta vẫn không thể quên một thời kì đen tối nhất trong lịch sử nước nhà. Thời kì dân tộc ta chìm trong bóng tối chế độ thực dân nửa phong kiến, vô số kẻ khoác lên như “tấm áo” giả dối, lố lăng, đồi bại cùng nhau tạo nên một bức tranh ghép của xã hội thối nát. Với ngòi bút trào phúng bậc thầy, Vũ Trọng Phụng đã đả kích sâu cay cái xã hội tư sản thành thị chạy theo lối sông nhố nhăng, bịp bợm đương thời qua “Số đỏ”. Có ý kiến cho rằng “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng là một “tấn trò đời” của xã hội Việt Nam thời kì thực dân nửa phong kiến. Quả vậy, xã hội được phản ánh và quy mô và thi pháp trong “Số đỏ” tuy chưa thể ngang tầm với “Tấn trò đời” (Balzac) nhưng mức độ phản ánh hiện thực và ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm với cộng đồng cũng không hề thua kém.

Honores de Balzac – được xưng tụng như một “bậc thầy của chữ nghĩa hiện thực” Engles) đã để lại một công trình văn học đồ sộ: bộ “Tấn trò đời” với 97 tiểu thuyết được sáng tác từ 1829 đến 1850. Tuy chưa được hoàn thành, “Tấn trò đời” vẫn là một bức tranh hiện thực rộng lớn, mô tả những mâu thuẫn gay gắt trong xã hội tư sản Pháp nửa đầu thế kỉ 19. Balzac gọi những cuốn tiểu thuyết của ông là những “bi hài kịch”. Và đây cũng chính là điểm chung khiến ta liên hệ “Số đỏ” của văn xuôi Việt Nam với “Tấn trò đời” của nền văn học cổ điển Pháp.

“Số đỏ” (1936) là tác phẩm tiêu biểu nhất của Vũ Trọng Phụng và vào loại xuất sắc nhất của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Dùng tiếng cười làm vũ khí, “Số đỏ” đã vạch trần thực chất thối nát của các phong trào “Âu hóa”, “thể thao” được bọn thống trị khuyến khích, phát triển rầm rộ cuối những năm 30. Với một loạt những chân dung biếm họa phong phú, “Số đỏ” giúp ta hình dung cái xã hội thành thị nhố nhăng, đồi bại thời trước. “Hạnh phúc của một tang gia” – một chương tiêu biểu trong “Số đỏ” thông qua cái chết và đám tang của cụ cố tổ, tác giả đã dựng lên một màn hài kịch, nêu bật nhiều mâu thuẫn hài hước dù các cung bậc. Xuyên suốt chương truyện là một bút pháp trào phúng độc đáo trong việc thể hiện niềm vui sướng hả hê của những thành viên trong đại gia đình cụ cố Hồng trước cái chết cụ cố tổ và những kẻ đưa đám ma như trẩy hội.

Trong “Lão Hạc”, Nam Cao viết: “Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương”. Nếu Nam Cao đến với số phận con người bằng một tấm lòng nhân đạo, nâng đỡ con người khiến chính người đọc cũng ngậm ngùi bên từng trang viết, thì Vũ Trọng Phụng lột trần cái “hạnh phúc” đáng khinh bỉ”, lũ con cháu bất hiếu, lố lăng đã khô héo cả những tình cảm máu mủ thiêng liêng nhất.

“Hạnh phúc của một tang gia”, nhan đề này thực sự mới lạ, giật gân khiến người đọc phải chú ý. Tuy nhiên, đây không phải là một sự giật gân dễ dãi, vô lý mà đã phản ánh đúng cái sự thật mỉa mai: con cháu của đại gia đình này thật sự sung sướng, thậm chí “hạnh phúc” khi cụ tổ chết một cái chết được mong đợi từ lâu. Chúng phấn khởi, những niềm phấn khởi muôn màu, muôn vẻ. Ta không khỏi cười thầm khi “cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm..”, nhưng đó nào có là niềm vui sướng thầm kín, “người ta tưng bừng, vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma…”. Đấy chỉ mới là niềm vui chung mà thôi. Vũ Trọng Phụng đã cố tìm mà hiểu cái đại gia đình này qua từng con người. Ta thương hại cho thói hiếu danh, thích được chú ý của cụ cố Hồng, “mơ màng cho đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy…”, thương thay cho một “ước mơ” nhỏ nhoi là tự biến mình thành trò xiếc để “thiên hạ chỉ trỏ khen…”. Rồi ông phán mọc sừng cảm thấy hạnh phúc vì được thêm một số tiền, ông Văn Minh “thích thú vì cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành”, cậu Tú Tân “sướng điên người vì có dịp thi thố tài năng chụp ảnh. Vũ Trọng Phụng đã xây dựng nên một màn kịch từ những “mơ ước” thầm kín đến niềm vui sướng dâng trào, toàn cảnh “tang gia” tuyệt nhiên không gợn một chút thương tiếc nào. Phũ phàng hơn “bầy con cháu chỉ nóng ruột đem chôn cho chóng cái xác chết của cụ tổ, ông Văn Minh “thầm biết ơn Xuân Tóc Đỏ vì tình cờ gây ra cái chết kia của cụ già”.

Balzac từng miêu tả cái chết trong nghèo nàn về cả vật chất lẫn tinh thần của lão Gôriô một cách mỉa mai. Song, dù sao chăng nửa “những nghĩa vụ cuối cùng” ấy cũng được thực hiện tận tình bởi hai người thanh niên xa lạ. Có thề nói đám ma của cụ cố tổ trong “Số đỏ” hoàn toàn tương phản với những gam màu buồn trong “Nghĩa vụ cuối cùng” (Lão Gôriô). Nghệ thuật châm biếm sắc sảo, Vũ Trong Phụng đã sử dụng những chi tiết chọn lọc nhằm khắc họa thật sắc nét hình ảnh của đám tang lộ rõ lối đua đòi, “văn minh rởm”. Ta không thể nhận ra liệu đây là đám ma hay đám rước bởi cái hổ lốn, tạp nhạp “Ta, Tàu, Tây…”, “lợn quay”, “vòng hoa”, “câu đối”. Bọn con cháu thì không còn lời gì để tả, Tuyết “mặc bộ… Ngây thơ, hở cả nách, nửa vú…” với khuôn mặt mang “một nét buồn lãng mạn rất đúng mốt”. Cậu Tú Tân thì hào húng “chỉ huy chụp ảnh… như ở hội chợ” những gì gọi là to tát, long trọng, danh giá của cái đám ma ấy chỉ là sự phô trương giả dối, sự rởm đời lố lăng, thể hiện tâm lý háo danh đến kì quặc qua những hình thức nghi lễ đưa tang hổ lốn hết sức buồn cười. Tác giả đã hạ một câu văn mỉa mai cực độ “thật là một đám ma­ có thể làm cho người chết trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng nếu không gật gù cái đầu”.

Không chỉ sử dụng các yếu tố mâu thuẫn từ những cái bình thường, thậm chí tầm thường để trào phúng: Vũ Trọng Phụng còn xây dựng nên vô số những nhân vật phụ làm nền cho bức tranh biếm họa ít nhiều có nguồn gốc từ chính hiện thực, những nguyên hình trong xã hội dâm loạn, giả dối đương thời. Từ những ông bạn thân của cụ cố Hồng… đeo đầy những huân chương… đến “giai thanh gái lịch” đất Hà thành đang Âu hóa “chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau…” đã biểu lộ mọi góc cảnh của cái tính vô văn hóa, vô đạo đức của bọn người cặn bã mang những chiếc mặt nạ bịp bợm. Những hành động của ông Phán mọc sừng đối với Xuân Tóc Đỏ ở cuối đoạn trích là những chi tiết trào phúng đặc biệt chua chát góp phần không nhỏ tô đậm sự lố lăng, vô đạo đức của xã hội thượng lưu thời đó. “Ông Phán cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi” nhưng vẫn không quên bí mật “dúi vào tay Xuân một tờ giấy bạc gấp tư”. Những nhà trí thức chân chính của Việt Nam, không ít người dã từng du học Pháp, nhưng họ đã đau vì nỗi đau nô lệ, họ từng đau vì lòng tự ái dân tộc bị tổn thương dưới gót giày xâm lược của quân viễn chinh Pháp và họ bỏ hết những tiện nghi và lợi ích cá nhân để vào chiến khu “theo chân Bác”. Ta hãy nghe một đoạn nhật kí của Giáo sư Hồ Đắc Di người thầy của Bác sĩ nổi tiếng – Tôn Thất Tùng) “Ai đã từng sống kiếp đọa đày trong đêm trường nô lệ; hay chí ít đã trải qua những nhọc nhằn, day dứt lương tâm, nhân phẩm, ắt sẽ lao theo cơn lốc cách mạng, một khi ánh sáng của nó soi rọi tâm hồn”. Trí thức chân chính Việt Nam cùng nhân dân lao động làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám, quét sạch những trò ma mãnh, lọc lừa của thứ văn minh giả dối, bịp bợm và tình trạng số đỏ của xã hội Việt Nam không còn chỗ đúng trong “cơn lốc cách mạng”.

Từ cách đặt nhan đề chương truyện, đặt tên nhân vặt, đồ vật, cách so sánh, cách dùng hình ảnh, đến cách đặt câu, cách tạo giọng điệu… đều thể hiện đậm nét chất trào phúng, châm biếm, mang lại hiệu quả nghệ thuật đáng kể. Sau cái hài buồn cười ấy là cả một bi kịch đáng “cười buồn”, đó chính là bi kịch của cả xã hội khi mà đạo đức con người xuống cấp, nhân cách băng hoại: sau tiếng cười ta thấm thìa xót xa cho xã hội Việt Nam thời ấy. “Số đỏ” thực sự xứng đáng là một ‘Tấn trò đời” của xã hội Việt Nam thời kì thực dân nửa phong kiến thối nát. Đọc Số đỏ nói chung, và chỉ cần một chương XV “Hạnh phức của một tang gia”, ta cùng đã bật cười và rồi xót xa muốn khóc cho những giá trị truyền thống cao đẹp nhất của dân tộc ta đã bị chà đạp đến tan nát làm não lòng tâm hồn Việt. Vũ Trọng Phụng đã đưa chúng ta vào chứng kiến một thế giới “phi nhân loại” mà thế lực đồng tiền và thực dân đã trình làng bằng khẩu hiệu ngụy trang “văn minh – khai hóa”.

Trước đó không lâu. Trần Tế Xương cũng từng khóc – cười cho xã hội truyền thống Việt Nam điên đảo qua bài thơ “Mồng hai tết viếng cô Kí”. Sau đó, Vũ Trọng Phụng ghi lại như một trang phóng sự. chính xác và sinh động đến không ngờ bằng ngòi bút như chảy máu từ một trái tim thắm nồng tình yêu dân tộc. Thông điệp từ từng trang “Số đỏ” ngày trước nhắc nhở mỗi chúng ta hôm nay một ý thức trách nhiệm với đất nước. Để tình trạng “Số đỏ” sẽ mãi chỉ là “phút lỡ nhịp ngang cung” trong toàn bộ trang sử hào hùng của một dân tộc tự cường và giàu lòng tự trọng.

2. Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Một trong số những tác phẩm văn học tiêu biểu cho xu hướng hiện thực đã phê phán kịch liệt cái xã hội tư sản thành thị trước Cách mạng tháng Tám 1945 là tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng. Với lốì văn châm biếm sắc sảo các chương trong “Số đỏ” đều là những màn hài kịch đầy thú vị, đặc biệt là chương XV “hạnh phúc của một tang gia”.

Trước hết ta hãy quan sát xem những người trong tang quyến của cái gia đình danh giá và đám tang có một không hai ấy xem họ đang nghĩ gì, làm gì trước sự kiện mà bấy lâu họ mong chờ. Điều đầu tiên mà ta cảm nhận được là “ Tang gia có hạnh phúc”. Mâu thuẫn và nực cười phải không? Bởi lẽ, thông thường tang gia nào cũng buồn rầu, đau đớn trước cái chết của người thân. Trái lại mỗi người trong gia đình cụ cố Hồng đều vui mừng, cảm thấy có hạnh phúc khi cụ cố tổ vừa mất. Thử xem từng người vui ra sao nhé. Ông phán mọc sừng thấy hạnh phúc vì được thêm số tiền là vài nghìn đồng bù khoản bị vợ cắm sừng . Người con trai cả – Cụ cố Hồng nhắm mắt mơ màng đến cái lúc cụ mặc áo gai, lụ khụ chống gậy… để thiên hạ đều chi trỏ khen một cái đám ma như thê, một cái gậy như thế… Ông Văn Minh thì lại thích thú vì cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viễn vông nữa. Còn cậu Tú Tân sướng điên người vì có dịp thi thố tài chụp ảnh. Bà Văn Minh nôn nao chờ lăng xê kiểu đồ tang tân thời của hiệu may Âu hóa, cuối cùng được như ý. Cô Tuyết dịp khoe với thiên hạ cái cơ thể còn gợi cảm qua lần áo tang mỏng để nói rằng “chưa đến nỗi đánh mất chữ trinh”. Hạnh phúc cứ thế mà tuôn ra, trào ra khó dấu diếm.

Sự hấp dẫn của đoạn trích còn ở những mâu thuẫn trào phúng cơ bản. Trước hết nó nằm ngay trong nhan đề của chương: “Hạnh phúc của một tang gia”. Mọi thành viên trong gia đình đều thấy đây là một dịp may đặc biệt để thỏa mãn ý muốn, thực hiện được ý đồ riêng tư của mình. Cho nên cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm… Bọn con cháu vô tâm ai cũng sung sướng thỏa thích… Người ta tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma, vân vân…

Tuyệt nhiên không ai tỏ ra đau buồn thương tiếc người quá cố. Thiếu vắng loại tình cảm ấy, tất cả đều trở nên vô nghĩa. Thật vậy, còn phũ phàng hơn là bầy con cháu chí hiếu chỉ nóng ruột đem chôn cho chóng cái xác chết của cụ tổ. Chính ông Văn Minh, cháu nội của người quá cố, còn thầm biết ơn Xuân Tóc Đỏ, tình cờ đã gây ra cái chết của cụ già đáng ghét.

Tiếp theo là cảnh đám tang. Đập vào mắt người ta trước tiên là sự đua đòi lối sống văn minh rởm. Với nghệ thuật châm biếm sắc sảo, qua một số chi tiết chọn lọc, hình ảnh đám tang lộ rõ sự đua đòi lối sống văn minh rởm ấy. Đó là một đám ma to tát, long trọng, theo cả lối Ta, Tầu, Tây, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng, và bu đích và vòng hoa, có đến ba trăm câu đốì, vài ba trăm người đi đưa. Lại có cậu Tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ. Đám ma ấy làm huyên náo cả thành phố bằng kèn Ta, kèn Tây, kèn Tầu lần lượt thay nhau mà rộn lên. Bằng màn trình diễn, quảng cáo đồ xô gai tân thời, cái mũ mân trắng viền đen mà nhân đó, Tuyết bèn mặc đồ Ngây thơ để cho thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh. Đám ma ấy còn làm huyên náo bằng việc có thể ban cho những ai có tang đương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời. Tuy nhiên nếu nhìn kĩ sự việc ta sẽ nhận ra ngay thực chất kì quặc, lố lăng của đám tang lạ đời đó. Những gì gọi là to tát, long trọng, danh giá của cái đám ma này chỉ là sự phô trương giả dối, sự rởm đời lố lăng, thể hiện tâm lí háo danh hết sức kì quặc, qua những hình thức nghi lễ đưa tang hổ lốn đến buồn cười. Và không thể cẩm lòng được, tác giả đã phải hạ một câu văn diễn đạt đầy đủ, trọn vẹn sự mỉa mai đến cực độ: “Thật là một đám ma to tát có thể làm người chết nằm trong quan tài cũng phải mím cười sung sướng, nếu không gật gù cúi đầu!…”

Còn một thành phần vô cùng quan trọng nữa trong đám tang, góp phần làm nên sự to tát của nó, đó là những người đưa tang. Bọn họ là ai? Hãy thử nhé. Trước tiên là những ông bạn thân của cụ cố Hồng hình như đưa đám tang để khoe huân chương, huy chương, khoe những kiểu râu hoặc dài hoặc ngắn hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn. Các vị tai to mặt lớn cùa xã hội thượng lưu đó đều cảm động (…) khi trông thấy làn da thập thò trong làn áo voan trên cánh lay và ngực Tuyết… dù họ đang sát ngay với linh cữu. Rồi đến hàng trăm giai thanh gái lịch của Hà Thành văn vật đang Âu hóa với một nửa là phụ nữ, phần nhiều tân thời, bạn của cô Tuyết, bà Văn Minh, cô Hoàng Hôn, bà Phó Đoan, vân vân… đều mang vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma. Cả đám đông đưa tang đó vừa đi vừa chim chuột, soi mói, bình luận về cơ thể phụ nữ, nói với nhau những chuyện nhảm nhí trong đời sống đồi bại thường ngày của họ, đã biểu lộ mọi góc cạnh của cái vô văn hóa vô đạo đức của bọn người cặn bã của xã hội tư sản thành thị thời ấy. Tác giả tiếp tục sử dụng các yếu tố phóng đại về dạng cách lố bịch, tạo mâu thuẫn và gây cười một cách kín đáo và để ta thấy rõ họ giống như thật, họ ở đâu đó ngoài đời. Đồng thời phơi bầy một sự thật họ là bọn người mang cái danh hão thượng lưu, văn minh là bọn cặn bã của xã hội tư sản thành thị.

Còn tác giả – kẻ làm phúc cho tang gia khi đã tạo ra cái chết mà con cháu đang trông chờ từng giây phút Xuân Tóc Đỏ? Xuất hiện giữa đám tang đang di chuyển, đã làm cho cảnh đưa đám thêm lố lăng. Hắn bộc lộ tính tinh quái, láu lỉnh bên cạnh tính đểu cáng và dâm đãng vốn có. Hắn biết tự quảng cáo đúng chỗ, xuất hiện đúng lúc, đáp ứng đúng ý thích của những người mà hắn cần lấy lòng như Tuyết, như cụ bà. Đến cảnh ông Phán dúi tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư, Xuân Tóc Đỏ vội nắm tay cho khỏi có người nom thấy trở thành đỉnh điểm của màn hài kịch đưa tang này. Sự giả dối, bịp bợm ở đây thật vô sỉ đến ghê tởm.

Bằng ngòi bút trào phúng bậc thầy, Vũ Trọng Phụng đã vạch mặt bọn trưởng giả chạy theo đồng tiền, đua đòi lối sống văn minh rởm, bịp bợm, dâm đãng, đồi bại thời đó qua chương “Hạnh phúc của một tang gia”. Vũ Trọng Phụng xứng đáng là một nhà văn hiện thực hàng đầu trong nền văn xuôi trước Cách mạng tháng Tám 1945.

3. Nhân vật Xuân Tóc Đỏ trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng – Ngữ Văn 11

Nhắc đến Nam Cao người ta nhớ ngay đến Chí Phèo. Nhắc đến Ngô Tất Tố người ta không thể nào quên Chị Dậu. Còn Vũ Trọng Phụng lại ghi dấu trong lòng người đọc với Xuân Tóc Đỏ – Nhân vật chính trong tiểu thuyết Số đỏ, một kẻ cơ hội bò dần vào giới thượng lưu bằng nhiều mánh khóe mà bất cứ một con người bình thường nào cũng không nghĩ ra được. Có thể nói Xuân Tóc Đỏ làm nên thành công cho số đỏ.

Cái tên Xuân Tóc Đỏ gắn liền với nguồn gốc xuất thân và quãng đời chẳng lấy gì làm đẹp đẽ của hắn. Sinh ra thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Xuân đi ở cho nhà bác họ, nhưng mới chín, mười tuổi, Xuân đã có hành động bỉ ổi, bị bác đánh và đuổi đi. Không nhà, không cửa, không người thân thích, hắn sống lang thang bằng đủ mọi nghề của một kẻ ma cà bông: Thằng Xuân lấy đầu hè xó chợ làm nhà, lây sấu ở các phố, lấy cá ở Hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó bán phá xa, bán nhật trình, chạy cờ rạp hát… Cảnh ngộ đó tạo cho nó lên một đứa hoàn toàn vô giáo dục, tuy nó tinh quái lắm, thạo đời lăm. Thế nhưng, trong cái xã hội thực dân tư sản thời Vũ Trọng Phụng với đông đúc những me Tây, nhà giàu hãnh tiến, gái tân mất nết… Xuân Tóc Đỏ gặp số đỏ đến lạ kì.

Khởi đầu chuỗi ngày dài may mắn của đời Xuân Tóc Đỏ bắt nguồn từ một hành động chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Hắn dòm trộm một cô đầm thay váy và bị bắt quả tang. Người ta nhốt hắn vắo bót lồi xềnh xệch ra sân mà tát, mà sỉ vả. Nhưng số đỏ đã mỉm cười với hắn. Nhờ hành động dòm trộm ấy, Xuân Tóc Đỏ đã lọt vào mắt xanh của bà Phó Đoan – một me Tây góa chồng dâm đãng. Bà Phó Đoan bỏ tiền nộp phạt cho cảnh sát, bảo lãnh cho Xuân ra tù với mục đích biến hắn thành công cụ thỏa mãn thói dâm ô của bà. Ngày đầu đến nhà bà Phó Đoan, bước chân đầu tiên vào xã hội thượng lưu, Xuân Tóc Đỏ có chút ngờ nghệch, nhưng Xuân nhanh chóng thích nghi, nhập vào xã hội đó để tiến thân.

Xuân sau khi được bà Phó Đoan cứu khỏi cảnh tù tội, được bà giới thiệu với tiệm may Âu hóa của vợ chồng Văn Minh – một thành viên của xã hội thượng lưu. Bước vào đây, Xuân đã gặp được nhiều sự may mắn ngẫu nhiên. Hắn bập bõm học những mốt y phục: Ngây thơ, Lời hứa, Chờ một phút… rồi nhờ vào cái tài lẻo mép của hắn, hắn được những kẻ thượng lưu dốt nát đánh giá rất cao Xuân bắt đầu tham dự vào cải cách xã hội, hắn thực sự đi vào cái thế giới giàu sang, điều mà trước đó, Xuân Tóc Đỏ mơ cũng không thấy nổi.

