08:17, 30/08/2023
Kỳ 2: Những “cần câu” bền vững
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong nhiều năm qua, Đắk Lắk luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Với những “cần câu” bền vững từ chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự quan tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và quyết tâm vươn lên tự thân, đời sống của người dân vùng DTTS ngày càng được cải thiện, nâng cao, nhiều buôn làng bừng sức sống mới.
“3 đồng hành” của chiến sĩ công an
Năm 2014, mù quáng theo lời kẻ xấu dụ dỗ, anh Nay Y Than (SN 1980), dân tộc Gia Rai ở buôn Dang, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo đã bán hết đất đai, nhà cửa, đưa vợ con vượt biên sang Thái Lan.
Tháng 3/2015, Nay Y Than bị Công an Thái Lan bắt, đến tháng 4/2015 thì được thả. Cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều khó khăn do không có công việc ổn định, chủ yếu đi làm thuê những việc nặng nhọc.
Bên cạnh đó, do bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, không có giấy tờ cư trú hợp pháp nên tâm trạng luôn lo lắng, hoang mang, con cái không được đi học, đau ốm không có tiền chữa trị…
Anh đã tìm cách liên lạc với người thân ở quê nhà, mong được chính quyền địa phương giúp đỡ để hồi hương. Được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, tháng 12/2015, gia đình Nay Y Than được chính quyền Thái Lan trao trả ở Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai).
Công an huyện Ea H’leo trao quà tặng đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ea Sol. |
Trở về quê hương, được chính quyền địa phương thường xuyên động viên, giúp đỡ, anh Nay Y Than đã nhận thức được sai lầm, quyết tâm làm lại từ đầu, chí thú làm ăn, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tháng 7/2023, gia đình Nay Y Than được Công an huyện Ea H’leo tặng một cặp dê giống trong chương trình của mô hình “3 đồng hành”. Vui mừng vì luôn được các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị quan tâm giúp đỡ, ngoài quyết tâm cố gắng vươn lên, Nay Y Than còn hứa sẽ tích cực tham gia vận động bà con trong buôn đoàn kết, chung tay xây dựng buôn làng, không nghe lời kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục.
Thượng tá Nguyễn Công Hòa, Trưởng Công an huyện Ea H’leo cho biết, các hoạt động hướng về cơ sở luôn được đơn vị chú trọng, trở thành việc làm thường xuyên. Mô hình “3 đồng hành” là một trong những điển hình. Triển khai từ năm 2021, với việc đồng hành cùng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và đảm bảo ANTT, mô hình đã góp phần động viên những người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng, từng bước xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Từ tháng 8/2021 đơn vị đã trao tặng 11 cặp dê, 2 con bò giống cho 13 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, các cặp dê đã sinh sản hơn 30 con, bò giống cũng đang phát triển tốt, góp phần tạo sinh kế cho người dân.
Tạo nền vững chắc từ những chính sách
Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 667.000 người DTTS (chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh). Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh còn hai huyện nghèo là M’Drắk và Ea Súp; có 130 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có 71 xã khu vực I, 5 xã thuộc khu vực II, 54 xã thuộc khu vực III; 519 thôn, buôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) sản xuất cà phê đặc sản. |
Để nâng cao dân trí, giảm dần khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, hướng đến sự phát triển toàn diện đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, ngày 25/3/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giai đoạn 2021 – 2025 (gọi tắt Đề án 07). Đề án cũng là nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, địa phương cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở, qua 1 năm triển khai thực hiện Đề án 07 cùng với các chủ trương, nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách dân tộc của Trung ương và địa phương, diện mạo, đời sống vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc. Hệ thống hạ tầng cơ sở, giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường học, cơ sở y tế… được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, đáp ứng cơ bản các nhu cầu thiết yếu của người dân nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng. Các chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến nông, khuyến lâm được triển khai kịp thời, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tiếp tục được gìn giữ, phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS và người dân từng bước được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,85% so với năm 2021 (từ 12,79% xuống còn 10,94%), đạt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu từ 1,5 đến 2,0%); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 3,66% (từ 26,74 xuống còn 23,08%), đạt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu là 3,0 đến 4,0%).
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy H’Kim Hoa Byă đánh giá: Việc triển khai thực hiện Đề án 07 đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo ổn định an ninh trật tự an ninh nông thôn, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS. Qua đó, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ dần tập quán sản xuất lạc hậu, thay đổi phương thức sản xuất; hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Những “hạt nhân” tiêu biểu của buôn làng
Nguyễn Gia