Theo chị Nguyễn Thị Nguyệt, thôn 7, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông), chị được bàn bạc kỹ càng các công việc về NTM ở thôn, xóm, nhất là mức đóng góp đối với các công trình, nên rất hài lòng.
Trong giai đoạn 2021-2023, người dân Đắk Nông đã đồng thuận, tình nguyện hiến trên 145.902m2 đất, đóng góp trên 21 tỷ đồng và trên 16.778 ngày công lao động để thực hiện đầu tư xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn và các công trình khác trong xây dựng NTM.
Chính từ việc huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân, nên hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đã được đầu tư xây dựng, ngày càng đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Nhiều vùng nông thôn ngày càng thay đổi bộ mặt nhờ điện, đường, trường, trạm khang trang hơn, điều kiện sống của người dân nông thôn được nâng lên.
Nhiệm vụ chăm lo, quan tâm giải quyết công ăn, việc làm và nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân nông thôn đạt được những kết quả khả quan.
Thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đã đạt 59,61 triệu đồng/người/năm, tăng 44,61 triệu đồng/người/năm (gấp 4 lần) so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 16,68%.
Chất lượng giáo dục, y tế và văn hóa, cảnh quan, môi trường của tỉnh ngày càng được các cấp, ngành, địa phương nâng cao. An ninh trật tự cơ sở Đắk Nông ngày càng ổn định.
TP. Gia Nghĩa đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2020. Đắk Nông có 36/60 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 60%.
Bình quân toàn tỉnh mỗi xã đạt 16,62 tiêu chí NTM, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí và đã có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đắk Nông dự kiến xét công nhận năm 2023 có thêm 4 xã NTM và 4 xã NTM nâng cao.
Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, để đạt được những kết quả nổi bật về xây dựng NTM, tỉnh có một số kinh nghiệm quý. Các kinh nghiệm này cần tiếp tục được phát huy trong những năm tiếp theo.
Thứ nhất, cần chỉ đạo các cấp chủ động đánh giá, rà soát các xã có khả năng cao nhất đạt chuẩn NTM theo từng năm và giai đoạn để đưa vào kế hoạch tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, tránh thực hiện dàn trải, manh mún.
Thứ hai, trong bối cảnh nhu cầu nguồn lực để xây dựng NTM là rất lớn, trong khi ngân sách bố trí còn rất hạn chế, nên ưu tiên, lựa chọn những chỉ tiêu, tiêu chí dễ, cần ít nguồn lực để tập trung thực hiện trước. Từ đó, làm đòn bẩy, động lực để thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại.
Thứ ba, để huy động được sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành, UBND tỉnh đã phân công cho tất cả các cơ quan, đơn vị nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho các xã trong xây dựng NTM.
Tỉnh phân công nhiệm vụ, tiêu chí NTM cho từng sở, ngành. Hoạt động góp phần giúp các xã có thêm nhiều nguồn lực và động lực để phấn đấu vươn lên.
Thứ tư, trong quá trình thực hiện, các huyện, thành phố coi xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để tập trung thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí khác nhau.
Thứ năm, để các địa phương, nhất là các xã có điều kiện còn khó khăn từng bước phấn đấu vươn lên đạt chuẩn NTM, tỉnh đã ban hành thêm Bộ Tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu; Bộ Tiêu chí vườn mẫu, rẫy mẫu trong NTM. Từ đó để các địa phương tổ chức thực hiện, góp phần từng bước nâng cao chất lượng và kết quả các tiêu chí NTM.