Lúc đầu do đột ngột bị ném vào cái xã hội thượng lưu, quá xa lạ với môi trường sống quen thuộc, Xuân hoàn toàn bị động trước cái số đỏ của mình nên hoặc không khai thác được, hoặc bỏ lỡ dịp may bày sẵn như lần đầu đến nhà bà Phó Đoan. Rồi sau đó, Xuân vốn tinh quái và thạo đời, Xuân nhanh chóng hiểu ra rằng cái xã hội sang trọng mà hắn lọt vào được cũng như cái xã hội lem luốc của hắn bề ngoài tuy khác nhau nhưng cùng chung một bản chất, dâm ô, đểu cáng, hám danh, bịp bợp. Và khi đã hiểu Xuân quyết định dành cho mình một vị trí trong xã hội đó. Hắn đã thực sự thành công.

Ở tiệm may Âu hóa vài ngày, Xuân đã được mụ Phó Đoan khen là được việc ở đâu vui vẻ đây, thịnh vượng đấy. Văn Minh vợ cũng khen hết lời: Hắn thông minh lắm! Mới vào đây có vài ngày mà khách khứa xem ý ai cũng mến. Còn Văn Minh chồng thì ôn tồn nhận xét “được cái hắn cũng mồm mép nhanh nhẩu”. Các bà, các cô thì thích hắn vì hắn khéo nịnh, khéo hót, có người khen Xuân là phong nhã, hiểu biết nhiều. Nhưng Xuân thực chất là một tên láu cá, xảo quyệt. Hắn dĩ sử dụng tất cả những gì thu lượm được trong cõi đời lăn lóc dưới đáy xã hội đế tiến thân. Đó là một sự trào phúng đặc sắc của nhà văn. Với Xuân, hắn chỉ có tính thông minh, kiểu con vẹt và triết lí của một cái đầu rỗng tuếch!

Xuân, tên ma cà bông ngày xưa chuyên thổi loa quảng cáo thuốc lậu ngày nào, nhờ thế đã thuộc lòng được mớ kiến thức bập bõm, lộn xộn bỗng trở thành sinh viên trường thuốc, đốc tờ Xuân. Ngồi hóng chuyện giữa cụ cố Hồng, bà Phó Đoan, vợ chồng Văn Minh về bệnh tình của cụ tổ, hắn đem những điều này góp ý vào. Ngay sau đó, hắn thành sinh viên trường thuốc qua sự bịp bợm cửa Văn Minh đang tìm một thầy thuốc rởm để cụ tổ chết đi. Trước sự “thông thạo” về y lí của Xuân, cả bà Phó Đoan và vợ chồng Văn Minh đều kinh hoàng, không hiểu duyên cớ vì đâu, cụ cố Hồng kính cẩn hỏi Xuân: Bẩm ngài ngài làm gì mà giỏi về y lí như vậy ạ?

Xuân đã bước lên những bậc thang của danh vọng, sự ngu độn của nó được người ta cho là nhũn nhặn, khiêm tốn. Bà Phó Đoan xem nó là người có học thức . Ổng Phán Mọc Sừng cũng cho Xuân là người đứng đắn. Nhờ tài bẻm mép của Xuân mà cửa hàng Âu hóa của vợ chồng Văn Minh phát đạt, nhờ tài chữa bệnh bằng thuốc Thánh đền Bia (thực ra là nước ao và rau dại) mà cụ tổ khỏi bệnh, Uy tín của Xuân được nâng cao, được mọi người tâng bốc. Lúc đầu, Xuân chỉ là công cụ của bọn lừa bịp, sau đó, Xuân trở thành kẻ đi lừa đi bịp. Những ngôn ngữ của kẻ vô học: nước mẹ gì, mẹ kiếp… được bọn kia tôn sùng. Xuân Tóc Đỏ ngày càng lên tầm cao danh vọng, hắn kiêu ngạo, mọi người trở nên sợ hắn và lấy lòng hắn. Hắn được cô Tuyết – con gái cụ cố Hồng mang tiếng là hư hỏng với hắn mê như điếu đổ. Hắn gây ra cái chết của cụ tổ – cái chết mà lũ con cháu mong ngày mong đêm khi tố cáo tội ngoại tình của con gái cụ. Sự có mặt của Xuân trong lễ lang mà là danh giá và vinh dự cho đại gia đình con cháu bất hiếu này lắm lắm!

Tiểu thuyết Số đỏ kết thúc khi Xuân đã leo lên nấc thang cuối cùng của danh vọng Xuân – vĩ nhân; anh hùng cứu quốc đang diễn thuyết trước đông đảo quần chúng, gọi quần chúng là mi. Bằng hành động bịp bợm của nước Xiêm để tránh họa chiến tranh. Trong cái xã hội tư sản nhố nhăng đó, kẻ vô học như Xuân được biểu dương, tán tụng đến không ngờ.

Xây dựng nhân vật điển hình Xuân Tóc Đỏ, Vũ Trọng Phụng đã thể hiện một tài năng trào phúng bậc thầy. Có thể xem mỗi chương trong số đỏ là một màm kịch mà các xung đột diễn ra đầy kịch tính. Trong xã hội đó, kẻ vô học đào luyện trong nền văn hóa vỉa hè trở thành anh hùng cứu quốc, vĩ nhân, quả là sự châm biếm sâu cay. Qua nhân vật này, tác giả thể hiện sự tố cáo mạnh mẽ đối với xã hội đương thời – xã hội tư sản đầy rẫy thói dâm ô, bịp bợm vô liêm sỉ mà Xuân Tóc Đỏ là một điển hình.

Hình tượng nhân vật Xuân Tóc Đỏ là một sáng tạo độc đáo của Vũ Trọng Phụng. Giữa những nhân vật về người nông dân quen thuộc như: Chị Dậu, Chí Phèo… những tên địa chủ như: Bá Kiến, Nghị Quế,… Xuân Tóc Đỏ quả là độc nhất vô nhị trong văn học hiện thực trào phúng trước Cách mạng tháng Tám.

4. Nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (Trích số đỏ) – Ngữ Văn 11

Nhắc đến Vũ Trọng Phụng, người ta không chỉ nhớ đến một “ông vua phóng sự đất Bắc” mà còn nhớ đến một cây bút trào phúng độc đáo. Ông còn có tài sở trường xây dựng kiểu nhân vật đám đông. Sự kết hợp tài tình giữa chất trào phúng và sở trường xây dựng nhân vật kiểu đám đông này đã đem đến cho ta một tác phẩm được coi là kiệt tác của văn xuôi Việt Nam trước 1945. Mỗi chương trong tác phẩm là một màn hài kịch và chương XV với tên gọi Hạnh phúc của một tang gia là một màn tiêu biểu.

Chất trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia tạo bởi sự phát huy hiệu quả của hàng loạt các yếu tố trào phúng: mâu thuẫn trào phúng, những chân dung trào phúng. Những lời văn, giọng điệu trào phúng. Không có chỉ tiết nào không hướng tới mục đích bóc trần sự lố lăng trong tang gia tràn trề hạnh phúc này.

Để dàn dựng màn hài kịch, nhà văn trước hết đã phát hiện ra mâu thuẫn trào phúng. Mâu thuẫn trào phúng trong chương truyện này được gợi ra trước hết là cái tên của nó: Hạnh phúc của một tang gia. Tang gia và hạnh phúc là cặp từ ngữ đối nhau. Nói đến tang gia là nói đến một gia đình vừa có người thân mất. Theo quy luật tâm lí thông thường hẳn tang gia phải bao trùm cái không khí khi đau, sầu thương não nề bởi mỗi khi một ngọn nến đời tắt đi là để lại bao đau thương cho người sống. Vậy mà trong tang gia của một gia đình được xem là danh giá nhất Hà thành, trước cái chết của một người ông, người cha (cụ tổ) chẳng đứa con nào của cụ sầu não, tiếc thương cả. Trái lại, cái chết ấy như đã đem đến một nguồn hạnh phúc to lớn không nén nổi cứ tuôn ra, trào ra.

Tang gia và hạnh phúc. Đó là chuyện lạ đời nhưng lại có thật. Vì sao cái chết của cụ tổ lại là hạnh phúc của cái tang gia đại bất hiếu này? Ấy là vì cụ tổ có một gia tài kếch xù. Bao ngày lũ con cháu hau háu trông đợi phần mình, cụ cố Hồng chưa có dịp tỏ ra sự rộng rãi và biết điều của mình đối với bầy con trai con gái, dâu, rể…. Họ từng muốn giết cụ bằng bài thuốc Thánh nhưng cụ vẫn chưa chịu chết. Bây giờ mơ ước trở thành sự thực lẽ nào họ không vui. Đúng như Vũ Trọng Phụng nhận xét: Tang gia ấy ai ai cũng vui vẻ cả hoặc cái chết làm cho nhiều người sung sướng lắm.

Mâu thuẫn trào phúng không chỉ thể hiện ở tâm trạng mong cụ tổ chóng chết hay ở không khí chuẩn bị tang lễ mà còn thể hiện rõ nét ở hình thức tổ chức : đám tang. Có thể nói âm điệu bi thương lẽ ra phải có ở một đám tang đã bị thay thế bằng âm điệu náo nức phấn khởi. Nhà văn đã nêu lên một giả định có ý châm biếm chua chát: Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu. Quả là ở thời buổi nhố nhăng này người ta đã quen sống trong sự lừa dối, rất thích lừa dối và thật sự hài lòng khi bị lừa dối.

Trong màn hài kịch này còn có một chi tiết đặc sắc nữa tô đậm mâu thuẫ: trào phúng đã nói. Đó là khi cụ tổ chết, người ta quan tâm việc mai táng cái xác chết ấy thì ít mà lo lắng bàn bạc việc chôn cái xác sống của cô Tuyết cùng cái tiếng hư hỏng của cô thì nhiều. Đám tang bị trì hoãn là vì thế. Người ta còn bận thu xếp cho êm ả chuyện cô tiểu thư bị hư hỏng, còn bận bịu tiếng xấu xa có thể làm tổn hại đến danh giá tang gia.

Trong khi quan tâm tô đậm mâu thuẫn trào phúng, Vũ Trọng Phụng còn đồng thời vẽ lên nhiều bức chân dung trào phúng đặc sắc.

Trước hết là cụ cố Hồng với câu nói cửa miệng: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Xưa nay cụ chỉ mới chỉ được diễn trò già yếu ở nhà, giờ cụ được ra mắt trước đám đông: Cụ cố Hồng đã nhắm nghiền mắt lại mơ màng đến lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: úi giời ơi, con trai lớn đã già đến thế kia kìa.

Tuyết thì sung sướng được mặc bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan với cái tráp trầu cau và thuốc lá mời khách, trên mặt lại hơi có một vẻbuồn lãng mạn rất đúng mốt.

Còn ông Phán mọc sừng chân dung ông hiện lên cũng không kém phần nực cười. Ông là kẻ vớ bở nhờ cái chết của cụ Tổ. Có vẻ như nhờ thế mà ông bộc lộ niềm đau xót của mình một cách ồn ào hơn ai hết: Ông oặt người đi và khóc Hứt!….hứt… Nhưng mỉa mai thay khi ông Phán dúi vào tay Xuân tờ bạc năm đồng. Màn kịch của ông Phán đã bị lột trần.

Đây cũng là dịp may hiếm có để tiệm may Âu hóa và ông Typn lăng xê những mốt thời trang, ban cho những ai có tang đương đau đớn những mốt mới tiệm ông, bởi thế đó cũng được coi là vì kẻ chết chút ít hạnh phúc ở đời.

Cậu Tú Tân thì mừng quá, bởi cậu đang điên người lên vì đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mãi mà không được dùng đến.

Còn Xuân Tóc Đỏ càng vênh váo vì nhờ hắn mà cụ Tổ lăn đùng ra chết.

Hạnh phúc lan tràn cả ra ngoài gia đình, người chết làm bao người khác được thơm lây: Hai viên cảnh sát Min Đơ và Min Toa đang thất nghiệp bỗng được thuê giữ trật tự…. Bạn bè cụ cố Hồng có điều kiện khoe khoang sự oai vệ của mình…

Một trong những nét đặc sắc của ngòi bút trào phúng Vũ Trọng Phụng là sự thể hiện nhân vật đám đông. Tác giả lùi ống kính thật xa quay toàn cảnh đám tang với điệp khúc đám cứ đi… Có khi tác giả lại quay cận cảnh để vạch trần bản chất nhố nhăng giả tạo của đám tang này. Vũ Trọng Phụng đã thể hiện ngôn ngữ trào phúng khi miêu tả một số kiểu râu ria của các cụ: Có cụ râu lún phún rầm rậm, có vị râu hung hung, lại có vị râu loăn xoăn… Các cụ ấy đã thực sự cảm đông vì làn da trắng nơi ngực và cánh tay cô Tuyết. Đến đưa ma cụ tổ phần đông là trai thanh gái lịch đất Hà thành ngàn năm văn hiến, đến với đám tang cốt để chim nhau, hò hẹn nhau…. nói với nhau đủ chuyện hàng ngày, từ chuyện mình đến chuyện người, nào là “con bé nhà ai kháu thế… cái thằng bạc tình bỏ mẹ… gớm cái ngực đầm quá đi mất”… Bởi vậy đám ma đông là thế, ồn ào náo nhiệt là thế.

Nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng còn hiện ra ở giọng địệu trong chương truyện. Nhà văn sử dụng giọng kể dửng dưng, giễu cợt, thậm chí bằng những lời ác khẩu. Luôn luôn có sự khập khiễng giữa sự vật được nói tới giọng điệu câu văn: Ông già hơn tám mươi tuổi phải chết một cách bình tĩnh. Bầy con cháu chí hiếu chỉ nóng ruột chôn cho chóng cái xác chết cụ tổ. Điệp khúc: cứ đi tiếng khóc cũng nhại lại đầy sự châm biếm: Hứt!… Hứt!… Hứt!.

Tất cả những thành công đó chỉ có được ở một cây bút trào phúng bậc thầy. Qua những trang văn của Vũ Trọng Phụng cả một xã hội nhố nhăng thị thành hiện lên chân thực sinh động. Nhà văn đã bóc trần bản chất xấu xa, thói lừa bịp rởm đời chạy theo lối sông đua đòi Tây hoá của hàng loạt người. Ngòi bút châm biếm của Vũ Trọng Phụng có sức mạnh ghê gớm bắt nguồn từ chính sự phẫn uất của ông trước xã hội thực dân phong kiến – xã hội mà ông gọi là chó đểu

Qua việc miêu tả người, dựng cảnh, sử dụng các chi tiết nghệ thuật biếm họa, chân dung, ngôn ngữ hài hước, nét đặc biệt của cây bút trào phúng bậc thầy thể hiện rõ. Nó như một làn roi quất mạnh vào xã hội thượng lưu tiểu tư sản thành thị hết sức lố lăng, đồi bại, nổi bật là sự giả dối. Đám tang của cụ cổ là cuộc hành quân đi xuống mồ của xã hội chó đểu này. Đồng thời lại tôn vinh một cây bút trào phúng bậc thầy của văn học Việt Nam trước năm 1945 – Vũ Trọng Phụng.

5. Ý nghĩa nghệ thuật cách đặt nhan đề Hạnh phúc của một tang gia (Trích Số đỏ – Vũ Trọng Phụng).

Việt Nam có rất nhiều nhà văn nổi tiếng viết về nghệ thuật trào phúng, các tác giả đó phải kể đến như Vũ Trọng Phụng… Ông có rất nhiều những tác phẩm hay, trong đó người đọc không bao giờ có thể quên được đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, với một nhan đề đầy hấp dẫn và thu hút người đọc.

Mỗi một tác phẩm, thành công lớn nhất không chỉ ở nội dung và nghệ thuật mà nó còn thể hiện ngay trong chính nhan đề mà tác giả đã đặt trong tác phẩm của mình, một tác phẩm hấp dẫn và hay là một tác phẩm có nhan đề đã thâu tóm được toàn bộ nội dung cũng như ý nghĩa mà tác giả muốn thể hiện trong chính tác phẩm của mình. Và Hạnh phúc của một tang gia là một điển hình như thế, ngay trong chính nhan đề tác giả đã thể hiện ngay được những ý nghĩa, cũng như nghệ thuật mà tác giả muốn thể hiện trong chính tác phẩm của mình, hạnh phúc của một tác giả là tác phẩm phản ánh rõ nét nhất những hình ảnh sinh động, được sử dụng trong tác phẩm.

Ở đây nhan đề đã có sự đối lập giữa hạnh phúc và tang gia, tang gia là nơi thể hiện sự đau thương, mất mát, những nỗi mất mát đó thật đau buồn, khổ đau, thế nhưng tác giả lại thể hiện từ hạnh phúc, ở đây đã mang ý nghĩa phê phán, tố cáo một xã hội thối nát. Họ đã biến đám tang của người mất trở thành nơi để họ trình diễn đủ mọi thứ, tất cả những điều này đều tố cáo phản ánh xã hội lúc bấy giờ, nó thối nát, tố cáo cách sống cũng như những hành động mà chúng đã thể hiện trong chính tác phẩm này. Tác phẩm không chỉ để lại cho người đọc rất nhiều cảm xúc bởi những tiếng cười, tuy nhiên trong tiếng cười đó nó cũng phần nào phản ánh những tính cách, số phận, những con người sống trong đó, họ là những con người đang bị bần cùng bởi lòng tham.

Nhan đề không chỉ để lại cho người đọc những suy ngẫm về hình ảnh của những con người đang diễn trò trước đám tang của cụ tổ, họ đã diễn những trò lố lăng, kệch cỡm, để làm trò trước thiên hạ. Hình ảnh đó không chỉ tạo nên những tiếng cười trào phúng mà nó còn phản ánh sâu sắc những con người đang sống trong đó, hình ảnh đó đã mang đậm sự phản ánh, sự đối lập giữa hai hình ảnh xuất hiện trong tác phẩm. Hình ảnh của người chết đau buồn, đáng thương và đối lập với những con người đang vui vẻ, trước cái chết đó, họ vui mừng bởi họ được chia tài sản, họ được thể hiện những tình cảm và thể hiện mình trong đám tang.

Ngay trong chính nhan đề tác giả đã phản ánh mạnh mẽ những thói hư tật xấu của những con người đó xuất hiện trong chính tác phẩm. Hình ảnh này không chỉ đem lại cho người đọc những cảm xúc, những nhớ nhung, và còn phần nào tố cáo chế độ thối nát, ở đó xuất hiện những con người không có lương tâm. Đám tang trở thành trò cười cho thiên hạ bởi đây là lễ hội trình diễn thời trang, huân huy chương và còn để cho những con người đạo đức giả, thể hiện thói xấu của mình. Đoạn trích đã thể hiện được sâu sắc nội dung mà tác giả muốn truyền tải trong tác phẩm, không chỉ thể hiện nghệ thuật trong tác phẩm mà tác giả còn thể hiện cả nghệ thuật trong chính nhan đề mà tác phẩm này đang thể hiện.

Tác phẩm để lại cho người đọc những tiếng cười trào phúng, sâu cay, ở đó con người sống trong những thói xấu xa, kệch cỡm trước những hiện tượng, trước một đám tang. Đáng nhẽ nên đau buồn nhưng họ lại vui mừng. Không khí thể hiện trong đám tang cũng nhộn nhịp, vui vẻ khác hoàn toàn với một đám tang bình thường.

6. Trong Hạnh phúc của một tang gia, Vũ Trọng Phụng viết: Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm. Hãy chứng tỏ điều đó qua các nhân vật trong đoạn trích.

Tiếng cười căm hờn mãnh liệt cái xã hội thực dân phong kiến tư sản, cái xã hội mà Vũ Trọng Phụng gọi là khốn nạn”, “chó đểu” trong Số đỏ nói chung và Hạnh phúc của một tang gia nói riêng cứ xoáy sâu vào tâm trí độc giả. Ấy là một “thế thái nhân tình’’ được xây dựng trên hai điều, sự tàn nhẫn và sự dối trá là biểu hiện sâu sắc nhất được thâu tóm trong câu văn tưởng chừng ngược đời mà lại có lí: “Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”.

Một gia đình đông đúc, nhiều con cháu, họ hàng và người quen của cụ cố Hồng là cả một xã hội phong kiến tư sản nực cười. Khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành bước vào đời, con người ta lúc nào cũng cầu mong cho mình được hạnh phúc. Khi ra đi về với cát bại, không có gì hơn ngoài mong muốn được đón nhận giọt nước mắt đau thương của người đang sống. Vậy mà, khi đi xuống nơi “suối vàng”, cái chết của cụ tổ lại mang lại bao nhiêu niềm vui, niềm phấn khởi, hân hoan cùa con cháu gia đình cụ Hồng. Tình cảm người ấy chỉ tồn tại trong xã hội bất công và đầy rẫy sự thối nát, bẩn thỉu. Câu chuyện dường như là điển hình cho cái xấu xa mà xã hội đã mang lại cho tác phẩm Vũ Trọng Phụng. Ngay có tiêu đề của đoạn trích, tác giả đã có ý nhấn mạnh sự tàn nhẫn và dối trá. Hạnh phúc đi liền với tang gia và tang gia tạo nên hạnh phúc. Đoạn trích đã làm nổi bật hai mặt trái ngược này bằng một trường phúng dụ gây cười rất tự nhiên, hợp lí.Nhìn nét mặt, hành động cua mỗi nhân vật trong chương truyện, người đọc cảm nhận cái hạnh phúc mà họ sẽ được nhận và đã mong chờ từ rất lâu. Khi tắt thở, không biết cụ tổ có nhận thấy cái chết ấy đã làm cho nhiều người được sung sướng lắm. Niềm hạnh phúc được tràn ra qua cái nhắm mắt mơ màng của cụ cố Hồng khi nghĩ “đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc, vừa khóc mếu, dể cho thiên hạ phải chỉ trỏ”:

“Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!”

Cụ nhắc cả mười phần rằng ai cũng phải khen ngợi một cái đám ma như thế, một cái gậy như thế… Viễn cảnh hiện ra trước mắt cụ Hồng sao mà lạ lùng và cay đắng quá. Người ta đến đưa thi thể của cụ cố xuống nơi suối vàng, chứ đâu phải ngắm nhìn “con giai” cụ đã bao nhiêu tuổi, chống gậy gì và đám ma to hay là bé. Nhưng, những suy nghĩ ấy đã phản ánh đúng tâm trạng của cụ Hồng trong cái đám ma “rộn ràng”, “huyên náo”.

Còn ông Phán mọc sừng thì lại thấy “không ngờ rằng giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta mà lại to đến như thế?”, ông hạnh phức khi được nghe thấy cụ Hồng nói nhỏ vào tai là sẽ chia cho con gái và rể thêm một số tiền là vài nghìn đồng. Dường như đến đưa ma cụ cố, ông Phán mọc sừng lại được đón nhận số tiền lớn ấy đến bất ngờ. Dù sao “cái chết kia” cũng mang lại cho ông niềm hạnh phúc, sung sướng biết bao. Với cái sừng mà Xuân Tóc Đỏ vô tình hay cố ý gắn cho ông Phán cũng đủ để ông cám ơn hắn. Trong bầu không khí của một đám ma nhốn nháo, “thằng bồi tiêm đã đếm được một nghìn tám trăm bảy hai câu gắt Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” của cụ cố Hồng” thì ông Phán mọc sừng đã kịp chi tính với Xuân công cuộc doanh thương… mà trước tiên là đã trả nốt năm đồng cho Xuân. Ngay trong giờ phút thiêng liêng của một đời người đã kết thúc ấy mà người ta vẫn không quên đi được chút ít ánh hào quang của đồng tiền, họ càng lao theo nó say đắm và đam mê hơn.

“Trước những cặp mắt của một bày con chí hiếu chỉ nóng ruột đem chôn cho chóng cái xác chết của cụ tổ”, thì cụ cố Hồng lại nhắm nghiền mắt kêu khổ lắm. Sao mà bộ mặt giả dối của họ xấu xa và đê hèn đến thế. Họ đến với đám ma là để trưng bày trang phục sáng tạo của mình cho mọi người “chiêm ngưỡng”. Cậu Tú Tân thì cứ điên người lên vì cậu đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà cậu mãi không được dùng đến. Bà Văn Minh thì sốt ruột vì mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời, cái mũ mấn trắng viền đen — là “những sáng tạo mốt mới nhất”. Những cái rất ăn với nhau mà tiệm Âu hóa một khi đã lăng xê ra thì có thể ban cho những ai có tang đương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời. Vậy là, họ đi đám ma dường như là đi dự đám cưới. Họ chỉ biết thỏa mãn cái mong muốn, ước vọng của mình trong khi không hề để ý đến ai đã khám cho cụ tổ khi cụ bị bệnh và sau khi qua đời. Còn cô cháu gái của cụ – cô Tuyết thì rất tự nhiên phơi bày những bộ đồ tân thời không hợp chút nào. Với bộ y phục ngây thơ của Tuyết và vẻ ngóng nhân tình của cô ta đã đủ cho thấy cái chết của cụ tổ chỉ làm cho họ hạnh phúc, sung sướng mà thôi.

Mỗi người, mỗi vẻ, mấy ông cảnh binh Min Đơ và Min Toa cũng sung sướng cực điểm khi được cái đám ma “to lớn” này thuê giữ gìn trật tự. “Thành thử tang gia ai cùng vui vẻ cả”. Một đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây, “có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú dích và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa, lại có cậu Tú Tân chỉ huy” lộn xộn, lao xao và huyên náo, nó xứng đáng như là một hội chợ để các nhà tài tử thi nhau chụp ảnh. “Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu”. Câu văn nghe sao mà chua chát và cay đắng đến vậy. Dường như trong cái xã hội phức tạp ấy không còn tồn tại tình người. Họ đối xứ với nhau, đến với nhau chỉ là do ánh sáng chói chang của đua đòi lối sống “văn minh hiện đại” đưa lối, đôi chút suy nghĩ của họ đâu có gì gửi gắm vào bản thân người chết. Trong trái tim họ, dường như khòng còn có sự tồn tại của tình thương giữa người với người. Giữa họ là khoảng cách của sự tàn nhẫn và dối trá.

Đọc phần đầu của đoạn trích, cứ tưởng tâm địa của bọn con cháu cụ cố tổ ghê tởm đến thế là cùng. Nhưng chưa hết, chính lũ con cháu bất hiếu, vô đạo kia lại muốn khẳng định chúng là người hiếu thảo nhất trên đời. Đám ma mà chúng đang tổ chức phải trở thành một kiểu mẫu trong thiên hạ. Những kẻ mong chờ cho cha ông mau chết đã tìm thấy hạnh phúc vì đó là dịp để họ bày tỏ lòng hiếu thảo bằng cách tổ chức một đám ma thật to, thật vang, cái mong muốn “bẩn thỉu” ấy tồn tại trong mỗi đứa cháu, bất nhân, bất nghĩa là cả bao phức tạp, xô bồ của cuộc sống xã hội thối nát, “chó đểu”.

Câu chuyện của một gia đình trở thành cái tiêu biểu cho cả một xã hội. Từ cái hạnh phúc, sung sướng của một “lũ người gớm ghiếc” là một “thể thái nhân tình” được xây dựng trên nền tảng là sự tàn nhẫn và sự dối trá. Con người với con người đối với nhau mà như băng đá tê cứng, đóng lạnh, không còn một chút hơi ấm của yêu thương. Cụ cố tổ mất đi lại không hề mảy may làm cho bất kì một con người nào đau khổ, bọn chúng tìm đến đám ma là để lấy và thực hiện sớm di chúc. Chỉ còn lặng lẽ sau trang sách là nỗi đau cười ra nước mắt và căm phần của nhà văn và độc giả. Những đứa cháu, “lũ” con của cụ tự cho mình là chi hiếu, chúng không nhận thấy trong suy nghĩ, hành động của chúng là sự tàn nhẫn và dối trá đến cao độ. Nhịp cầu mà họ tạo nên để với đến hai chữ “chi hiếu” là từ tàn nhẫn và dối trá mà ra.

Cố lấy cái vẻ bề ngoài che đậy cái bên trong xấu xa, thối nát là một sự dối trá đến tàn nhẫn. Thế giới họ đang sống, đang tồn tại đâu có phải là một thế giới ân tình. Cái thế giới của tình người chỉ có khi con người biết tin yêu và tôn trọng lẫn nhau. Còn ở đây con người như là vật hiến dâng cho cái vòng quay bất nhân, bất hiếu.

Nỗi hạnh phúc, sung sướng của bản thân họ là khác nhau nhưng đều quy tụ chung dưới hai điều tàn nhẫn và dối trá. Những người đi đưa đám thật đông đảo, sự xấu xa, đồi bại của xã hội có mặt ở khắp nơi. Bằng điệp khúc: “đám cứ đi”, tác giả đã đặc tả một đám ma thật to thiên hạ tha hồ chiêm ngưỡng. Nhưng trong cái đám ấy, chẳng có ai thật lòng đi đưa đám. Tất cả trong gia đình hay ngoài gia đình, già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, tuy cố giữ bộ mặt buồn rầu nhưng thực lòng thì đang vui vẻ, hạnh phúc vì một điều gì đó. “Đám cứ đi’’ nghĩa là sự vô liêm sỉ, sự giả dối cứ ngang nhiên diễn ra không hề khép lại và chẳng biết sẽ kéo dài đến đâu, lúc nào thì kết thúc. Cái thế giới tình người mà tác phẩm, đoạn trích có nói, có thể hiện chỉ là sự tàn nhẫn và dối trá. Sự tàn nhẫn, dối trá ấy đâu chỉ diễn ra trong xã hội “người dưng”, mà nó tồn tại sâu sắc, đậm nét hơn cả trong bản thân những con người cùng một gia đình, họ hàng, thân quen. Cái đám ma giàu sang, phú quý, ồn ào của cụ tổ đâu có thể che lấp được bản chất tàn nhẫn, dối trá của cụ Hồng, ông bà Văn Minh, Xuân Tóc Đỏ và cả sư cụ Tàng Phú…

Sự lố lăng của đám tang với hình ảnh của hai tên đại bịp xuất hiện – Xuân Tóc Đỏ và sư cụ Tăng Phú lại làm cho cái tàn nhẫn và dối trá được bộc lộ rõ hơn, sâu sắc hơn. Tại sao bà cụ cố Hồng lại hí hửng vì sự có mặt của hai nhân vật này? Vì sáu chiếc xe có lọng cắm trên chở sư chùa Bà Banh? Vì hai vòng hoa đồ sộ? Điều đó ai mà biết được! Chỉ biết sự có mặt của những thứ trên làm cho đám tang vốn đã lố lãng càng thêm lố lăng. Chỉ biết sư cụ Tăng Phú đã chớp lấy “thời cơ tang gia để kiếm lợi trong cuộc đấu tranh chính trị nhằm củng cố thanh thế của Hội Phật giáo”. Còn Xuân Tóc Đỏ lại là ân nhân của gia đình cụ cố Hồng và là “người chồng ăn hỏi” của cô Tuyết. Hạnh phúc gia đình, dưới con mắt sắc sảo của Vũ Trọng Phụng, những con người xấu xa ấy không phải là một “nhóm người”, chúng thật đông đảo và có mặt ở khắp nơi. Bời vậy, có người coi đám tang của cụ cố tổ là hành trình xuống mộ của toàn xã hội thực dân phong kiến. Bởi sự dối trá, tàn nhẫn của nó đã đến hồi bộc lộ trắng trợn, vui vẻ ầm ĩ thế kia thì ai để cho nó tồn tại, làm trò hề mãi được.

7. Hãy chứng minh rằng Hạnh phúc của một tang gia là một màn kịch.

Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) được mệnh danh là ông vua phóng sự Bắc Kì và là nhà tiểu thuyết lớn của trào lưu văn học hiện thực phê phán trước năm 1945. Số Đỏ (1936) là cuốn tiểu thuyết trào phúng có một không hai “có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học” (Nguyễn Khải). Ở tác phẩm này, Vũ Trọng Phụng đã dựng lên bức tranh toàn cảnh về xã hội thực dân tư sản với rất nhiều loại người, hạng người mà nét tính cách chủ yếu là dốt nát, bịp bợm, đạo đức giả, dâm đãng và hãnh tiến. Trong đó có nhiều tính cách điển hình phản diện sắc sảo như Xuân Tóc Đỏ, cụ cố Hồng, bà phố Đoan… Để làm nổi bật nội dung đả kích, tác giả đã sử dụng bút pháp trào phúng điêu luyện: bằng cách tạo tình huống, thư pháp cường điệu phóng đại, xây dựng mâu thuẫn – thủ pháp tương phản, cách xây dựng nhân vật… Nên mỗi chương của tác phẩm trở thành một màn hài kịch đặc sắc. Hạnh phúc của một tang gia là một màn hài kịch thể hiện tiếng cười châm biếm, đả kích đối với những con người, xã hội đương thời.

Vũ Trọng Phụng đã sử dụng biện pháp tương phản trào phúng xuyên suốt cả chương và thể hiện ngay trong nhan đề: Hạnh phúc của một tang gia. “Tang gia” mà lại “hạnh phúc”, hai cụm từ đối chọi gay gắt nhưng đi liền thật tự nhiên đầy mai mỉa. Điều ngược đời, sự tương phản vô lí này lại có lí vì đó là sự thật ở gia đình cụ cố Hồng. Lấy cái chết của cha, ông làm sung sướng, thật là bọn người bất nhân, bất nghĩa, đại bất hiếu. Tiếng cười châm biếm đả kích bắt đầu toát ra từ đó.

Đi vào cảnh đầu chương truyện – cảnh gia đình cụ cố Hồng lo tang, tương phản trào phúng được thể hiện rất rõ. Thường tình, gia đình ai có tang đều nhuốm màu tang tóc, sầu thương, mất mát, bi lụy; nhưng ở gia đình tư sản giàu có này thì ngược lại hoàn toàn “cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”. Mọi người “tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê “xe đám ma…”. Cụ cố Hồng nhắm mắt mơ màng đến lúc cụ mặc áo xô gai, lụ khụ chống gậy vừa ho khạc vừa khóc mếu, để cho phố phường được chiêm ngưỡng một cái gậy như thế, một đám ma như thế. Cái được sung sướng của ông ta thật quái gở. Ông Văn Minh vui mừng vì cái chúc thư đã đến lúc thực thi. Bà Văn Minh có dịp lăng-xê mốt áo tang của tiệm may u hóa. Còn ông Phán mọc sừng thì vô cùng mừng rỡ vì được chia thêm gia tài. Mọi người đều được hưởng lợi từ cái chết. Chẳng có được một người thực tâm thương tiếc người khuất núi.

Nhờ thủ pháp tương phản này, đoạn trích đã làm nổi bật đám con cháu trong gia đình tư sản đại bất hiếu, vô đạo.

Tuy vậy trong cảnh tang gia cũng có vài khuôn mặt buồn. Đó là vẻ mặt “đăm đăm chiêu chiêu”, có vẻ lo lắng của ông Văn Minh nhưng ông ta lo chuyện khác, không phải lo tang cho ông nội. Cô Tuyết có nét mặt phảng phất buồn rất lãng mạn, nhưng cô ta buồn vì người yêu không đến viếng chứ không phải buồn vì cái chết của ông. Những chi tiết này càng làm tăng thêm vẻ hài hước, mỉa mai của vở kịch. Nếu họ vui thì chỉ mang tội bất hiếu, còn buồn thì mang thêm tội giả dối.

Tương phản trào phúng còn bộc lộ trong cảnh đưa tang. Thông thường cảnh đưa tang đều có không khí trang nghiêm, thành kính, u buồn nhưng đám ma cụ cố tổ thật ầm ĩ, huyên náo, tưng bừng phố xá với đủ thứ bát nháo, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, câu đối, vòng hoa… đủ loại kèn Ta, kèn Tàu, kèn Tây thay nhau rộn lên. Quần áo tang đủ thứ mốt hở hang. Đúng là cảnh một đám rước vui vẻ, “danh giá” và gia đình cụ cố Hồng thật hãnh diện, mọi người đều vui sướng. Người sung sướng nhất là cụ bà, khi nhìn thấy đoàn xe do Xuân chỉ huy nhập vào giữa đường, làm cho đoàn xe tang thêm dài ra, thêm vui vẻ. Xuân xuất hiện thật đúng lúc và hắn là kẻ nổi bật nhất vì đã góp phần đẩy niềm vui của người đang vui lên tột đỉnh. Niềm vui còn lây sang cả người chết, “người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng nếu không gật gù cái đầu”. Đây là chi tiết đắc nhất của màn hài kịch thể hiện trí tưởng tượng phong phú và tài mỉa mai châm biếm của nhà văn. Niềm sung sướng lớn lao của người sống có khả năng đánh thức cả người chết. Nếu cụ cố tổ vô tình sống lại để được nhìn đám con cháu lấy cái chết của mình để diễn trò vui như thế thì có thể đau đớn mà chết ngất thêm lần nữa. Tác giả cho rằng người chết phải mỉm cười là cách nói ngược đầy mai mỉa, chua chát, là cái tát vào mặt bọn người vô lương. Họ cả gan xúc phạm đến anh linh của người đã khuất.

Cảnh đưa tang thật lố lăng, nhấn nháo nhưng phố phường ai cũng khen đám ma to, như được thể nên “đám cứ đi”… cái điệp khúc này như một trớ trêu ngươi. Dư luận phố phường khen ngợi, đồng tình đám ma, thì không chỉ có gia đình cố Hồng vô đạo mà còn có cả cái xã hội tư sản kia cũng thế.

Nhờ thủ pháp tương phản trào phúng mà màn hài kịch đã phơi bày cái xã hội tư sản thích phô trương danh giá bằng trò chơi lố lăng, vô văn hóa, giả dối, vô đạo, vô hiếu, và đem đến cho người đọc tiếng cười khinh bỉ.

Để đem lại tiếng cười châm biếm, trong chương truyện này tác giả còn dựng được những bức chân dung hí họa với thủ pháp tương phản, phóng đại và bằng nét về sống động, đặc sắc.

Đám quan khách danh giá của cụ cố Hồng đến viếng tang mà ngực đeo đầy những thứ huân chương, mép và cằm đủ thứ râu ria. Với nét vẻ biếm họa, nhà văn đã làm nổi rõ những chân dung lố bịch, hài hước. Các vị xúc động không phải vì tiếng kèn xuân nữ ai oán não nùng mà là vì làn da trắng của Tuyết. Sự tương phản giữa vẻ mặt với nội tâm đã đem lại tiếng cười châm biếm bản chất dâm đăng của hạng người này.

Đám người đi đưa tang cũng được khắc họa theo thủ pháp tương phản, bên ngoài họ luôn giữ khuôn mặt buồn rầu nhưng kì thực bên trong họ toàn thầm thì chuyện vui vẻ, rồi họ chim nhau, cười tình với nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau… Cảnh đưa tang hóa ra là cảnh đưa tình, bị biến thành chợ tình của lũ người rỗng tuếch và dâm ô. Đến lúc hạ huyệt chân dung đám người này được cậu tú Tân chăm sóc bỏ theo từng kiểu mẫu, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, cong lưng, lau mắt… để chụp hình cho nó giống… cảnh tang. Nhờ chi tiết phục bút này mà hóa ra từ nãy giờ người đọc không phải chứng kiến cảnh đưa tang. Đây cũng là một pha hài, tính chất đóng kịch, giả dối bộc lộ rõ nhất của đám tang.

Hình ảnh cuối cùng sinh động nhất về bức chân dung hí họa là ông Phán mọc sừng với cái oặt người để rặn ra tiếng khóc “Hứt!… Hứt!… Hứt!…” tiếng khóc giả dối ấy được vắt ra từ sự tính toán, mưu mô lọc lừa mà không hề có chút cảm xúc nhưng đánh lừa được tất cả mọi người kể cả tên vua lừa là Xuân Tóc Đỏ. Ông ta đúng là một diễn viên kịch xuất sắc. Chi tiết này là đỉnh cao của sự trào phúng trong màn hài kịch và sự giả dối, bịp bợm đã đạt tới một nghệ thuật tinh vi, quỷ quyệt. Sự giả dối đã trở thành một thứ nghề nghiệp để kiếm sống. Cả đám tang không có lấy một tiếng khóc, đến giờ phút vĩnh biệt thiêng liêng nhất thì có một tiếng khóc như ôi thôi, nó mỉa mai chua chát làm sao!

Bằng thủ pháp tương phản là chính, nhà văn đã dựng được những bức chân dung hài hước làm bật ra những tiếng cười đả kích. Đả kích bọn tư sản giàu có mà lố lăng, suy đồi, giả dối, bịp bợm.

Chương truyện là một màn hài kịch sống động, một bức tranh hí họa khổ lớn. Bằng bút pháp trào phúng, Vũ Trọng Phụng đã phơi bày cảnh một gia đình tư sản tiêu biểu cho cả xã hội tư sản ở thành thị vô đạo, vô hiếu, lố lăng, bịp bợm, rỗng tuếch, chỉ sống hình thức, thích phô trương hình thức và chạy đua theo hình thức. Do đó tác giả đã đem đến tiếng cười vừa mỉa mai khinh bỉ, vừa ngán ngẩm. Nhờ tài nghệ trào phúng bậc thầy mà tác phẩm Số đỏ có tính chiến đấu sắc bén hơn.

8. Phân tích tâm trạng của các nhân vật trong Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng

Nếu các nhà văn cùng thời hướng ngòi bút của mình đến những người nông dân khổ cực với các bi kịch về cuộc sống đói nghèo, bi kịch bị tha hóa thì Vũ Trọng Phụng lại tập trung khai thác những con người ở tầng lớp thượng lưu để phản ánh sự giả dối, vô đạo đức của xã hội. Những điều ấy được ông thể hiện rất rõ nét trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” – đoạn trích thuộc chương XV của tiểu thuyết “Số đỏ”.

Các nhân vật trong đoạn trích là những nhân vật tiêu biểu cho tầng lớp xã hội thượng lưu thành thị lúc bấy giờ. Người ta ca ngợi u hóa, học đòi lối sống “văn minh” mà không nhận ra rằng chính sự học đòi ấy lại khiến những giá trị đạo đức mai một và thay vào đó là sự tha hóa của nhân phẩm con người. “Hạnh phúc của một tang gia” mở đầu bằng câu văn: “Ba hôm sau, ông cụ già chết thật” như để thông báo về cái chết của cụ cố tổ và cũng là dịp để đám con cháu cũng như những người ngoài gia đình thể hiện niềm vui sướng của mình. Đây là đám tang trái ngược hoàn toàn với những đám tang khác bởi con người thường đau khổ, thương tiếc trước sự ra đi của người thân nhưng đám tang cụ cố tổ lại khiến rất nhiều người hạnh phúc. Cái chết của cụ “đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”. Đám con cháu trong gia đình là những người vui vẻ, phấn khích nhất bởi “cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa”. Niềm vui ấy là niềm vui của những con người sống vì danh vị, tiền tài mà đánh mất đi luân thường đạo lí, đánh mất đi những giá trị tốt đẹp của đạo đức xã hội.

Họ đều vui với niềm vui chung của cả gia đình nhưng mỗi người cũng có những niềm vui riêng. Tâm trạng của người con trai trưởng đã phản ánh sự giả dối, bất hiếu đối với bậc sinh thành. Trước cái chết của bố mình, cụ cố Hồng đã “nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để thiên hạ phải chỉ trỏ: Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa”! Liệu rằng những tiếng ho khạc, khóc mếu kia có phần nào là sự thương xót thật lòng hay chỉ là những giọt nước mắt dối trá để che mắt thiên hạ? Cụ cố Hồng muốn khoe cho cả xã hội biết rằng gia đình mình là một gia đình thượng lưu giàu sang. Thực chất, những hành động của cụ đều nhằm mục đích khoe già, khoe hiếu, khoe sự danh giá: “Cụ chắc cả mười phần rằng ai cũng phải ngợi khen một cái đám ma như thế, một cái gậy như thế”. Chắc hẳn điều ấy sẽ khiến mọi người cho rằng đó là một gia đình có phúc bởi cụ cố tổ là người thượng thọ.

Văn Minh – cháu đích tôn của cụ cố tổ đáng lẽ phải tiếc thương vì sự ra đi của người ông nội nhưng Văn Minh lại tỏ ra vui mừng vì được chia chác tài sản. Có ai không sung sướng khi bỗng nhiên có được tiền bạc, của cải nhưng sung sướng trước món lợi mang lại từ cái chết của người thân thì đó là điều phi đạo đức. Văn Minh chỉ có một điều băn khoăn đó là việc “mời luật sư đến chứng kiến cái chết của ông nội” và phân chia tài sản theo đúng bản chúc thư mà thôi. Đây là dịp để ông khoe những mốt mới của tiệm may u hóa và cũng là dịp để khoe danh dự của bản thân. Giữa lúc vui vẻ như vậy, ông “chỉ phiền một nỗi không biết xử trí với Xuân Tóc Đỏ ra sao cho phải” vì Xuân “tuy phạm tội quyến rũ một em gái ông, tố cáo tội hoang dâm của một em gái khác nữa của ông, nhưng tình cờ đã gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết”. Văn Minh biết rõ Xuân Tóc Đỏ là người không có bằng cấp, chuyên môn gì về nghề thuốc nhưng vẫn mời hắn về chữa trị cho ông nội. Hành động đó chẳng phải đã gián tiếp gây nên cái chết của cụ cố tổ hay sao? Chỉ vì phân vân không biết trả ơn Xuân thế nào mà ông lại có vẻ mặt đăm chiêu, hợp thời trang với “cái mặt một người lúc gia đình đương là tang gia bối rối”. Tác giả đã đi sâu khai thác những suy nghĩ của nhân vật để làm nổi bật lên tâm trạng, bản chất của người cháu nội có tiếng là hiểu biết vì đã có thời gian đi du học ở nước ngoài.

Bên cạnh niềm vui của người chồng, Văn Minh vợ cũng vui mừng khôn xiết vì có cơ hội lăng-xê những mốt mới của tiệm may u hóa, những bộ trang phục “có thể ban cho những ai có tang đương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời”. Là cháu dâu mà bà chỉ sốt ruột vì “mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời, cái mũ mấn trắng viền đen – dernières créations”. Mục đích chính của Văn Minh vợ là quảng cáo, lăng-xê những thiết kế của tiệm may chứ không phải khóc thương cho số phận cụ cố tổ. Đám tang đã trở thành sàn trình diễn thời trang chứ không phải nơi để mọi người bày tỏ tấm lòng xót thương đối với người đã khuất. Việc làm ấy đã đi ngược lại giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Được cụ cố Hồng nói nhỏ rằng sẽ “chia cho con gái và con rể thêm một số tiền là vài nghìn đồng”, ông Phán mọc sừng vô cùng phấn khích. Chính bản thân ông cũng không ngờ rằng “giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta mà lại to đến như thế”. Dường như ông không hề cảm thấy danh dự bị vấy bẩn mà lại cảm thấy biết ơn vì việc ngoại tình của vợ đã mang lại cho ông món lợi lớn. Ngay trong đám tang ấy, ông đã trù tính một “công cuộc doanh thương” với Xuân Tóc Đỏ để mình có thêm được vài nghìn bạc vì hắn rất có tài quảng cáo. Người đọc ngỡ tưởng ông Phán là đứa cháu có hiếu khi được Vũ Trọng Phụng miêu tả tiếng khóc nhưng tiếng khóc của ông lại là tiếng “Hứt! Hứt! Hứt!” mãi không thôi. Tiếng khóc ấy đã bộc lộ bản chất giả dối của ông cháu rể quý hóa khi đó chỉ là cái cớ để ông ta oặt người đi và dúi vào tay Xuân Tóc Đỏ tờ giấy bạc năm đồng gấp tư. Đối với ông, đám tang chính là nơi diễn ra cuộc trao đổi, mua bán với Xuân – người đã có công không nhỏ trong việc giúp ông nhận thêm vài nghìn đồng.

Một người em gái của Văn Minh mà Xuân quyến rũ là Tuyết ngây thơ. Ngoài niềm vui vì được trình diễn những mốt thời trang, mặc đồ xô gai tân thời cô còn muốn khoe phẩm hạnh của mình với thiên hạ. Cô mặc bộ y phục Ngây thơ – “cái áo dài voan mỏng, trong có coóc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú – nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấn xinh xinh”. Tuyết mặc bộ y phục đó để chứng minh cho cả xã hội biết rằng “mình chưa đánh mất cả chữ trinh”. Cô mặc như vậy để đập tan lời đồn bản thân mình hư hỏng quá nhiều của thiên hạ. Có người cháu hiếu thảo nào lại có cách ăn mặc như vậy trong đám tang của ông nội mình? Hóa ra đám tang lại là dịp để Tuyết khoe vẻ đẹp, khoe phẩm hạnh, khoe mình là một người con gái truyền thống, mực thước nhưng thực chất Tuyết ngây thơ lại là người con gái hư hỏng. Gương mặt cô “hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt một nhà có đám” nhưng nỗi buồn đó không xuất phát từ sự tiếc thương cụ cố tổ mà xuất phát từ sự chờ đợi Xuân Tóc Đỏ khi mãi chưa thấy “bạn giai” mình xuất hiện. Điều ấy khiến cô như bị kim châm vào lòng.

Cậu tú Tân nhân cái chết của cụ cố tổ mà khoe tài chụp ảnh của bản thân. Cậu “điên người lên” vì đã “sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà mãi cậu không được dùng đến”. Cậu yêu cầu mọi người trong đám tang tạo dáng để chụp ảnh, cậu “bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng, hoặc lau mắt như thế này, thế nọ…” Đám tang như một hội chợ để cậu và những nhà tài tử chụp ảnh thi nhau trổ tài.

Đám con cháu đã làm nên bức tranh biếm họa phản ánh hiện thực của một xã hội “đại chó đểu”. Họ hoàn toàn thản nhiên và không có một chút tình cảm ruột thịt với người thân đã khuất. Đó là gia đình đại bất hiếu, đạo đức giả khi sống và đối xử với nhau như những kẻ xa lạ. Họ luôn chạy theo đồng tiền mà vô tâm, vô cảm với chính những người thân thiết.

Không chỉ khắc họa đám con cháu trong gia đình cụ cố tổ, nhà văn Vũ Trọng Phụng còn khắc họa tâm trạng của những người ngoài gia đình đến tham dự đám tang. Họ đại diện cho các tầng lớp của xã hội đương thời, có tên tuổi, địa vị. Cảnh sát Min Đơ và Min Toa được “thuê giữ trật tự cho đám ma”. Họ “sung sướng cực điểm” và “trông nom rất hết lòng” vì gia đình cụ cố Hồng đã tạo việc làm cho mình. Những bạn thân của cụ cố Hồng đến chia buồn cùng gia đình nhưng ý đồ thực chất của họ là để khoe huy chương như “Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh”,… Họ khoe danh, khoe những bộ râu ria “hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn”. Họ còn là những kẻ hám sắc khi “trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực tuyết, ai nấy đều cảm động hơn những khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng”. Là dịp để trưng diện những mốt mới nên ông Typn rất “bực mình vì mãi không được thấy những sự chế tạo của mình ra mắt công chúng để xem các báo chí phê bình ra sao”. Sư cụ Tăng Phú của báo Gõ mõ thì “sung sướng”, “vênh váo”, đắc thắng vì đã đánh đổ được Hội Phật giáo. Sư cụ đến dự đám tang để khoe danh dự và chiến thắng của mình. Xuân Tóc Đỏ cũng được mọi người biết ơn và dành cho những lời khen ngợi. Việc hắn xuất hiện trong đám tang cũng là cách để khoe mẽ chiến công và nâng cao giá trị bản thân. Bên cạnh đó, tác giả cũng không quên nhắc tới đám giai thanh gái lịch đi đưa tang. Đây là cơ hội để họ “chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu”.

Bằng nghệ thuật trào phúng, Vũ Trọng Phụng đã tố cáo bản chất lố lăng, sự giả tạo của những người thuộc tầng lớp thượng lưu thành thị trước Cách mạng. Mỗi nhân vật là một nét vẽ chân thực tạo nên bức tranh hiện thực sinh động. Qua đó, “ông vua phóng sự đất Bắc Kì” cũng thể hiện thái độ châm biếm, mỉa mai thói đạo đức giả, sự bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa của giới thượng lưu. Khi những người cầm bút khác “muốn cuốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết” thì Vũ Trọng Phụng và các nhà văn có cùng chí hướng lại “muốn tiểu thuyết là thực sự ở đời”. Vì lẽ đó mà ngòi bút của ông luôn nói đúng sự thực, luôn đả kích sâu cay vào mặt trái của hiện thực xã hội.

Nguồn

Cùng chủ đề

18 bài phân tích tác phẩm truyện ngắn Lão Hạc – Nam Cao hay nhất

Mục lụcI. Tìm hiểu chung về tác giả tác phẩm Lão Hạc - Nam Cao1. Tác giả Nam Cao2. Hoàn cảnh ra đời3. Bố cục4. Giá trị nội dung5. Giá trị nghệ thuậtII. Dàn ý chung cho đề bài nghị luận về...

6 bài phân tích Tôi đi học – Thanh Tịnh

I. Tìm hiểu chung tác giả, tác phẩm Tôi đi học - Thanh Tịnh1. Tác giả Thanh Tịnh- Thanh Tịnh (1911 - 1988), tên khai sinh là Trần Văn Ninh.- Quê quán: xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô thành phố...

6 Bài văn mẫu phân tích tác phẩm Sa hành đoản ca (Bài ca ngán đi trên bãi cát) – Cao Bá Quát

I. Tìm hiểu chung tác phẩm Sa hành đoản ca - Cao Bá Quát1. Tác giả Cao Bá Quát- Cao Bá Quát (1809 – 1855) tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, Mẫn Hiên, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm,...

3 Bài văn mẫu phân tích tác phẩm Chiếu cấu hiền – Ngô Thì Nhậm

I. Tìm hiểu chung tác phẩm Chiếu cầu hiền - Ngô Thì Nhậm1. Tác giả Ngô Thì Nhậma. Tiểu sử- Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) hiệu là Hi Doãn, người làng Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, trấn Sơn...

2 Bài văn mẫu hay nhất phân tích tác phẩm Đám tang lão Gô – ri – ô (Ban – dắc)

I. Tìm hiểu chung tác phẩm Đám tang lão Gô - ri - ô của Ban - dắc1. Tác giả Ban - dắc- Hô - nê - rê - đơ Ban - dắc (1799 0 1850), xuất thân tỏng một gia đình...

Cùng tác giả

Công nghiệp khai khoáng Đắk Nông và những mục tiêu lớn

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông lấy phát triển công nghiệp khai thác bô xít – chế biến alumin – luyện nhôm làm một trong ba đột phá phát triển kinh tế.Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, Đắk Nông có trữ lượng quặng bô xít...

Chặng đường vươn mình của hạ tầng giao thông Đắk Nông

Ngày càng đồng bộGiao thông không chỉ đóng vai trò kết nối các địa phương mà còn là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh.Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, sự chuyển mình rõ rệt về giao thông ở Đắk Nông, từ việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường bộ đến nỗ lực...

Người công giáo Đắk Nông chung tay xây dựng cộng đồng

Gia đình ông Hoàng Văn Danh, ở thôn Đức Thuận, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil có gần 10ha đất sản xuất cà phê, hồ tiêu. Hiện nay, nguồn thu nhập chính của gia đình ông Danh từ cà phê và hồ tiêu. Năm nay, cà phê và hồ tiêu của ông Danh cho thu hoạch khoảng 13 tấn.Trong năm 2024, người Công giáo tỉnh Đắk Nông đã tổ chức hàng...

Đắk Nông phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh phát huy nội lực và thu hút đầu tư nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nỗ lực phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông về những bước chuyển tích cực trong năm 2024 và định hướng...

350 gian hàng mua sắm tết và ẩm thực Việt Nam

Nguồn: https://baodaknong.vn/350-gian-hang-mua-sam-tet-va-am-thuc-viet-nam-thai-lan-tai-dak-nong-237843.html

Cùng chuyên mục

Lịch sử đối đầu Bournemouth vs Crystal Palace trước trận Premier League 26/12/2024

Lịch sử đối đầu giữa Bournemouth vs Crystal Palace trước trận Premier League 26/12/2024Ngày Giải đấu Đội nhà Đội khách Tỷ số03.04.24PLBournemouthCrystal Palace1-007.12.23PLCrystal PalaceBournemouth0-213.05.23PLCrystal PalaceBournemouth2-031.12.22PLBournemouthCrystal Palace0-216.09.20EFLBournemouthCrystal Palace1-021.06.20PLBournemouthCrystal Palace0-204.12.19PLCrystal PalaceBournemouth1-012.05.19PLCrystal PalaceBournemouth5-302.10.18PLBournemouthCrystal Palace2-107.04.18PLBournemouthCrystal Palace2-209.12.17PLCrystal PalaceBournemouth2-201.02.17PLBournemouthCrystal Palace0-227.08.16PLCrystal PalaceBournemouth1-103.02.16PLCrystal PalaceBournemouth1-226.12.15PLBournemouthCrystal Palace0-030.07.11CFBournemouthCrystal Palace3-1Trong lịch sử đối đầu, Bournemouth và Crystal Palace đã gặp nhau 17 lần, bao gồm 16 trận chính thức và 1 trận giao hữu. Bournemouth có phần nhỉnh hơn với 7 chiến thắng,...

Lịch sử đối đầu Chelsea vs Fulham trước trận Premier League 26/12/2024

Lịch sử đối đầu giữa Chelsea vs Fulham trước trận Premier League ngày 26/12/2024.Chelsea chiếm ưu thế rõ rệt trong lịch sử đối đầu với Fulham, thể hiện qua số lượng chiến thắng vượt trội ở cả sân nhà lẫn sân khách. Trong khi Chelsea thường xuyên giữ sạch lưới và giành các chiến thắng với cách biệt rõ ràng, Fulham chỉ có một vài trận thắng đáng chú ý, điển...

Lịch sử đối đầu Nottingham Forest vs Tottenham Lineups trước trận Premier League 26/12/2024

Lịch sử đối đầu giữa Nottingham Forest vs Tottenham Lineups trước trận Premier League 26/12/2024NgàyGiải đấuĐội nhàĐội kháchTỉ số08.04.24PLTottenhamNottingham3-116.12.23PLNottinghamTottenham0-211.03.23PLTottenhamNottingham3-110.11.22EFLNottinghamTottenham2-028.08.22PLNottinghamTottenham0-225.09.14EFLTottenhamNottingham3-103.03.05FACNottinghamTottenham0-320.02.05FACTottenhamNottingham1-117.04.99PLNottinghamTottenham0-121.11.98PLTottenhamNottingham2-001.03.97PLTottenhamNottingham0-119.01.97PLNottinghamTottenham2-106.04.96PLNottinghamTottenham2-114.10.95PLTottenhamNottingham0-104.03.95PLNottinghamTottenham2-224.09.94PLTottenhamNottingham1-412.04.93PLNottinghamTottenham2-128.12.92PLTottenhamNottingham2-126.12.91PLTottenhamNottingham1-228.08.91PLNottinghamTottenham1-304.05.91PLTottenhamNottingham1-127.10.90PLNottinghamTottenham1-207.04.90PLNottinghamTottenham1-330.12.89PLTottenhamNottingham2-3Trong các cuộc đối đầu gần đây giữa Tottenham và Nottingham, Tottenham thường chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên, Nottingham cũng đã có những chiến thắng ấn tượng, đặc biệt là trong các trận đấu với những đội bóng mạnh như Manchester Utd và Brentford. Cụ thể, Tottenham thắng 8 trận, Nottingham thắng...

Lịch sử đối đầu Newcastle United vs Aston Villa trước trận Premier League 26/12/2024

Lịch sử đối đầu giữa Newcastle United vs Aston Villa trước trận Premier League 26/12/2024NgàyGiải đấuĐội chủ nhàTỷ sốĐội khách31.01.24PLAston Villa1-3Newcastle12.08.23PLNewcastle5-1Aston Villa24.07.23CFNewcastle3-3Aston Villa15.04.23PLAston Villa3-0Newcastle29.10.22PLNewcastle4-0Aston Villa13.02.22PLNewcastle1-0Aston Villa21.08.21PLAston Villa2-0Newcastle13.03.21PLNewcastle1-1Aston Villa24.01.21PLAston Villa2-0Newcastle25.06.20PLNewcastle1-1Aston Villa26.11.19PLAston Villa2-0Newcastle21.02.17CHANewcastle2-0Aston Villa24.09.16CHAAston Villa1-1Newcastle07.05.16PLAston Villa0-0Newcastle20.12.15PLNewcastle1-1Aston Villa28.02.15PLNewcastle1-0Aston Villa23.08.14PLAston Villa0-0Newcastle23.02.14PLNewcastle1-0Aston Villa14.09.13PLAston Villa1-2Newcastle30.01.13PLAston Villa1-2Newcastle02.09.12PLNewcastle1-1Aston Villa05.02.12PLNewcastle2-1Aston Villa17.09.11PLAston Villa1-1Newcastle10.04.11PLAston Villa1-0Newcastle22.08.10PLNewcastle6-0Aston Villa24.05.09PLAston Villa1-0Newcastle04.11.08PLNewcastle2-0Aston Villa09.02.08PLAston Villa4-1Newcastle18.08.07PLNewcastle0-0Aston Villa01.02.07PLNewcastle3-1Aston Villa27.08.06PLAston Villa2-0Newcastle11.02.06PLAston Villa1-2Newcastle03.12.05PLNewcastle1-1Aston Villa02.04.05PLNewcastle0-3Aston Villa28.08.04PLAston Villa4-2NewcastleLịch sử đối đầu giữa Aston Villa và Newcastle United cho thấy một sự cạnh tranh khá...

Review phim Nhím Sonic 3

Review phim Nhím Sonic 3 - Tôn vinh sức mạnh tình bạnTổng thể, "Nhím Sonic 3" là một bộ phim tuyệt vời và không khiến khán giả phải thất vọng. Cốt truyện lôi cuốn, các nhân vật được phát triển rõ nét và diễn xuất của dàn diễn viên cũng rất ấn tượng. Âm nhạc, hình ảnh và kỹ xảo đều được đầu tư công phu, mang lại một trải nghiệm...

Lịch sử đối đầu Manchester City vs Everton trước trận Premier League 26/12/2024

Lịch sử đối đầu giữa Manchester City vs Everton trước trận Premier League 26/12/2024NgàyGiải đấuĐội chủ nhàĐội kháchTỷ số10.02.24PLManchester CityEverton2 - 028.12.23PLEvertonManchester City1 - 314.05.23PLEvertonManchester City0 - 331.12.22PLManchester CityEverton1 - 127.02.22PLEvertonManchester City0 - 121.11.21PLManchester CityEverton3 - 023.05.21PLManchester CityEverton5 - 021.03.21FACEvertonManchester City0 - 218.02.21PLEvertonManchester City1 - 302.01.20PLManchester CityEverton2 - 128.09.19PLEvertonManchester City1 - 307.02.19PLEvertonManchester City0 - 215.12.18PLManchester CityEverton3 - 131.03.18PLEvertonManchester City1 - 322.08.17PLManchester CityEverton1 - 115.01.17PLEvertonManchester City4 - 015.10.16PLManchester CityEverton1 - 128.01.16EFLManchester CityEverton3...

Lịch sử đối đầu Tottenham Hotspur vs Liverpool Lineups trước trận Premier League 26/12/2024

Lịch sử đối đầu giữa Tottenham Hotspur vs Liverpool Lineups trước trận Premier League 26/12/2024NgàyGiải đấuĐội chủ nhàĐội kháchTỷ sốKết quả08.04.24PLTottenhamNottingham3-1Thắng16.12.23PLNottinghamTottenham0-2Thắng11.03.23PLTottenhamNottingham3-1Thắng10.11.22EFLNottinghamTottenham2-0Thắng28.08.22PLNottinghamTottenham0-2Thắng25.09.14EFLTottenhamNottingham3-1Thắng03.03.05FACNottinghamTottenham0-3Thắng20.02.05FACTottenhamNottingham1-1Hòa17.04.99PLNottinghamTottenham0-1Thắng21.11.98PLTottenhamNottingham2-0Thắng01.03.97PLTottenhamNottingham0-1Thua19.01.97PLNottinghamTottenham2-1Thắng06.04.96PLNottinghamTottenham2-1Thắng14.10.95PLTottenhamNottingham0-1Thua04.03.95PLNottinghamTottenham2-2Hòa24.09.94PLTottenhamNottingham1-4Thua12.04.93PLNottinghamTottenham2-1Thắng28.12.92PLTottenhamNottingham2-1Thắng26.12.91PLTottenhamNottingham1-2Thua28.08.91PLNottinghamTottenham1-3Thua04.05.91PLTottenhamNottingham1-1Hòa27.10.90PLNottinghamTottenham1-2Thua07.04.90PLNottinghamTottenham1-3Thua30.12.89PLTottenhamNottingham2-3ThuaTrong những lần đối đầu gần đây giữa Tottenham Hotspur và Liverpool, đội khách Liverpool thường chiếm ưu thế. Mặc dù Tottenham có phong độ không ổn định, nhưng đội bóng này vẫn có thể tạo ra những bất ngờ, đặc biệt khi thi đấu trên sân nhà. Tuy nhiên, với...

Lịch phát sóng VTV3 ngày 24/12/2024

Lịch phát sóng VTV3 ngày 24/12/2024 với nhiều chương trình đặc sắc. Cập nhập nhanh nhất và chính xác nhất Lịch phát sóng VTV3 ngày 24/12/2024 với nhiều chương trình hấp dẫn. Chúc các bạn có những phút giây vui vẻ tại Báo...

Lịch phát sóng VTV1 ngày 24/12/2024

Lịch phát sóng VTV1 ngày 24/12/2024 với nhiều chương trình đặc sắc. Cập nhập nhanh nhất và chính xác nhất Lịch phát sóng VTV1 ngày 24/12/2024 với nhiều chương trình hấp dẫn. Chúc các bạn có những phút giây vui vẻ tại Báo...

Chelsea đồng ý mua đứt Jadon Sancho từ MU

Theo thông tin từ nhà báo Simon Phillips, Chelsea đã quyết định kích hoạt điều khoản để ký hợp đồng chính thức với Jadon Sancho vào mùa hè năm sau, với mức giá 23 triệu bảng. Cầu thủ 24 tuổi đã có một giai đoạn thăng hoa tại Chelsea, ghi 2 bàn và có 3 pha kiến tạo sau 10 trận đấu tại Premier League.Sancho từng trải qua quãng thời gian...

Tin nổi bật

Tin mới nhất